Đó là một bản nhạc chế khá thú vị so sánh giữa đàn ông với đàn bà, mà câu kết là một câu rất công bằng rằng "Ai đã từng là đàn bà, lúc nào cũng muốn trở thành đàn ông. Nhưng ai đã từng là đàn ông, không bao giờ muốn trở thành đàn bà. (Vì) khổ đau chi bằng mang bầu...". Nhưng so với thời đại, có vẻ như các dẫn dụ trong bài nhạc chế ấy đã lạc hậu rồi. Phụ nữ bây giờ uống rượu, hút thuốc cũng không còn là hiếm nữa. Và ăn quà thì đàn ông thời nào cũng có cái thú ấy chứ đừng vội "vu vạ" cho chị em.
Tôi không phải là người có thú ăn quà vặt. Phải hơn 30 năm nay, tôi thậm chí không đụng vào đồ ngọt. Không phải do kiêng cữ gì mà cơ bản do khẩu vị không ưa ngọt đơn thuần. Cafe cũng tay bo, không đường. Nhìn thấy bánh, kẹo là thản nhiên bỏ qua. Và thứ luôn sợ nhất là bánh kem. Chẳng hiểu sao, cứ thấy bánh kem là né.
Nhưng dù không phải người có thú ăn quà vặt đi nữa, cái miệng ăn vặt vẫn sẽ chóp chép mỗi khi có dịp. Dịp ở đây là khi ngồi trà lá, lai rai với bạn bè. Mấy thứ vụn vặt, mấy thứ nho nhỏ trên bàn cũng sẽ khiến tôi nhón tay. Tất nhiên, phải là không ngọt.
Cái thú nhón tay ấy của đàn ông thật ra rất phổ biến. Cứ quan sát thử một bàn nhậu ở bất kỳ đâu chúng ta sẽ thấy. Vài hạt lạc, ít nem tai, mấy miếng cóc, xoài hay thậm chí khi buồn miệng, nhón tay cọng rau thơm thôi cũng là kiểu nhón tay ăn vặt. Đấy là mới nói về kiểu đàn ông ít ăn quà như tôi. Còn nhiều người khác, với khoái khẩu khác, sẽ ăn vặt "bay cả hàng". Điển hình như ông anh "thợ kèn" tên Kiên của tôi. Ông này đặc biệt mê món bột chiên. Cứ mỗi đận vào TP. Hồ Chí Minh biểu diễn hay thu âm, kiểu gì ông ấy cũng phải làm một trận bột chiên ra trò. Nhiều cữ, anh em đi nhậu với nhau, phải đặt mua bột chiên về để ông ấy ăn cho thoả cơn thèm. Nhắc đến bột chiên, tôi cũng giật mình. Đó là món tôi chưa ăn bao giờ.
Xưa, thời bao cấp, hồi đầu thập niên 80, cứ nhớ mỗi cữ 3-4 giờ chiều, ba tôi lại cùng mấy đồng nghiệp cùng công tác ở phòng thiết kế kéo về nhà làm mấy chén rượu. Mồi nhắm chả có gì. Thằng cu con (là tôi) luôn được sai vặt chạy ra hàng nước đầu phố mua cho ba mấy gói lạc rang húng lìu. "Tiền công" đi mua là một gói riêng, ra một góc ngồi nhấm nháp.
Người miền Bắc thì hay uống rượu vặt với lạc rang húng lìu. Còn người miền Nam thì lại có thứ ăn vặt làm mồi nhắm khác kỳ thú không kém. Ấy là mì tôm sống. Một hai gói mì bẻ vụn ra, lấy cái gói bột nêm đi kèm rắc lên đó, vắt thêm miếng chanh vào, thế là đủ cho một mâm bốn ông khề khà đến tận khuya. Và cái kiểu nhặt từng sợi mì sống nhỏ xíu nhấm nhấm nháp nháp mới thật thú. Nó có cái mằn mặt, cái chua chua, cái hơi ngòn ngọt của bột nêm ở đó. Kèm thêm hớp bia "lên cơn" (cách gọi một loại bia hơi của người ở trong Nam) hay ít rượu đế, kể vài ba câu chuyện tào lao, tán dóc với xóm giềng, nó đúng tinh thần "hẻm phố" của Sài Gòn lắm lắm.
|
Nhắc đến cái mì tôm sống ấy, những ai lớn lên ở miền Bắc thời những năm 80, 90 chắc chắn sẽ nhớ. Trẻ con gần như đứa nào cũng khoái ăn mì tôm sống. Cái mùi thơm khen khét của gói mì ngày đó ấn tượng đến lạ. Nhiều đứa còn thèm ăn mì sống đến độ cứ hôm nào cha mẹ vắng nhà, tới bữa lẽ ra nấu gói mì lên thì bẻ ra ăn sống và tu nước lạnh. Vừa nhanh gọn, vừa hợp khẩu vị. Mì với nước vào bụng rồi kiểu gì chả nở. Đấy chính là lý luận của đám trẻ ham chơi và biếng lười.
Về sau này, mì tôm đã mất đi cái mùi vị của ngày xưa. Kể cả là những loại lừng danh ngày đó như "Hai tôm", "Miliket" vẫn còn bán đầy ngoài thị trường cũng không còn giữ được cái mùi, vị của mấy chục năm trước. Nói đúng ra, mì hôm nay ngon hơn, sạch sẽ hơn, nấu lên ăn thích hơn hẳn nhưng để ăn sống, nó thua đứt mì tôm ký ức.
Quay lại chuyện nhậu lai rai với gói mì sống của người Nam bộ mới thấy cái tinh thần, cái văn hoá bản địa nó bật lên rất rõ ở đó. Người Nam bộ, đặc biệt là người miền Tây, có cách sống, cách nói thú vị đến lạ. "Ê Út, làm gì bây?" có thể là một câu hỏi rất phổ biến thăm dò coi bằng hữu mình có rảnh không. "Quởn làm bậy vài ve mậy" là câu rủ rê cũng sang sảng Nam bộ. "Quởn" là "rảnh rỗi" còn "làm bậy" thì lại là... không làm bậy chút nào. "Làm bậy" ở miền trong có thể là uống, là ăn... Nó mô tả một cái hành động phiên phiến, không cầu kỳ, khoáng đạt và ngẫu hứng là chính. Cái từ "làm bậy" ấy, phải nói là quá xuất sắc.
|
Vào sống trong Nam hơn hai chục năm, ở hẻm nhiều, quan hệ với người trong hẻm cũng thân thiết, đâm ra tôi học được nhiều. Cũng có bận nhận được điện thoại của ông hàng xóm giả ngày đó hỏi đúng mấy câu kiểu như trên, tôi hỏi lại đúng giọng "làm bậy vài chai hả? Anh đang đâu?" thì nhận được câu trả lời "Thì đang nhà tao nè. Mình ên à". "Mình ên" thật ra là "Có một mình anh" mà không hiểu sao, cái âm "ên" nó gợi hình ảnh và cảm giác rất lạ. Nó cho thấy sự cô đơn nhưng là một sự cô đơn không nỗi buồn.
Nhắc đến những ngôn ngữ đặc trưng ấy của người miền Nam, chắc chắn ta sẽ thấy nó đa dạng vô cùng. "Xay chừng" chẳng hạn. Nó là một cách uống với một cái ly duy nhất cho cả bàn, xoay vòng mà uống. Uống kiểu này tình cảm, nhưng nói thật, ở kỳ COVID-19 này, nó gợi lên nỗi sợ. Uống chung cái ly dễ phơi nhiễm bệnh tật và chắc chắn ối người chê dân miệt vườn uống kiểu ấy là bẩn. Nhưng nói đi thì phải nói lại, nó có bẩn hơn mấy ông ăn mặc sạch đẹp tóp má hút chung một điếu cigar hay không?
Phương ngữ thú vị vô cùng và nếu nói đúng ra, chúng ta may mắn khi ở một đất nước có địa lý trải dài và phương ngữ cũng biến đổi khác nhau theo chiều dài ấy. Tất nhiên, sự khác biệt đó có thể mang lại vài ba khó khăn, cản trở trong phát triển kinh tế, xã hội nhưng nó lại mang lại một sự đa dạng về văn hoá với nhiều màu sắc thú vị. Nhưng ngẫm lại, dường như vẫn có sự bất công đối với phương ngữ khi mà các từ điển chính thống không coi cách nói vài từ đặc biệt chung nào đó của một địa phương là một mục từ chính thống. Thậm chí, còn có ý xem thường như thể ấy là nói ngọng.
Suy cho cùng, chữ viết là để ghi lại những gì con người ta nói ra, với một trong các chức năng của nó là ký âm. Vậy thì khi người miền Tây Nam Bộ họ không nói "con cá rô" mà thay vào đó là "con cá gô" thì tại sao chúng ta không coi "Gô" là một mục từ trong từ điển, với chú giải "Cá rô, theo cách nói miền Tây Nam Bộ"?. Có gì là sai khi cha truyền con nối họ đọc như vậy nhỉ? Cũng như ở miền Trung, với từ "tru" cho con "trâu", từ "nác" chỉ "nước". Xem thường phương ngữ trong một quy chiếu cứng nhắc cho rằng phải có một chuẩn phát âm, có vẻ như chúng ta đang bỏ phí đi một tài nguyên văn hoá thật sự, bởi cách nói không đơn thuần là nói, nó còn chỉ dẫn được cả quan niệm, văn hoá và tinh thần sống của một vùng miền.
Mà buồn thay, khi phương ngữ đang bị xem nhẹ như vậy thì trên báo chí hôm nay, cách dùng từ xu thời (theo trend) của giới trẻ lại nghiễm nhiên được chấp thuận một cách dễ dàng. Nói vậy không phải là chê bai các từ mới của giới trẻ bởi có nhiều từ thú vị vô cùng. Song, cái truyền nhiều đời và cái mới phát sinh lẽ ra nên được song hành cùng nhau, như một sự ghi nhận cái gốc lẫn sự phát triển của một sinh ngữ. Đằng này, bỏ qua cái này, hào hứng với cái kia, có phải là thả mồi bắt bóng hay không???
Nguồn: Báo CAND