Đẩy mạnh thanh toán số
Đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, cùng với việc tiên phong, đi đầu thí điểm triển khai hiệu quả Sổ sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, TP Hà Nội đã đẩy mạnh nhóm phát triển kinh tế - xã hội về chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.
Theo số liệu báo cáo của các quận, huyện, thị xã, tổng số đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội hiện nay là 291.850 người. Số đối tượng đã mở tài khoản: 272.253 người (chiếm 93,29%). Trong đó, số đối tượng có tài khoản và đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản: 266.938 người. Số đối tượng có tài khoản nhưng chưa đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản là 5.315 người. Số đối tượng chưa đăng ký mở tài khoản là 14.098 người. Số đối tượng bất khả kháng là 5.499 người.
Kết quả các quận, huyện, thị xã đang thực hiện chi trả an sinh xã hội kỳ tháng 9, (từ ngày 1/9/2024 - 15/9/2024), đã chi trả cho 138.259 người hưởng chính sách an sinh xã hội với kinh phí là 167,5 tỷ đồng. Trong đó, đã chi trả qua tài khoản cho 129.772 người với số tiền trên 158,5 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền, vận động người dân nhận chi trả bằng hình thức không dùng tiền mặt. Tính đến nay, tổng số người tham gia và hưởng các chế độ hàng tháng do BHXH TP Hà Nội đang quản lý là hơn 7,9 triệu người. Số người tham gia đã được cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành BHXH và xác thực đúng với CSDL Quốc gia về dân cư là 7,7 triệu người, đạt 96,5% tổng số người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và hưởng các chế độ hàng tháng do BHXH TP quản lý. Chi lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng đạt 98,16%; trợ cấp BHXH một lần đạt 96,97%; bảo hiểm thất nghiệp đạt 99,78%.
TP Hà Nội cũng chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện sử dụng thẻ CCCD gắn chip tích hợp BHYT trong khám chữa bệnh, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khi thanh toán viện phí. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố chấp hành nghiêm việc khám chữa bệnh cho người dân bằng CCCD gắn chip thay thế BHYT. Đã có trên 7 triệu người có thẻ BHYT trên địa bàn thành phố được đồng bộ dữ liệu, sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh. Tính đến nay, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đã tiếp đón hơn 4,6 triệu lượt khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip thay thế thẻ BHYT.
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, 5 bệnh viện của ngành Y tế Hà Nội tiếp tục triển khai hiệu quả bệnh án điện tử gồm: Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Xanh Pôn, Đa khoa Mỹ Đức, Đa khoa Vân Đình và Đa khoa Hòe Nhai. 5 bệnh viện triển khai khám chữa bệnh từ xa gồm Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội, Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Thanh Nhàn. Sở Y tế Hà Nội tiếp tục tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp với các tổ chức trung gian triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, có 38/43 cơ sở khám chữa bệnh tuyến thành phố và huyện (đạt 88%) đã liên kết với các chi nhánh ngân hàng tại địa phương đặt các máy POS hỗ trợ thanh toán qua thẻ ATM, tạo tài khoản có mã QR để hỗ trợ người dân thanh toán chuyển khoản qua ứng dụng mobile banking khi thực hiện thanh toán viện phí.
Tính đến ngày 20/9, đã bố trí 102 điểm thuộc 8/30 quận thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt. Đã có 554.121 lượt giao dịch với tổng số tiền hơn 5,7 tỷ đồng. Hiện thành phố đang tiếp tục triển khai thực hiện quy trình thanh toán tạm thời đối với việc thực hiện ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn và quy chế tạm thời trong công tác triển khai ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt. Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng ban hành công văn về việc triển khai các quy trình, quy chế, ứng dụng giải pháp để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt trên địa bàn TP Hà Nội. Thành phố tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về kết quả triển khai thực hiện, đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc để báo cáo kịp thời Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cho ý kiến chỉ đạo trước khi triển khai nhân rộng mô hình thí điểm này trên toàn quốc.
Phát triển công dân số với số hóa dữ liệu
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Công an TP Hà Nội đang thực hiện tốt công tác tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ căn cước cho nhân dân trên địa bàn, đảm bảo đúng quy trình, quy định của Luật Căn cước 2023. Từ ngày 15/8 đến ngày 13/9, toàn thành phố thu nhận 248.778 hồ sơ Căn cước (cấp mới 248.436 hồ sơ; hồ sơ cấp đổi 188 hồ sơ; hồ sơ cấp lại 154 hồ sơ).
Toàn thành phố đã thu nhận và được phê duyệt cấp tài khoản định danh mức 1 và mức 2 là 6.369.117 trường hợp (đạt 106,4%), đã kích hoạt 5.584.946 tài khoản định danh mức 1 và mức 2 (đạt 93,3%). Hiện nay, có 4 đơn vị gồm: Tây Hồ, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng đạt tỷ lệ kích hoạt trên 100%. Hiện Hà Nội đang tập trung xây dựng hệ sinh thái, dữ liệu dùng chung, làm sạch dữ liệu dân cư, các nhóm dữ liệu, đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống", nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Thành phố đang phát động phong trào thi đua cao điểm "Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Kế hoạch số hóa dữ liệu hộ tịch". Ngoài ra, nhằm ứng dụng, khai thác dữ liệu hộ tịch đã được số hóa, thành phố đang đề xuất Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ cho phép thực hiện sử dụng dữ liệu hộ tịch điện tử sau khi đã được đối soát, làm sạch với CSDL quốc gia về dân cư để thực hiện thí điểm việc triển khai các TTHC không phục thuộc địa giới hành chính trong lĩnh vực hộ tịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Về dữ liệu Bảo trợ xã hội, tính đến nay, đã có 201.827/203.175 đối tượng bảo trợ xã hội đạt tỷ lệ 99,3% được thực hiện chuẩn hóa vào hệ thống CSDL bảo trợ xã hội. Đến ngày 15/9/2024, đã có dữ liệu của 1.885.604 trẻ em hiển thị trên hệ thống phần mềm; 1.732.014 dữ liệu trẻ em được chuẩn hóa, làm sạch, hiển thị trên hệ thống. Đối với các trường hợp chưa được chuẩn hoá, làm sạch do một số nhóm trẻ em đăng ký tạm trú trên địa bàn không cập nhật được lên phần mềm; một số nhóm trẻ em khai sinh đã được cấp mã định cá nhân nhưng trẻ chưa nhập khẩu, chưa có trên hệ thống dữ liệu dân cư nên không nhập được vào phần mềm. Sở Lao động, Thương binh và xã hội đã hướng dẫn cơ sở quản lý dữ liệu nhóm trẻ em tạm trú bằng Excel và đôn đốc các cơ sở phối hợp đối chiếu dữ liệu nhóm trẻ em có thông tin chưa chính xác.
Thành phố cũng đã rà soát, đối chiếu, làm sạch và nhập dữ liệu thông tin của 78.755/78.866 trường hợp người có công, thân nhân người có công và một số đối tượng do ngành lao động - thương binh và xã hội quản lý đang hưởng trợ cấp hàng tháng trên hệ thống CSDL quốc gia về dân cư (đạt tỷ lệ 99,86%). Hiện nay chưa có nguồn cung cấp số liệu chính xác di biến động về người lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Ngày 29/7/2024, Sở Lao động, Thương binh và xã hội đã gửi văn bản đề nghị Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội hướng dẫn về quy trình, cách thức thực hiện xây dựng, thu thập, xác thực dữ liệu và quản lý di biến động về người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
Thực hiện nhiệm vụ triển khai Đề án 06, đồng thời, hướng tới mục tiêu sử dụng mã số định danh cá nhân làm mã số thuế để bảo đảm đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Thuế TP Hà Nội đã hoàn thành 99,9% việc triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân. Trên cơ sở kết quả chuẩn hóa mã số thuế cá nhân theo Đề án 06, Cục Thuế TP Hà Nội đã định danh thông tin được 418 doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử; 668 chủ thể kinh doanh sản phẩm, nội dung số; 54 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về định danh các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử, doanh thu kê khai, số thuế đã nộp, tài khoản ngân hàng... của trên 366.857 shop, tương ứng 197.848 mã số thuế.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh kết nối dữ liệu, liên thông đồng bộ giữa các bộ, ngành, đặc biệt dữ liệu dân cư, dữ liệu thương mại điện tử, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng… để đối chiếu một cách nhanh chóng yêu cầu kê khai nộp thuế, yêu cầu thanh tra kiểm tra... Các thông tin của người nộp thuế được thay đổi tại CSDL quốc gia về dân cư tự động cập nhật. TP Hà Nội cũng tập trung xây dựng CSDL đất đai (nhóm dữ liệu địa chính gồm 198 trường dữ liệu) theo đúng quy định. Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai, Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường nâng cấp phần mềm VILIS 2.0 phục vụ Dự án hồ sơ địa chính.
Nguồn: Báo CAND