Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I với Ngày Sách “21/4”

 

I. Nguồn gốc và ý nghĩa

Từ xa xưa, đọc sách được coi là một việc hết sức thanh tao. Người đọc sách là người có phẩm chất cao quý, có phong cách của một tao nhân. Người ta đọc sách để đàm đạo những triết lý về đời sống, những kinh nghiệm trong lao động sản xuất và quản lý xã hội. Song, người ta còn đọc sách để thưởng thức, chiêm nghiệm cái hay, cái đẹp, thấm thía ý nghĩa nhân văn thông qua nghệ thuật của người viết sách. Có thể nói, sách là chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh; sách còn là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi vui, buồn sâu kín của mỗi con người.

Mọi thành công của con người đều nhờ sự kết hợp của kinh nghiệm bản thân với tri thức lĩnh hội được từ việc học trong cuộc sống và trong sách vở. Chính vì vậy mà từ lâu, đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người trên thế giới. Trải qua hàng ngàn năm, việc đọc sách không chỉ giúp chúng ta nâng cao nhận thức, mở rộng hiểu biết về chuyên môn, mà đọc sách còn giúp chúng ta hoàn thiện bản thân và nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người, góp phần xây dựng con người văn minh, xã hội văn minh, truyền thống của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách, Thủ tướng chính phủ quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đây là tin vui đối với những người yêu sách đồng thời là cơ hội để khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng, nhất là trước nguy cơ mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm tại thư viện. Sẽ là cần thiết khi Ngày sách Việt Nam đang hướng đến bạn đọc là học sinh, sinh viên và mong muốn tạo nên thói quen đọc lành mạnh, phù hợp cho đối tượng công chúng này.

Tháng 4 là thời điểm phát hành cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tác động và có sức lan tỏa nhất trong xã hội thời điểm hiện nay. Không những vậy, Người cũng là một tác gia lớn, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn Ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người mang ý nghĩa to lớn và sâu sắc.

Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời gian diễn ra “Ngày sách và Bản quyền Thế giới 23/4” do UNESCO ấn định từ năm 1995 với nhiều sự kiện được tổ chức nhằm khuyến khích mọi người, đặc biệt là giới trẻ khám phá niềm vui đọc sách. Ngày này có xuất xứ từ một phong tục truyền thống tốt đẹp của xứ Catalan thuộc Tây Ban Nha, vào ngày này hàng năm rất nhiều hội chợ sách, các lễ hội đường phố được tổ chức và mỗi khách hàng đều được tặng một đóa hồng kèm theo mỗi cuốn sách họ mua. Vì vậy, Ngày Sách Việt Nam không những thể hiện được sự hội nhập của Việt Nam với thế giới mà còn hấp dẫn và lôi cuốn bạn đọc đông đảo trên cả nước tìm đến sách và đọc sách.

Ngày Sách Việt Nam 21/4 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong “Văn hóa đọc” của người Việt, ngày để toàn dân hưởng ứng đến việc đọc sách, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, từ đó khuyến khích đọc, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng xã hội học tập một mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước trong phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Bên cạnh đó, Ngày Sách Việt Nam cũng là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách đối với đời sống xã hội, tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện và quảng bá sách. Đây cũng là niềm vui, niềm vinh dự và tự hào cho những người làm công tác thư viện nói chung và cán bộ, nhân viên Trung tâm TTKH&TLGK của Trường Cao đẳng CSND I nói riêng.

II. Hoạt động của Nhà trường hưởng ứng Ngày sách hàng năm

“Hãy tích lũy kiến thức khi bạn còn đủ sức”

Ngay trong năm 2014 là năm đầu tiên Chính phủ chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam, Nhà trường đã tổ chức tuyên truyền Ngày sách Việt Nam 21/4 nhằm phát triển văn hóa đọc cho cán bộ, giảng viên và học viên, đồng thời nâng cao tầm quan trọng của sách, báo và tri thức trong công tác, nghiên cứu, học tập và rèn luyện; tạo lập nét sinh hoạt văn hóa, văn minh trong thái độ ứng xử với sách, báo. Việc tuyên truyền để cán bộ, giảng viên và học viên hiểu rõ vai trò của thư viện trong việc đáp ứng nhu cầu tự học, tự nghiên cứu, góp phần hình thành nhân cách con người và phát triển thói quen đọc sách, có ý thức giữ gìn, trân trọng và bảo quản tài liệu. Ngoài ra, Nhà trường cũng thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, phong phú hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam như: đầu tư trang thiết bị hiện đại, không ngừng bổ sung,cập nhật các loại sách, báo, tài liệu… để phục vụ cho quá trình học tập, nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường. Bên cạnh đó, Trung Tâm TTKH&TLGK cũng đã triển khai chuyên mục giới thiệu sách vào trên mạng LAN với các thể loại sách như pháp luật chính trị, sách chuyên ngành CAND, văn học, tổng hợp, thông qua chuyên mục này giúp cán bộ, giảng viên Nhà trường biết và tìm đọc những cuốn sách hay trong thư viện góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của Nhà trường. Đồng thời, để bắt kịp với nhu cầu hiện đại hóa nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn tài liệu tại thư viện, tư liệu, Nhà trường đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống thư viện, dần phát triển thư viện truyền thống thành thư viện hiện đại, thư viện điện tử. Với hệ thống này cán bộ quản lý thư viện cũng như cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường sẽ thuận lợi trong việc quản lý, tra cứu, sử dụng nguồn thông tin, giúp thư viện dần trở thành một giảng đường thứ 2 cho các bạn học viên, là hệ thống tri thức mở cho cán bộ, giảng viên trong công tác nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.

Bài: Thùy Linh - Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè