Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Tính chiến đấu của người Đảng viên - Không chấp nhận dần mai một (1): Từ sai phạm cá nhân đến sai phạm tập thể của tổ chức đảng

Lật giở những vụ việc được cơ quan kiểm tra của Đảng công bố vừa qua, chúng ta không khỏi bàng hoàng, đau xót khi chứng kiến nhiều tổ chức đảng, đảng viên ở vị trí lãnh đạo đã có những vi phạm rất nghiêm trọng và phải gánh chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất của Đảng.

Biết sai nhưng không ngăn chặn

Là cơ sở nghiên cứu, đào tạo y khoa hàng đầu của trong quân đội, với bề dày truyền thống vẻ vang, có lẽ, không cán bộ, đảng viên nào của Học viện Quân y có thể ngờ có ngày Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện 2 nhiệm kỳ liên tiếp (2015-2020 và 2020-2025) bị Ban Bí thư kỷ luật cảnh cáo; hàng loạt cán bộ chủ chốt của Học viện gồm cả Bí thư, Giám đốc, Phó Giám đốc… đều phải nhận kỷ luật đảng, có người bị khởi tố, bắt tạm giam.

Sự việc này bắt đầu từ việc đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19. Ngay từ khâu đề xuất đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu, Học viện Quân y đã gửi Bộ Khoa học - Công nghệ văn bản đề xuất không đảm bảo hồ sơ theo quy định; văn bản và phiếu đề xuất không gửi qua Phòng Khoa học Quân sự để thẩm định trước khi trình lãnh đạo Học viện phê duyệt.

Nội dung đề xuất bao gồm việc chế tạo 200.000 kít chẩn đoán Covid-19 trong khi Học viện không có năng lực sản xuất thử nghiệm hoặc quản lý dự án sản xuất; đề xuất nghiên cứu không báo cáo Bộ Quốc phòng; hợp tác với Công ty Việt Á cũng không báo cáo cấp có thẩm quyền.

Trong khâu xây dựng thuyết minh đề tài, Học viện Quân y không thẩm định, kiểm tra năng lực nghiên cứu, sản xuất và cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng của Công ty Việt Á. Việc ký kết hợp đồng cũng có sai phạm khi nhiều nội dung trong các hợp đồng giữa Học viện Quân y với Bộ Khoa học - Công nghệ và giữa Học viện Quân y với Công ty Việt Á không quy định rõ về quyền, nghĩa vụ của các bên. Hợp đồng giữa Học viện Quân y với Công ty Việt Á không quy định việc Việt Á phải bàn giao đủ 20.000 bộ kít sau khi chế tạo thử nghiệm là trái với hợp đồng Học viện Quân y đã ký với Bộ Khoa học - Công nghệ, vi phạm pháp luật khoa học - công nghệ.

Sau đó, Học viện Quân y đã làm trái thẩm quyền, tự ý bàn giao quy trình kỹ thuật cho Việt Á khi chưa nghiệm thu, đánh giá, không có ý kiến của đại diện chủ sở hữu Nhà nước (Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ), cố ý vi phạm pháp luật khi chuyển giao bất hợp pháp kết quả khoa học - công nghệ.

Các vi phạm nêu trên đã cố ý tiếp tay, thông đồng, tạo điều kiện cho Công ty Việt Á sử dụng đề tài nghiên cứu và uy tín của Học viện để hợp thức hóa các sản phẩm, đề nghị Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Từ đó, Công ty Việt Á đã chiếm đoạt, sở hữu bất hợp pháp kết quả đề tài nghiên cứu, chuyển sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sở hữu của doanh nghiệp và tiến hành thương mại hóa sản phẩm, cung cấp ra thị trường thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng…

Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát… Đặc biệt, không đưa ra họp bàn, thảo luận trong Thường vụ Đảng ủy và lãnh đạo Học viện để cho ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình đề xuất, thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia.

Đáng nói, không chỉ “buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát”, lãnh đạo Học viện dù biết những hành vi của Công ty Việt Á là vi phạm nhưng không hề có biện pháp ngăn chặn. Tất cả sự thờ ơ, thậm chí có thể coi là bao che, hùa theo vi phạm của lãnh đạo Học viện đã dẫn tới những hậu quả hết sức nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Học viện Quân y.

Hậu quả, chỉ tính số cán bộ chủ chốt của Học viện Quân y bị Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật đã lên tới 12 trường hợp. Trong đó, nhiều đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện; Bí thư Đảng ủy, Giám đốc, Phó Giám đốc Học viện, lãnh đạo nhiều phòng, viện nghiên cứu trực thuộc. Đây là điều vô cùng đau xót đối với Quân đội cũng như ngành Y tế bởi đây đều từng là những nhà khoa học, quân nhân được đào tạo bài bản, có ít nhiều đóng góp cho nền y học nước nhà.

Không bàn bạc, không báo cáo…

Cũng bị “lộ sáng” vì dính líu tới Công ty Việt Á và mắc các sai phạm trong công tác thẩm định giá, bình ổn giá, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) có 4 lãnh đạo thì 3 người bị kỷ luật, trong đó có Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn bị cách chức. Đáng lưu ý, những vi phạm tại Đảng ủy Cục Quản lý giá đã xảy ra và kéo dài trong 2 nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025. Trong đó, nghiêm trọng nhất là việc Đảng ủy Cục Quản lý giá đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát để Cục Quản lý giá và một số cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương đối với mặt hàng kít xét nghiệm Covid-19.

Cụ thể, Cục Quản lý giá đã tổ chức hiệp thương giá trái quy định của pháp luật khi chưa đủ điều kiện, chưa làm rõ được cơ sở xây dựng phương án giá hiệp thương. Tổ hiệp thương giá không phân công, xác định rõ trách nhiệm cho các thành viên; không xác định rõ phương thức hoạt động của Tổ; không có kế hoạch triển khai, không xác định rõ mục đích, yêu cầu của việc tổ chức hiệp thương; thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu cố ý làm trái khi không kiểm tra, rà soát các điều kiện hợp pháp, hợp lệ trước khi tổ chức hiệp thương giá; tổ chức hiệp thương giá khi không bảo đảm điều kiện tổ chức theo quy định.

Hồ sơ hiệp thương giá không đủ các thông tin, tài liệu, nhất là một số vấn đề cốt lõi làm cơ sở cho quá trình hiệp thương; cố ý làm trái nguyên tắc hiệp thương đã thống nhất giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Cục Quản lý Giá cũng không làm rõ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền làm rõ dấu hiệu thông đồng trong hiệp thương giá giữa Bộ Y tế và Công ty Việt Á... Những sai phạm trên đã tiếp tay, hợp thức hóa cho việc nâng khống giá bán kít xét nghiệm Covid-19 của Việt Á.

Đáng lưu ý, dù biết Công ty Việt Á có vi phạm về giá nhưng Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn không tham mưu, báo cáo Bộ Tài chính kiểm tra giá trước khi hiệp thương; chủ trì tổ chức hội nghị hiệp thương giá trái quy định của pháp luật khi chưa xác định chính xác bên mua, chưa đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định… Cùng với đó, ông Nguyễn Anh Tuấn đã ký các tờ trình để Bộ Tài chính phê duyệt cho áp dụng mức giá tạm tính không có trong quy định của pháp luật; trình mức giá hiệp thương 470.000 đồng/test thiếu căn cứ xác định giá.

Thừa lệnh cấp trên, Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn đã trực tiếp ký Thông báo 266 về kết quả hiệp thương với giá 470.000 đồng/test có nội dung trái quy định pháp luật, một số nội dung không được hội nghị hiệp thương, thảo luận thống nhất. Đây là kẽ hở để Công ty Việt Á và các tổ chức, cá nhân lợi dụng để trục lợi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chưa hết, vị Cục trưởng đã phát hiện ra các vi phạm của Công ty Việt Á nhưng không tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính có biện pháp tạm dừng hoặc thu hồi lại Thông báo số 266 nên không hạn chế, ngăn chặn được hậu quả rất nghiêm trọng xảy ra.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định: “Những vi phạm của Đảng ủy Cục Quản lý giá và lãnh đạo Cục liên quan đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn ngân sách Nhà nước và nguồn lực của xã hội, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, gây dư luận xấu, rất bức xúc trong xã hội”. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chỉ rõ, nguyên nhân căn bản để xảy ra các vi phạm nêu trên là do Đảng ủy Cục Quản lý giá đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định của Đảng.

Trong các cuộc họp, Đảng ủy không đưa ra bàn bạc, thảo luận để lãnh đạo, chỉ đạo Cục Quản lý giá thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm, cấp bách. Biên bản các cuộc họp định kỳ của Đảng ủy ghi chép không đầy đủ ý kiến phát biểu, thảo luận của thành viên dự họp. Sau cuộc họp không kết luận, cụ thể hóa bằng văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ lớn, trọng tâm về công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn không báo cáo Đảng ủy về tình hình thực hiện các mặt công tác và những chủ trương, nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo của đơn vị để Đảng ủy hoặc Đảng bộ thảo luận, ra nghị quyết về những vấn đề lớn, quan trọng và lãnh đạo đảng viên, quần chúng trong đơn vị thực hiện. Tất cả đã dẫn đến những vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại Cục Quản lý giá như chúng ta đã biết.

Sai phạm “cả dàn”

Cũng nóng bỏng không kém vụ kít test Việt Á, vụ “bán chui” chứng khoán của lãnh đạo Tập đoàn FLC hay thao túng giá cổ phiếu họ Louis Holding vừa qua đã đẩy hàng loạt lãnh đạo ngành chứng khoán Việt Nam ra khỏi chiếc ghế mà họ đang ngồi. Đây là sự việc chấn động chưa từng có trong lịch sử ngành này khi cùng lúc 4 vị trí lãnh đạo của 4 đơn vị đầu ngành (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM - HOSE, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam - VSD) đều bị kỷ luật Đảng nghiêm khắc.

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ rõ: Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng và Quy chế làm việc của Đảng ủy; Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Đảng ủy: HNX, HOSE, VSD đã thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo; để các đơn vị vi phạm trong tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2021. Các cơ quan này đã tham mưu Bộ Tài chính ban hành một số thông tư, quy định, quy chế quản lý, giám sát về chứng khoán và thị trường chứng khoán có nội dung không rõ ràng, không phù hợp quy định của pháp luật, dẫn đến việc vận dụng, áp dụng thực hiện không đúng, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả vận hành và giám sát thị trường chứng khoán.

Trong quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE, HNX đã thiếu kiểm tra, giám sát thành viên giao dịch; chậm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các tổ chức vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, vi phạm duy trì điều kiện niêm yết; không thực hiện đúng quy trình giám sát giao dịch; không ngăn chặn, hủy bỏ các giao dịch bất hợp pháp; để nhiều trường hợp vi phạm diễn ra có tổ chức, hệ thống, lặp lại nhiều lần, tại nhiều thời điểm khác nhau nhằm thao túng thị trường. Nhiều vi phạm xảy ra sau thời gian dài mới được phát hiện như vụ việc “bán chui” 57 triệu cổ phiếu năm 2017 và 74,8 triệu cổ phiếu vào tháng 1-2022 của ông Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch Tập đoàn FLC hay vụ thao túng giá tại nhóm cổ phiếu họ Louis Holding.

Việc tăng vốn điều lệ của một số công ty niêm yết có dấu hiệu bất thường khi góp vốn, đầu tư cổ phiếu, cho vay lẫn nhau trong nhóm và các công ty có liên quan, nhiều lần thay đổi tên công ty hay người đại diện. Đơn cử, mã cổ phiếu FLC khi bắt đầu niêm yết có vốn điều lệ là 77 tỷ đồng vào năm 2013 đã tăng lên 7.100 tỷ đồng trong năm 2021; cổ phiếu ROS tăng vốn điều lệ gấp 2.867 lần truớc khi niêm yết cổ phiếu, từ 1,5 tỷ đồng (tháng 3-2014) lên 4.300 tỷ đồng (tháng 3-2016) trước khi niêm yết trên sàn; cổ phiếu GAB tăng từ 60 tỷ đồng năm 2016 lên 138 tỷ đồng năm 2019 trước khi lên sàn.

Quá trình thực hiện gói thầu Hệ thống công nghệ thông tin Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM - HOSE cũng có nhiều vi phạm trong mời thầu và đấu thầu. Dự án kéo dài hơn 20 năm, tổng mức đầu tư “đội lên” 4,4 lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức và giám sát hoạt động chứng khoán.

Vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều hệ lụy khó khắc phục, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam, đến uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền.

Hậu quả, ông Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc HOSE bị khai trừ Đảng; ông Trần Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy Cơ quan, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; các ông: Vũ Bằng, nguyên Bí thư Đảng ủy Cơ quan, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Nguyễn Thành Long, Bí thư Đảng ủy HNX, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; Nguyễn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị VSD bị cảnh cáo…

Trong mấy năm qua, những vụ việc sai phạm “cả dàn” hay “chết chùm” lãnh đạo như kể trên diễn ra tương đối phổ biến. Không chỉ ở các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế Nhà nước, tình trạng này xuất hiện ở nhiều địa phương như Hải Dương, Gia Lai, Bình Dương, Đà Nẵng, TP.HCM…

Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn tới những vụ “rủ nhau” vi phạm tập thể này, bên cạnh trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cấp ủy; tình trạng buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; có thể thấy, tổ chức Đảng và đảng viên ở các đơn vị này gần như đã tê liệt hoàn toàn tính chiến đấu, phớt lờ nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

Hệ quả, những hành vi vi phạm đã âm thầm lọt qua tất cả các khâu từ tham mưu, đề xuất tới phê duyệt của thủ trưởng nhiều cơ quan, đơn vị. Không phải là tất cả nhưng dường như tiếng nói phản biện ở các cấp ủy Đảng đó hầu như không có hoặc đã không được xem xét. Mọi thứ cơ bản đều xuôi chiều, đồng thuận cho tới ngày cơ quan kiểm tra Đảng, cơ quan thanh tra hay Công an tới gõ cửa…

(Còn tiếp)

Bài 2: “Mũ ni che tai”, lấy ai phản biện

Nguồn: Báo ANTĐ


 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi