Những thành tựu quan trọng về xóa đói giảm nghèo là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong đảm bảo quyền con người
|
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đề cử là đại diện duy nhất cho cả khối tham gia ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Những đóng góp tích cực của Việt Nam trong nỗ lực chung, thúc đẩy bảo vệ quyền con người và đặc biệt là hiện thực quyền con người được tôn trọng, đảm bảo tại nước ta là những điều thuyết phục nhất cho sự tín nhiệm và tin tưởng của ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế khi bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với số phiếu rất cao.
Là người trực tiếp công tác tại Việt Nam mà trực tiếp hơn nữa là về công tác phát triển, với bà Caitlin Wiesen - nguyên Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, trong những thành tựu phát triển và tiến bộ mà bà ấn tượng về Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực chính là công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân. Theo đó, tình trạng nghèo cùng cực tại Việt Nam đã giảm từ tỷ lệ cao nhất khoảng 40% ở những năm 1990 xuống dưới 5% vào năm 2020. Theo vị nguyên lãnh đạo UNDP tại Việt Nam, đó là một sự thay đổi phi thường. Việt Nam không chỉ là 1 trong 6 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) trước thời hạn năm 2015, mà còn được xem là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau của Liên hợp quốc. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhưng GDP của nước ta vẫn tăng trưởng dương trong năm dịch bệnh hoành hành mạnh nhất và bứt phá mạnh mẽ khi kiểm soát được đại dịch. Sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam cũng được nâng lên rõ rệt: Năm 2013-2014, nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 70/148 quốc gia trong bảng xếp hạng. Năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, đứng thứ 67/141 nền kinh tế. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2019 tăng 8 bậc so với năm 2015, xếp thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới; từ mức 0,654 năm 2010 (thứ hạng 114/189 quốc gia và vùng lãnh thổ) lên mức 0,694 năm 2017 (thứ hạng 116/189 quốc gia và vùng lãnh thổ). Theo đánh giá của UNDP về Phát triển con người toàn cầu 2021-2022, ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn thực hiện tốt việc đảm bảo quyền con người. Chỉ số phát triển con người tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, lên thứ 115 năm 2021. Về chỉ số phát triển giới, Việt Nam đứng thứ 65 trong số 162 quốc gia, nằm trong nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới. Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất toàn cầu.
Cùng với các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa luôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư phát triển. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng bảo đảm. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam được bảo đảm ngày càng tốt hơn với hàng trăm ấn phẩm báo chí, đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, báo và tạp chí điện tử, trang, cổng thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Tự do báo chí được thể hiện cụ thể với việc cả nước có khoảng 800 cơ quan báo chí, hơn 100 báo có hoạt động báo điện tử, hơn 600 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Quyền tự do tiếp cận
internet, sử dụng mạng xã hội, Việt Nam thuộc diện đứng top đầu thế giới. Theo thống kê của We Are Social & Hootsuite về chỉ số tiếp cận internet, Việt Nam có tới 150 triệu kết nối mobile, khoảng 70 triệu người dùng internet. Hạ tầng 3G/4G đã phủ sóng 99,8% dân cư và internet cáp quang đã tới 98% số phường xã…
Không ngừng hoàn thiện pháp luật về quyền con người
Để bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người thể hiện sinh động và thuyết phục nói trên, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đến nay, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước, quyền con người, quyền công dân đã có luật điều chỉnh và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 được xem là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến về bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992; đồng thời, bổ sung nhận thức mới, đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.
Thể chế hóa quan điểm của Đảng về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp năm 2013 đã đưa vị trí, nội dung quyền con người, quyền công dân lên thành chương thứ hai với 36 điều, đây là chương có số điều quy định nhiều nhất (36/120 điều). Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên xác định Nhà nước có trách nhiệm “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Khi quy định quyền con người, quyền công dân, các điều của Hiến pháp năm 2013 đều trực tiếp xác định “mọi người có quyền...”, “công dân có quyền”… để khẳng định tính pháp lý của các quyền được Hiến pháp ghi nhận, bảo đảm, bảo vệ.
Bên cạnh việc chế định quyền con người trong Hiến pháp, Nhà nước ta chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quyền con người. Từ năm 2019 đến tháng 1-2022, Quốc hội nước ta đã thông qua 39 luật, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Thanh niên năm 2020, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Cư trú năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án năm 2020, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020… Thực hiện một số khuyến nghị, các đơn vị đầu mối của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng đang rà soát để sửa đổi, bổ sung một số luật phù hợp các cam kết quốc tế của Việt Nam như việc nghiên cứu sửa đổi Luật Trẻ em, nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống mại dâm, nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, nghiên cứu xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính…
Việt Nam hiện đã gia nhập hầu hết các công ước nhân quyền quốc tế chủ chốt về quyền dân sự, chính trị; quyền kinh tế, xã hội, văn hóa… Đây cũng chính là sự khẳng định cam kết của Việt Nam trước nhân dân, trước cộng đồng quốc tế và quan trọng hơn là cam kết của chế độ, phản ánh bản chất của chế độ trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam.
Với sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước, hệ thống pháp luật của nước ta về quyền con người ngày càng được hoàn thiện. Những thành tựu đạt được trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người tạo cơ sở pháp lý quan trọng để mọi người có cơ hội và điều kiện thuận lợi thụ hưởng quyền con người.
Nguồn: Báo An ninh Thủ đô