Không chỉ diễn ra ở những Đảng bộ, Chi bộ đã bị phát hiện có sai phạm, tình trạng sa sút tính chiến đấu của người đảng viên đang diễn ra ở nhiều nơi. Những cuộc họp Chi bộ, đáng ra phải là nơi tập thể đảng viên cùng nhau bàn bạc, thảo luận thì lại biến thành diễn đàn để lãnh đạo độc thoại một chiều.
Một buổi sinh hoạt chi bộ tại Đảng bộ phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội (Ảnh minh họa)
Nể nang, né tránh, sợ cấp trên
Nhìn lại một số trường hợp cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật thời gian qua, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng: Việc những trường hợp có sai phạm từ cách đây cả chục năm như ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương (đã bị khai trừ Đảng) vẫn vượt qua các quy trình để vào Trung ương cho thấy tính chiến đấu, phê bình và tự phê bình của các tổ chức đảng còn yếu. Tình trạng nể nang, né tránh, sợ cấp trên, sợ lãnh đạo là có, dẫn tới những trường hợp sai phạm cả chục năm như vậy nhưng không biết, không phát hiện ra được.
Ở các cơ sở Đảng bị phát hiện có vi phạm đã nêu ở kỳ báo trước, tình hình đã diễn ra đúng như nhận định tại Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay: “Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức...”. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo ở các đơn vị này đã “thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân”.
Dù giữ cương vị chủ chốt nhưng nhiều đảng viên ở đó “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao, không thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng…”. Rõ ràng, tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình của đảng viên trong các đảng bộ nói trên rất yếu kém, nếu không nói là đã bị triệt tiêu…
Đấu tranh… tránh đâu!?
Trong bản kiểm điểm cuối năm của nhiều đảng viên thường ghi: “Còn e dè, nể nang, chưa mạnh dạn trong đấu tranh tự phê bình và phê bình…”. Nghe qua rất thật thà nhưng sự “thật thà” này đáng tiếc lại kéo dài năm này qua năm khác dẫn đến hình thành trào lưu thờ ơ với khuyết điểm của đồng chí, đồng đội, nhất là các vị trí lãnh đạo. Không ai dám nói thẳng, nói thật, càng không dám phê bình, phản biện lại ý kiến, quan điểm của cấp trên.
Sinh hoạt Chi bộ có tác động trực tiếp đến quá trình lãnh đạo của Đảng và nhận thức của mỗi đảng viên. Do đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ chính là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Thế nhưng, ở nhiều nơi, sinh hoạt Chi bộ, Đảng bộ phần lớn là đồng chí Bí thư cấp ủy độc thoại. Các ý kiến phát biểu của đảng viên (nếu có) cũng chỉ một chiều, chủ yếu phát biểu cho có, theo kiểu vỗ về, “đoàn kết”, rất hiếm ý kiến phản biện, phê bình. Không phải do đảng viên ở các Chi bộ đó không nắm được vấn đề mà do tính chiến đấu, phê bình, tự phê bình của phần đông đã giảm sút nghiêm trọng.
Ở nhiều nơi, ý kiến “trái chiều” thường diễn ra ở… quán trà đá vỉa hè sau giờ cơm trưa hoặc trong các nhóm nhỏ, khi không có mặt lãnh đạo. Có đảng viên nói thẳng, họ biết rõ những tồn tại ở đơn vị mình nhưng không muốn phát biểu gai góc ở cuộc họp Chi bộ vì ngại va chạm, không muốn mất lòng sếp. Có người lại cho biết, đã từng phản biện, góp ý nhưng tất cả đều “trôi tuột”, không có ai lắng nghe, đó là chưa kể, nếu làm ảnh hưởng tới uy tín hay công việc của lãnh đạo thì thành ra “gây thù, chuốc oán” hay nhẹ là bị sếp ghét.
“Rất rách việc, nên thôi, cứ “mũ ni che tai” cho xong, họ tự làm tự chịu trách nhiệm, mình nói ra được gì đâu, đấu tranh… tránh đâu” - rất nhiều đảng viên đang tâm tư như vậy. Đáng lo ngại, tâm lý “ngại va chạm”, “muốn yên thân” ngày càng phổ biến. Thực trạng này khiến một bộ phận lãnh đạo muốn làm gì thì làm, có dấu hiệu làm sai cũng không được góp ý. Tính chiến đấu trong sinh hoạt Đảng dần bị triệt tiêu. Các đảng viên không quan tâm, không coi trọng, thờ ơ với công việc của tập thể…
Sự lạc lõng về nhận thức
Bàn về tình trạng nói trên, GS.TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội, nguyên Bí thư Đảng ủy - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học, truyền máu Trung ương thẳng thắn: “Tại rất nhiều Chi bộ hiện nay, thậm chí không quá khi nói rằng ở đa số, chất lượng sinh hoạt Chi bộ chưa cao. Điều này xuất phát từ hai phía: người chủ trì (Bí thư chi bộ) và đảng viên”.
“Tôi đã dự sinh hoạt Đảng ở nhiều Chi bộ và nhận thấy, nhiều khi người đứng đầu cấp ủy không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, cả về phần nghi thức và nội dung. Có những buổi sinh hoạt Đảng để kết nạp đảng viên mới nhưng khâu tổ chức không làm đúng trình tự, quy trình, thậm chí còn không biết cách trang trí phông nền, bố cục hội trường… theo đúng các điều lệ, quy định của Đảng. Là buổi sinh hoạt Đảng nhưng Bí thư lại chỉ nói về công việc chính quyền, chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Bản thân Bí thư phải nắm chắc Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng ủy cấp trên song thực tế không phải ai cũng nắm được, chưa kể không ít đồng chí có thái độ hờ hững với việc này” - GS.TS Nguyễn Anh Trí kể lại.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, về phía người đảng viên, nhìn chung, có tình trạng đến họp Chi bộ cho có mặt, còn tính phản biện, sức chiến đấu rất thấp. Rất ít đảng viên đau đáu về câu chuyện của địa phương, đơn vị mình và quyết đưa các nội dung này ra cuộc họp Chi bộ. Đây là sự lạc lõng về nhận thức của người đảng viên. Bởi Đảng là cơ quan lãnh đạo tuyệt đối, tất cả các vấn đề nóng bỏng, cần thiết trong thực tiễn đều phải được đưa vào buổi sinh hoạt Chi bộ.
“Nghị quyết của Đảng đã nêu, tính chiến đấu của một bộ phận không nhỏ đảng viên đang bị giảm sút, cả đảng viên bình thường và người giữ chức vụ. Trung ương đã nhiều lần chỉ rõ thực trạng này, có nhiều nghị quyết, giải pháp để khắc phục nhưng từ “thượng tầng” đến cấp Chi bộ đảng cơ sở là cả khoảng cách xa vời…” - GS.TS Nguyễn Anh Trí thẳng thắn.
(Còn tiếp)
Bài 3: Dám vì cái chung mà lên tiếng, phải phá vỡ “bức tường im lặng”
Nguồn: Báo ANTĐ