Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Kỹ năng mềm cho học viên – chìa khóa vàng của thành công

Trước tiên có thể tạm hiểu rằng, “kĩ năng mềm” là thuật ngữ để chỉ các kĩ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kĩ năng giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, cách thức tương tác bạn bè, đồng nghiệp, quản lý thời gian, sáng tạo, đổi mới... Kĩ năng này thể hiện cách sống, cách tích lũy kinh nghiệm từ cuộc sống và trong xã hội hiện đại. Đối với học viên các trường Công an nhân dân, “kĩ năng mềm” còn là thái độ và kĩ năng ứng xử của cá nhân khi gặp những tình huống giao tiếp xã hội cụ thể, ứng phó với những tình huống trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong thời kì hội nhập ngày nay, kĩ năng mềm là chìa khóa giúp cho mọi giao tiếp và hợp tác trở nên hiệu quả hơn, đây là chìa khóa vàng dẫn đến thành công.

Việc xây dựng kĩ năng mềm cho học viên gồm rất nhiều nội dung đa dạng, phong phú. Xuất phát từ thực tiễn đào tạo - giáo dục của trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, ngôi trường mang những đặc điểm riêng của Lực lượng vũ trang công an nhân dân, Nhà trường đã xác định những nội dung chủ yếu trong việc hình thành kĩ năng mềm cho học viên là kĩ năng về tin học, ngoại ngữ, lái xe, võ thuật và văn hóa ứng xử. Đây cũng là một trong những yêu cầu trong chuẩn hóa đầu ra cho học viên  trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I. Những kĩ năng này sẽ giúp học viên có thái độ học tập đúng đắn, chấp hành kỉ luật kỉ cương đồng thời đáp ứng được những yêu cầu có tính đặc thù của lực lượng vũ trang nhân dân trong tình hình mới.

Trong thời đại mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế như ngày nay, sự trao đổi thông tin giữa các quốc gia được diễn ra thường xuyên. Vì vậy việc trang bị kĩ năng về ngoại ngữ trở nên rất cần thiết. Nhận thức rõ vai trò của kĩ năng này, hàng năm, trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đều tổ chức những buổi kiểm tra tiếng anh đầu vào đối với tất cả học viên để có thể đánh giá một cách tổng quan về thực trạng kiến thức, kĩ năng giao tiếp tiếng anh của học viên. Từ đó bổ sung kiến thức đối với những học viên chưa có kiến thức cơ bản về tiếng anh, giúp các em dễ dàng hơn trong quá trình học tiếng anh sau này. Mỗi học viên đều có 3 kì học tiếng anh với cấp bậc khó dần để học viên trang bị những kĩ năng về giao tiếp tiếng anh cũng như nâng cao vốn từ vựng liên quan đến chuyên ngành. Trong quá trình học tập, học viên được trang bị đầy đủ các điều kiện học tập như: hệ thống tài liệu phong phú, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, chương trình đào tạo khoa học, cập nhật những phương pháp dạy học mới... để nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình.

Bên cạnh vai trò quan trọng của tiếng anh trong thời kì hội nhập ngày nay, thì tin học đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống. Tin học được sử dụng rộng rãi trên mọi lĩnh vực của cuộc sống như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục... Tin học đang dần được phổ cập từ bậc trung học cơ sở thông qua các lớp dạy nghề. Đối với các học viên trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, việc trang bị kĩ năng về tin học vừa là đòi hỏi khách quan, vừa là yêu cầu của công việc học tập nghiên cứu. Đặc biệt đối với các học viên chuyên ngành quản lý hành chính về trật tự xã hội, chuyên ngành cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế...trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình sau này. Trong quá trình học tập tại trường, các học viên được học tập lý thuyết kết hợp thực hành máy tính với sự hướng dẫn của các giáo viên bộ môn Tin học - Ngoại ngữ tại các phòng máy tại cả hai cơ sở Trung tâm và Sóc Sơn để nâng cao kĩ năng cho bản thân.

Ngoài ra, lái xe cũng là một nội dung kĩ năng mềm của học viên các trường Công an nhân dân nói chung, trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I nói riêng. Việc đào tạo cấp bằng lái xe mô tô, ô tô sẽ giúp học viên thuận lợi trong quá trình công tác, có những khả năng linh hoạt ứng phó với những tình huống khi tham giao giao thông, đặc biệt khi truy bắt tội phạm. Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I có trung tâm dạy nghề và đào tạo lái xe kết hợp với khoa Nghiệp vụ Cảnh sát Giao thông hàng năm đều mở các khóa huấn luyện lái xe với nhiều hình thức học tập và thực hành. Học viên đều được học tập, rèn luyện và sau các khóa học sẽ được cấp chứng chỉ A1, A2, B1... phục vụ đắc lực cho cuộc sống cũng như công tác chuyên môn.

Xuất phát từ đặc điểm đặc biệt của các trường Công an nhân dân là các học viên sau khi ra trường sẽ trở thành những cán bộ trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm , thường xuyên tiếp xúc với những mặt trát của xã hội. Vì vậy, võ thuật là một kĩ năng mềm mà bất cứ học sinh, sinh viên đều cần phải có. Võ thuật không chỉ là điều kiện tốt để rèn luyện thể chất cho mỗi con người. Mà đối với các chiến sĩ Công an nhân dân thì võ thuật là một kĩ năng bắt buộc để có thể đấu tranh với tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Dó đó, trong thời gian học tập tại trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, các học viên có hai kì học võ ngành Công an nhân dân với thời gian 4 tháng. Bên cạnh đó, các học viên còn được tổ chức các chương trình học võ ngoại khóa để nâng cao sức khỏe, rèn luyện thể chất cho bản thân.

Một nội dung quan trọng nữa trong xây dựng kĩ năng mềm cho học viên được Ban giám hiệu, phòng Quản lý học viên, Đoàn thanh niên trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I quan tâm, đó là văn hóa ứng xử. Kĩ năng này định hướng cho mỗi học viên có quy tắc ứng xử chuẩn mực, chấp hành đúng quy định, quy chế của nhà trường, điều lệnh của ngành. Bên cạnh đó, giúp cho học viên có cách ứng xử văn hóa, đúng mực, tế nhị trong giao tiếp đối với thầy cô, bạn bè, đồng chí. Nhất là đối với học viên chuyên ngành quản lý hành chính và chuyên ngành giao thông, những người thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, kỹ năng này càng giữ một vai trò quan trọng trong quá trình công tác sau này.

Còn nhiều kĩ năng mềm khác cũng cần thiết trong quá trình học tập, rèn luyện, hình thành nhân cách, xây dựng hình ảnh người cảnh sát “vừa hồng vừa chuyên”“ giỏi về nghiệp vụ, vững về chuyên môn”  như kỹ năng thuyết trình, giải quyết vấn đề, lãnh đạo, tư duy sáng tạo... Tuy nhiên kĩ năng ngoại ngữ, tin học, lái xe, võ thuật, văn hóa ứng xử là những nội dung thiết yếu đối với học viên trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I. Để việc đào tạo thực sự có hiệu quả cần phải tiến hành từng bước với sự phối hợp của các đơn vị chức năng trong nhà trường như: Đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ, cán bộ, giáo viên các bộ môn, khoa nghiệp vụ... Và trong khi khám phá và xây dựng những kĩ năng mềm, chúng ta không nên bỏ qua những kĩ năng “cứng”. Chìa khóa dẫn đến thành công thực sự là phải biết kết hợp cả hai kĩ năng này.

Huyền Thương
Chi đoàn Khoa NV5

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi