Ngày 4/9, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Quốc phòng và an ninh (UBQPAN) của Quốc hội khóa 13 đã khai mạc phiên toàn thể lần thứ 15. Phiên họp diễn ra với sự tham dự của ông Huỳnh Ngọc Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội.
Tại phiên họp lần này UBQPAN đã thẩm tra 2 dự án: Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.
Trong sáng 4/9, phiên họp đã lấy ý kiến về phạm vi điều chỉnh Luật, quan điểm sửa đổi Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), cũng như tập trung làm rõ về một số nội dung cơ bản của dự án Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi, như: khái niệm nghĩa vụ quân sự, quyền và nghĩa vụ quân nhân, về đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ; độ tuổi gọi nhập ngũ; về vấn đề tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ, về quyền lợi của hạ sĩ quan, chiến sĩ tại ngũ...
Đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết tại hội nghị. Đa số các đại biểu đều đánh giá cao tờ trình số 305 của Chính phủ ngày 27/8 trình Quốc hội và tán thành quy định thu hẹp đối tượng tạm hoãn nhập ngũ, chỉ tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học phổ thông và sinh viên đại học chính quy. Còn đối với công dân đang học, hoặc trúng tuyển vào cơ sở không chính quy sẽ được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả học tập.
Một số ý kiến cũng cho rằng, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nên nâng từ 18 tháng lên 24 tháng thì khi đất nước cần, lực lượng này mới có đủ khả năng tham gia chiến đấu.
Các đại biểu cũng tập trung khá nhiều tranh luận xung quanh việc làm thế nào để thu hút được lực lượng có trình độ khoa học kỹ thuật, ít nhất là có trình độ từ Đại học trở lên tham gia vào lực lượng quân đội, nhằm đáp ứng tình hình mới của công tác an ninh Quốc phòng, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng quân đội chính qui, hiện đại, tinh nhuệ.
Đặc biệt bên cạnh lực lượng chính quy quân đội làm nòng cốt, lực lượng dự bị động viên cũng phải hùng hậu, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) ra đời nhưng phải đáp ứng được yêu cầu phù hợp với qui định Hiến pháp năm 2013 về quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân và chế độ nghĩa vụ quân sự. Đáp ứng với tình hình mới trong công tác bảo vệ Tổ quốc.

Toàn cảnh diễn ra phiên họp ngày 4/9 tại TP Hồ Chí Minh
Chiều cùng ngày, phiên họp toàn thể tiến hành thẩm tra, đóng góp ý kiến thông qua dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát môi trường (CSMT). Đa số các đại biểu nhất trí về việc cần thiết phải ban hành Pháp lệnh CSMT như đã nêu trong tờ trình Chính phủ số 293/Ttr-CP ngày 21/8/2014. Nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động cho CSMT đáp ứng yêu cầu mới trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm Pháp luật về Môi trường.
Tuy nhiên một số ý kiến các đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cần có thêm giải trình thuyết phục hơn về tính đặc thù của lực lượng này, so với các lực lượng khác trong CAND nói chung, lực lượng CS phòng chống tội phạm nói riêng để chứng minh sự cần thiết phải ban hành Pháp lệnh này.
Thường trực UB cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc ý kiến do pháp lệnh này liên quan tới nhiều đạo luật có các quan hệ về vấn đề môi trường nên phải bảo đảm sự thống nhất với qui định của Luật BVMT và các Luật khác như Bộ Luật Hình sự, Luật ATVSTP, Luật Tài nguyên nước, Luật bảo vệ và phát triển rừng… Nhiều ý kiến tập trung góp ý về vấn đề tên gọi. Theo đó có ý kiến cho rằng, đề nghị lấy tên gọi là “Pháp lệnh Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường” theo đúng tên gọi của lực lượng hiện nay; cũng có y kiến cho rằng nên lấy tên gọi: “Pháp lệnh Cảnh sát phòng, chống tội phạm về tài nguyên, môi trường và an toàn thực phẩm” để phù hợp với vị trí, chức năng của lực lượng.
Ngoài ra các vấn đề khác như: phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh; vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của CSMT; nhiệm vụ và quyền hạn của CSMT, trong đó có đề cập tới tiến trình hoạt động điều tra, kiểm tra vi phạm pháp luật về MT; vấn đề về giám định về môi trường, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…
Theo đó, Thường vụ UBQPAN đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ các ý kiến, tiếp thu và chỉnh sửa các nội dung cũng như rà soát về kỹ thuật văn bản của dự thảo Pháp lệnh, nhằm đảm bảo tính chính xác nội dụng, sự thống nhất về thể thức…
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK Trích nguồn: Báo CAND online