Cho đến nay đã có 1.440/1.497 nhà máy/doanh nghiệp (DN) tại 18 khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) và khu công nghệ cao (SBA) tại TP Hồ Chí Minh tái hoạt động, đạt tỷ lệ trên 97%, với hơn 300.000 công nhân. Lượng công nhân F0 sẽ tăng lên. Hiện nay có khoảng 2.824 công nhân F0 đang điều trị nhiều nơi.
Theo Hiệp hội các doanh nghiệp KCN TP Hồ Chí Minh (HBA), phải tiếp nhận công nhân F0 hoặc công nhân đang sản xuất bị phát hiện là F0 khiến nhiều DN lúng túng. Có công ty khi tuyển dụng công nhân xong, công nhân bị phát hiện F0, trong khi nhà máy chưa kịp chuẩn bị khu cách ly nên để công nhân quay trở về nhà trọ thì điều kiện "tự chữa trị" là không phù hợp. Chưa có quyết định tuyển dụng nên cũng chưa thể đưa công nhân nhiễm SARS-CoV-2 đi các bệnh viện (đã có ký kết) trong tiếp nhận các F0. Do tình trạng quá tải tại bệnh viện, công nhân F0 thường phải lưu giữ kéo dài tại nhà máy nên rất đáng lo ngại.
HBA có văn bản kiến nghị gửi UBND TP Hồ Chí Minh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và Giám đốc Sở Y tế thành phố, tại các KCX-KCN khẩn thiết cần có ngay các khu cách ly tập trung.
Hiện nay, Chi hội Khu công nghệ cao đã vận động các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp F.D.I) đầu tư và đưa vào hoạt động khu cách ly tập trung. Nhưng cho đến nay chưa có quy chế hoạt động cụ thể của Sở Y tế nhằm làm rõ trách nhiệm của cơ quan y tế nhà nước và trách nhiệm của nhà đầu tư các khu.
KCX Linh Trung 2 (ở Thủ Đức) đã đầu tư cơ sở vật chất ban đầu để thành lập khu cách ly tập trung rộng 1.500m2 với 250 giường bệnh nhưng cũng chưa có quy chế để hoạt động từ ngày 12/10/2021 đến nay, trong khi F0 tại các doanh nghiệp được phát hiện hàng ngày cần sự trợ giúp. Chủ doanh nghiệp "lo đứng lo ngồi", không tìm ra hướng xử trí.
Các DN tại KCX Tân Thuận ký kết làm một khu thu dung bên ngoài ở một trường học tại quận 7. Trường học chuẩn bị lấy lại mặt bằng cho học sinh đi học trực tiếp lại nên KCX Tân Thuận đang rất cần hình thành một khu cách ly tập trung mới.
Theo Chủ tịch HBA Nguyễn Văn Bé, hiện TP Hồ Chí Minh có khoảng 1,5 triệu công nhân lao động tại 30 cụm công nghiệp và hàng trăm ngàn tổ hợp, nhà máy lớn nhỏ. 18 KCX- KCN và khu công nghệ cao chỉ có 320.000 công nhân với hàng rào khép kín. Các nhà máy tại các khu có chế độ xét nghiệm, phòng, chống dịch, thực hiện 5K nghiêm ngặt, tuyệt đại đa số công nhân đã tiêm mũi 2.
Bà Nguyễn Thị Thảo Viên, Giám đốc nhân sự Công ty CP thực phẩm CJ Cầu Tre cho biết, Công ty có khoảng 2000 công nhân đang làm việc hàng ngày. Công ty đã chủ động xin ngành Y tế địa phương xây dựng được một khu cách ly tại cơ sở thuộc quận Tân Phú. Toàn bộ công nhân cũng đã được tiêm ngừa đủ 2 mũi. Việc thực hiện cách ly những trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly ngay tại khu cách ly này với qui mô chứa được 50 người. Công ty có ký hợp đồng với một phòng khám tư trên địa bàn nhằm thực hiện các việc rà soát, test COVID-19 cho công nhân, làm xét nghiệm PCR khi cần, đồng thời các trường hợp nào bị COVID-19 nặng sẽ lập tức được liên hệ tới bệnh viện chuyên khoa mà công ty đã có ký kết để công nhân được chăm sóc sức khoẻ tốt nhất.
Trong suốt đợt dịch thứ 4, thành phố đã ưu tiên tiêm phòng cho lực lượng công nhân tại 18 KCN - KCX. Từ tháng 10/2021 đến nay đã tiêm mũi 2 cho 310.000 công nhân (đạt 95%). Hiện, HBA đang kiến nghị thành phố ưu tiên tiêm mũi 3 tăng cường cho công nhân.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã có văn bản hướng dẫn, xử lý với các trường hợp F0 phát hiện tại khu vực KCX-KCN, khuyến khích mỗi cơ sở nên có 1 khu vực cách ly giữ các ca F0 lại, chăm sóc F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Nếu triệu chứng nặng thì DN cần phối hợp với y tế địa phương đưa bệnh nhân tới nơi điều trị phù hợp.
"Khu cách ly là nơi hỗ trợ bệnh nhân F0, không phải bệnh viện thu dung, điều trị nên nếu DN có ý đầu tư thiết bị y tế cũng không được. Sở Y tế đã có hướng dẫn dựa trên qui chế phối hợp với y tế địa phương để quản lý điều trị các trường hợp F0 mà DN được cách ly, quản lý", bà Mai cho biết.
Nguồn: Báo CAND