Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô

Chiều 15/11, với 473/489  đại biểu Quốc hội có mặt đã nhấn nút tán thành thông qua “Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô”, chiếm 94,98 % số đại biểu có mặt. Như vậy,  “Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô”  đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Nghị quyết có 7 Điều gồm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng (Điều 1); biển số xe ô tô đưa ra đấu giá, tổ chức đấu giá biển số xe ô tô (Điều 2); giá khởi điểm, tiền đặt trước, bước giá, tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô (Điều 3); hình thức, phương thức, trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe ô tô (Điều 4); đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá (Điều 5); quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe ô tô; người nhận chuyển nhượng, được tặng cho, trao đổi, thừa kế xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá (Điều 6); điều khoản thi hành (Điều 7).

bq.jpg -0
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, vấn đề thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá xuất phát từ nhu cầu thực tế của một bộ phận người mua xe, muốn được cấp biển số xe theo mong muốn cá nhân; góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và phòng ngừa tiêu cực trong hoạt động cấp biển số. Tuy nhiên, việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá là chính sách mới, khác với quy định của luật hiện hành.

151120220253-z3882556004870_6e154405c82a11377ab0da6287e4d64b.jpg -0
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu.

Về đánh giá tác động, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô có tác động tích cực đến an ninh, trật tự, sẽ bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông đường bộ và tránh dư luận xã hội cho rằng có sự thiếu minh bạch, có hành vi trục lợi trong việc cấp biển số xe, nhất là có nhiều xe ô tô giá trị cao, “xe sang” thường hay có “biển số đẹp”.

Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền tham gia hoặc không tham gia đấu giá, có quyền lựa chọn biển số theo nhu cầu để đăng ký tham gia đấu giá, không có sự phân biệt, bất bình đẳng trong tham gia, lựa chọn, đăng ký.  Sau khi kết thúc thí điểm, Chính phủ sẽ có báo cáo Quốc hội đầy đủ, rõ ràng về chi phí thực hiện, ngân sách thu được để Quốc hội quyết định.

Do nội dung dự thảo Nghị quyết về thí điểm đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, trên cơ sở tiếp thu đầy đủ ý kiến ĐBQH, nên UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép trình và thông qua dự thảo Nghị quyết này tại một kỳ họp.

Về nội dung Chính phủ đã đề xuất tổ chức, cá nhân được lựa chọn biển số ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước để đăng ký tham gia đấu giá, Uỷ ban UBTVQH cho rằng, đây là nội dung quan trọng của dự thảo Nghị quyết, sẽ làm thay đổi công tác đăng ký, quản lý phương tiện mà hiện nay đang thực hiện.

Căn cứ đề xuất của Chính phủ, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép thí điểm chính sách này và sau khi tổng kết sẽ có đánh giá, đề xuất cho phù hợp. Còn việc mua bán xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá và chuyển vùng vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.

Về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung vào dự thảo Nghị quyết chỉ quy định một số tiêu chí, điều kiện đặc thù lựa chọn tổ chức đấu giá để bảo đảm tính khả thi như: “Có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến, bảo đảm điều kiện an toàn, an ninh mạng khi kết nối với hệ thống đăng ký, quản lý xe để đấu giá biển số xe ô tô”. “Đồng thời, để bảo đảm tính khách quan, khả thi trong quá trình lựa chọn tổ chức đấu giá, Nghị quyết đã giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe ô tô và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động này”- Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho biết.

151120220252-z3882534383948_1fb6b575e703adf040aa178d3a686e41.jpg -0
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp.

Quốc hội cũng thống nhất, đấu giá biển số xe ô tô chỉ thực hiện trực tuyến, bảo đảm các điều kiện về kết nối, an toàn, an ninh mạng và không giới hạn về nơi cư trú của người đăng ký lựa chọn biển số đưa ra đấu giá, kho số dự kiến cấp mới cho xe ô tô do Bộ Công an thống nhất quản lý nên theo quy định của Luật Đấu giá tài sản thì việc giao Bộ Công an là cơ quan chủ trì lựa chọn tổ chức đấu giá là phù hợp, các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.

Về giá khởi điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho biết, “biển số xe là tài sản công, chưa có cơ sở để xác định giá khởi điểm đối với từng loại biển số khác nhau, nên không thể xác định, thẩm định được giá trị của mỗi biển số xe, mà giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào sở thích của người tham gia đấu giá quyết định. Tiếp thu ý kiến nhiều ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội quy định một mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Sau khi kết thúc thí điểm Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc tổng kết, nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp” – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết.

Nghị quyết quy định người trúng đấu giá  được giữ lại biển số  trong trường hợp xe ô tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được  đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm xe ô tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển giao quyền sở hữu; được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi