Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Một số vấn đề về giáo dục đạo đức nghề nghiệp theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho học viên trong giao đoạn hiện nay

Khi tìm hiểu và nghiên cứu toàn bộ di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rõ rằng Người luôn đánh giá đạo đức có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công của mỗi con người, của Đảng ta và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Người đã dày công giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho những thanh niên Việt Nam ưu tú và từ những con người điển hình đó, giáo dục đạo đức cách mạng trở thành chủ trương, đường lối của Đảng, biến thành một phong trào rộng khắp, mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn quân và toàn nhân dân ta. Vì vậy, việc giáo dục đạo đức cho CÁN BỘ CHIẾN SĨ công an luôn là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng CAND nói chung và đối với Trường Cao đẳng CSND I nói riêng.

Có thể nói, phẩm chất đạo đức bao trùm, quan trọng nhất và chi phối các phẩm chất đạo đức khác trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đó chính là chuẩn mực đạo đức “trung với nước, hiếu với dân”. Phẩm chất này nói lên trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân đối sự nghiệp dựng nước và giữ nước, với con đường đi lên CNXH của Việt Nam. Người chỉ rõ: với mỗi công dân “Trung với nước, hiếu với dân” là quyết tâm suốt đời phấn đấu cho Đảng, cho cách mạng, là phải tận trung với nước, tận hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; có trách nhiệm đóng góp xây dựng, bảo vệ đất nước; biết lấy dân làm gốc, làm mọi điều có lợi cho dân.

Tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người là hình mẫu của một con người trọn đời sống, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Và đây cũng là những phẩm chất gốc, thước đo chất nhân văn, sự văn minh, giàu mạnh của mỗi quốc gia, Người khẳng định:

Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Thiếu một mùa không thành trời

Thiếu một phương không thành đất

Thiếu một đức, không thành người

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức không chỉ dừng lại ở lời nói (tư tưởng đạo đức) mà những tư tưởng ấy được hiện thực hóa trong mỗi công việc, trong mỗi hành động của Người, thể hiện ở phong cách và lối sống của Người.

Trong cuộc sống hàng ngày, đối với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em, Người thể hiện một phong cách ứng xử bình dị, tự nhiên, cởi mở, chân thành. Điều đó làm cho bất cứ ai khi gặp Người đều thấy không khí ấm áp, thân thiện và trìu mến, không có cảm giác lo sợ, cách biệt khi tiếp xúc với lãnh tụ, với vĩ nhân. Người luôn thể hiện thái độ yêu thương, quý mến con người, trân trọng, khoan dung, khiêm nhường và độ lượng đối với người khác. Điều đó thôi thúc mỗi chúng ta hướng tới cái chân, thiện, mỹ trong cuộc sống, công tác, học tập và phát triển.

Trong sinh hoạt, Người là tấm gương sáng của sự giản dị, thanh đạm, thanh cao. Người có lối sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian, không có ham muốn danh lợi riêng cho cá nhân.

Phong cách làm việc của Người bao gồm nhiều nội dung mà chủ yếu là tác phong quần chúng, tác phong tập thể - dân chủ, tác phong khoa học. Phong cách diễn đạt là phong cách nói và viết của Hồ Chí Minh trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với người đọc và người nghe.

Phong cách Hồ Chí Minh đã làm cho Người trở thành một con người toàn vẹn. Đạo đức, phong cách, tư tưởng và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tượng đài bất tử trong lòng dân tộc ta, mãi mãi là tấm gương cho mọi người phấn đấu học tập và làm theo.

Thực hiện Chỉ thị 23-CTTW, ngày 27/3/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã tổ chức nhiều đợt học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Đối với học viên Trường Cao đẳng CSND I, việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có tầm quan trọng đặc biệt. Điều đó được thể hiện ở tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 03/CT-TW ngày 14/5/2011, Kế hoạch số 03/KH-TW ngày 1/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hướng dẫn số 12/HD-BTGTW ngày 27/7/2011 và Hướng dẫn số 25/HD-BTGTW ngày 25/11/2011 của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Đoàn trường Cao đẳng CSND I nhận giải ba chung cuộc tại hội thi “Thanh niên Công an học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy”-Cụm thi đua số 14

Với tính chất đặc biệt quan trọng như vậy, ngày 17/1/2007, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 05/KH-BCA (X11) về việc thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TW của Bộ Chính trị về việc tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong CAND. Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ giáo dục chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho học viên cần tập trung vào một số nội dung lớn, gắn liền với sự hình thành lối sống, nhân cách văn hóa thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế. Các chuẩn mực đạo đức nghề cần giáo dục cho học viên bao gồm một hệ thống các chuẩn mực mà nội dung cốt lõi là đạo lý yêu nước, thương đồng bào, giàu lòng nhân ái, xây dựng phong cách làm việc văn minh, lối sống và ứng xử văn hóa, vì nhân dân phục vụ, đồng thời hướng tới và giữ gìn nét đẹp: chân, thiện, mỹ truyền thống của con người Việt Nam. Cụ thể là:

- Luôn nêu cao tinh thần yêu nước và hành động yêu nước; tận trung với nước, tận hiếu với dân; thực hiện nghiêm 6 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy CAND; kiên định và quyết tâm thực hiện lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, ra sức phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trung với nước, hiếu với dân ngày nay thể hiện ở ý chí quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ sự nghiệp của Đảng và Nhà nước, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nhân dân.

- Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng; rèn luyện phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người đối với CÁN BỘ CHIẾN SĨ công an hiện nay là: nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tích cực học tập, rèn luyện với tinh thần sáng tạo, có chất lượng hiệu quả cao; thực hiện chí công vô tư, luôn ưu tiên đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, xây dựng nội bộ đoàn kết, vững mạnh, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng; kiên quyết chống bệnh lười biếng, thỏa mãn trong công tác, rèn luyện, tích cực bài trừ tư tưởng trung bình chủ nghĩa, không có động cơ, phấn đấu đúng đắn trong công tác chuyên môn.

- Có lối sống giản dị, trong sáng và đức tính cần cù, trung thực, khiêm tốn; tinh thần cảnh giác cách mạng; có ý thức đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; kiên quyết chống các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, sách nhiễu nhân dân, các tệ nạn xã hội như đánh bạc, lô đề, cá độ, vay tiền, cắm quán, bảo kê cho tội phạm,…

- Rèn luyện phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo; luôn có ý thức tự học hỏi vươn lên, xác định việc học tập và rèn luyện phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ là nhiệm vụ hàng đầu, không ngừng phần đấu nâng cao trình độ mọi mặt trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công tác được giao; phấn đấu trở thành người CAND thời đại mới vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

- Luôn nêu cao tinh thần tiên phong, xung kích tình nguyện đi đầu đảm nhận các việc khó, việc khổ nơi vùng sâu, vùng xa, … không đòi hỏi Tổ quốc phải làm gì cho mình mà luôn tự hỏi mình đã làm được gì có lợi, dù rất nhỏ cho Tổ quốc, cho nhân dân, cho ngành; thực hiện tốt khẩu hiệu hành động “CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

- Luôn phát huy tinh thần độc lập tự chủ, ý thức tự lực tự cường, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong bất kỳ hoàn cảnh nào; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ sự nghiệp của Đảng, bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc và CNXH.

- Luôn nêu cao ý thức xây dựng đoàn kết nội bộ trong tập thể đơn vị; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp. Có lòng yêu ngành, yêu nghề, tâm huyết với nghề, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; có lương tâm nghề nghiệp trong sáng, xứng đáng là người CAND suốt đời phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giáo dục chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho học viên Trường Cao đẳng CSND I theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, các cuộc thi tìm hiểu về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hình thành phông tư liệu, xây dựng và phổ biến nội dung chuẩn mực đạo đức cho học viên thông qua các bài giảng, bài nói chuyện về chính trị, về truyền thống CAND, về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hai là, triển khai hướng dẫn học viên trong toàn trường xây dựng nội dung, đăng ký kế hoạch học tập thực hiện theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với từng học viên, từng lĩnh vực, vị trí công tác cụ thể. Nội dung học tập, thực hiện phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện, tránh việc làm mang tính hình thức, hô khẩu hiệu.

Ba là, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam XHCN; từ đó liên hệ với nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho CÁN BỘ CHIẾN SĨ công an; lồng ghép hợp lý các nội dung tuyên truyền với các lĩnh vực công tác nhằm không chỉ giáo dục về chuyên môn, năng lực tư duy lý luận mà quan trọng hơn là hình thành kỹ năng sống, hoàn thiện nhân cách người cán bộ công an trong giai đoạn mới.

Bốn là, đẩy mạnh công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đánh giá, báo cáo kết quả, tổng kết; kịp thời biểu dương những tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời phê bình những tập thể, cá nhân chưa có ý thức tu dưỡng, học tập, làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm.

Tư tưởng và cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh để lại những bài học quý báu cho chúng ta học tập và làm theo. Trong giai đoạn hiện nay, trước bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khôn lường, đặt nước ta trước nhiều nguy cơ và thách thức, việc giáo dục chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ chiến sĩ Công an theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp chúng ta vững vàng tiến bước trên con đường sự nghiệp đã chọn, cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội của Việt Nam./.

Bài: Khắc Hải, Phó Trưởng Khoa CB4

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi