Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Phó Thủ tướng kỳ vọng Hà Nội tạo ra "cuộc cách mạng" trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Phó Thủ tướng kỳ vọng Hà Nội tạo ra "cuộc cách mạng" trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Sáng 22-11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số dẫn đầu đoàn công tác làm việc với thành phố Hà Nội về việc triển khai thí điểm 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông và số hóa dữ liệu đất đai, nhà ở, thực hiện an sinh xã hội tại thành phố.

Cùng dự có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương. Đại biểu thành phố Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn và đại diện các sở, ban, ngành thành phố. Buổi làm việc được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh nhận thức về việc “làm điểm” khác với thí điểm là làm cho tới cùng. Phó Thủ tướng nêu rõ tinh thần phải làm thật nghiêm túc và có thể tạo nên một “cuộc cách mạng”.

Theo Phó Thủ tướng, muốn cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải thay đổi phương thức làm việc; phải bắt đầu thực hiện từ dịch vụ ít người dùng nhất để khi làm các dịch vụ công khác phức tạp hơn sẽ không bị lỗi. Trong đó, việc thu thập dữ liệu cần phải thực hiện quyết liệt.

“Cần chính thức khởi động việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung. Trong đó, xây dựng 3 dữ liệu về con người, tài chính doanh nghiệp và đất đai, tài nguyên”, Phó Thủ tướng nêu.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý từng việc cần chú ý trong việc cập nhật các dữ liệu như: nhóm máu, quá trình học tập, bệnh tật... Quá trình thu thập phải chỉ đạo thống nhất từ trên xuống, chú ý tới cơ chế lấy dữ liệu và cập nhật dữ liệu.

“Trước đây, mỗi đoàn lấy dữ liệu theo đơn vị, giờ phải xác định là lấy dữ liệu chung cho Chính phủ. Các bộ, ngành phải ngồi với nhau, xem mỗi ngành cần dữ liệu gì để quản lý công việc của mình. Sau đó, tổ chức lấy dữ liệu một lần hoặc lấy theo nhóm, không lấy dữ liệu lẻ tẻ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ rõ cần tổ chức cao điểm để thực hiện.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, dữ liệu mà không kết nối được giống như ta “xây các tầng nhà mà không có móng” và yêu cầu cần nêu cao quyết tâm, làm hết lực. Hà Nội làm được thì cả nước làm được và cần thiết sẽ báo cáo Chính phủ đề xuất chính sách riêng.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn đề xuất, ngay sau buổi làm việc, các Bộ, ngành ban hành chính thức các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu hướng dẫn thực hiện đối với công dân, công chức Bộ phận một cửa và các tài liệu phục vụ công tác truyền thông cơ sở, để đội ngũ tình nguyện viên hoặc công chức Bộ phận một cửa thuần thục trong quá trình hỗ trợ, hướng dẫn, tuyên truyền tới công dân trên địa bàn.

Hà Nội cũng đề nghị thống nhất đầu mối triển khai chung qua Văn phòng Chính phủ để kịp thời trao đổi, tháo gỡ các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; đề nghị sớm triển khai kết nối Giấy chứng sinh điện tử và Giấy báo tử điện tử - cơ sở cho việc thực hiện không giấy tờ thực hiện liên thông và bảo đảm đúng quy trình thực hiện trên thực tế.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cũng đề nghị các Bộ, ngành bố trí và phối hợp cùng với UBND TP tập huấn chuyên sâu và trực tiếp theo hướng “cầm tay chỉ việc” và trực tiếp đối với cán bộ, công chức các đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành trước 30-11-2022.

Từ thực tế khối lượng hồ sơ đăng ký khai sinh, khai tử của thành phố hiện nay trung bình 450 hồ sơ khai sinh/ngày và khoảng 150 hồ sơ khai tử/ngày… Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đề nghị đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, tránh ảnh hưởng tới việc thực hiện thủ tục của công dân.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục hoàn thiện quy trình theo đúng quy định pháp luật và khắc phục ngay những vấn đề vướng mắc liên quan đến kỹ thuật, kết nối các hệ thống, tránh ảnh hưởng tới việc thực hiện thủ tục của công dân.

Các bộ ngành liên quan kịp thời bám sát và phối hợp với địa phương trong quá trình thực hiện để tháo gỡ các vướng mắc về nghiệp vụ, thành lập Tổ hỗ trợ về nghiệp vụ qua đầu mối Văn phòng Chính phủ.

Nguồn: Báo ANTĐ

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi