Chiều 9/11, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho biết, về phương thức cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện (Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện được sửa đổi, bổ sung theo khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật), có ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm của cụm từ "chiếm tỷ lệ cơ bản" trong nội dung "lượng tần số phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (QPAN) chiếm tỷ lệ cơ bản trên tổng lượng tần số đề nghị cấp phép". Hiện nay, nội hàm "chiếm tỷ lệ cơ bản" chưa được quy định rõ ràng, có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong quá trình triển khai.
Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, quy định lượng tần số phục vụ nhiệm vụ QPAN chiếm "tỷ lệ cơ bản" trên tổng lượng tần số đề nghị cấp phép nhằm khẳng định mục đích sử dụng tần số phục vụ nhiệm vụ QPAN là chính. Việc lượng hóa "tỷ lệ cơ bản" sẽ được thể hiện trong đề án sử dụng băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ QPAN và căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể QPAN cũng như giải pháp công nghệ viễn thông trong từng thời kỳ.
"Dự thảo luật giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề án trên cơ sở đề xuất của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng nhằm đảm bảo tính linh hoạt, khả thi trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ cụm từ "tỷ lệ cơ bản" thể hiện tại khoản 6 Điều 1 dự thảo luật", Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT lý giải.
Về một số ý kiến còn khác nhau về lựa chọn phương án cấp tần số vô tuyến điện cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ QPAN để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ QPAN, đa số đại biểu Quốc hội và Chính phủ đều đồng thuận Phương án 1, không bổ sung khoản 4, Điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án luật.
Để hoàn thiện nội dung Phương án 1, điểm d khoản 4 Điều 18 đã được bổ sung yêu cầu "xác định cụ thể nhiệm vụ QPAN giao cho doanh nghiệp" trong đề án. Như vậy, việc mở rộng phạm vi các tần số vô tuyến điện được phân bổ cho nhiệm vụ QPAN ngoài lượng tần số phân bổ riêng cho nhiệm vụ QPAN quy định tại Điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 trong trường hợp này là phù hợp và thống nhất với chính sách ưu tiên sử dụng tần số phục vụ QPAN.
Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội chỉnh lý điểm d khoản 4 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện (khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật) như sau:
"d) Trường hợp đặc biệt, băng tần quy định tại khoản 2 Điều này được cấp cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ QPAN với thời hạn không quá 3 năm để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ QPAN.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm lập đề án sử dụng băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ QPAN lấy ý kiến Bộ Thông tin và Truyền thông, ý kiến Bộ Công an đối với đề án do Bộ Quốc phòng lập, ý kiến Bộ Quốc phòng đối với đề án do Bộ Công an lập để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án trước khi Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.
Đề án phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến QPAN; an toàn, bảo vệ bí mật nhà nước; sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông; xác định cụ thể nhiệm vụ QPAN giao cho doanh nghiệp; xác định lượng tần số phục vụ nhiệm vụ QPAN chiếm tỷ lệ cơ bản trên tổng lượng tần số đề nghị cấp phép.
Trước khi giấy phép hết thời hạn 3 tháng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức đánh giá hiệu quả việc sử dụng băng tần đã cấp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định dừng hoặc tiếp tục thực hiện đề án không quá 12 năm làm cơ sở để Bộ Thông tin và Truyền thông gia hạn giấy phép".
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện gồm 4 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, trừ trường hợp quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Nguồn: Báo CAND