Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Ngư dân Đà Nẵng tất bật vươn khơi, đón lộc biển đầu năm mới

Từ sáng sớm đến chiều 9/2 (mùng 9 Tết), hàng trăm ngư dân của TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã tập trung tại cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) tất bật chuẩn bị đầy đủ ngư lưới cụ, thực phẩm, đổ đầy dầu cho thuyền cá… chờ hiệu lệnh xuất phát vươn khơi ra ngư trường Hoàng Sa đón lộc biển trong ngày đầu năm.

Sau những ngày nghỉ dài ngày dịp Tết cổ truyền, ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh thành lân cận tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã chọn ngày 9/2 của năm mới 2022 cho chuyến vươn khơi đầu tiên trong hành trình “xin” lộc biển lần này.

Ngư trường Đà Nẵng tất bật vươn khơi, đón lộc biển đầu năm  -2
Ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh lân cận tất bật chuẩn bị nhưng công đoạn cuối cùng tại cảng cá Thọ Quang trước khi theo tàu công xuất lớn vươn khơi đón lộc biển đầu năm. 

“Năm 2022, hứa hẹn sẽ bội thu hải sản, an toàn chiến thắng dịch bệnh COVID-19 để ngư dân chúng tôi yên tâm bám biển, sôi động lại ngư trường  và vững tin bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ngư dân Lê Hải Vinh (37 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng) chia sẻ. Sáng nay, anh Vinh cùng các bạn chài đã hoàn tất những khâu cuối cùng trước khi theo tàu thực hiện chuyến đánh bắt xa bờ đầu tiên của ngày đầu năm mới, kéo dài khoảng 20 ngày tại vùng biển Hoàng Sa...

Cùng với những con tàu đang tất bật cho chuyến khơi đầu năm 2022, chợ cá thủy sản Thọ Quang cũng đang nhộn nhịp với những mẻ tôm, cá trở về từ các chuyến biển của ngư dân, sau khi thành phố Đà Nẵng mở cửa lại hoạt động tại Âu thuyền. Có thể thấy, "lộc biển’’ đã cho ngư dân cuộc sống ấm no, sung túc. Chính điều đó, cũng đã thúc giục họ vượt qua những khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh, tiếp tục vươn khơi bám biển. Do vậy, liên tục xuyên Tết và nhộn nhịp nhất là từ mùng 3 Tết đến nay, từ sáng sớm các ngày những chiếc thuyền hành nghề ven biển Đà Nẵng trúng đậm mùa ruốc tấp nập về eo biển Thọ Quang để vận chuyển ruốc bằng thuyền thúng vào bờ...

Ngư trường Đà Nẵng tất bật vươn khơi, đón lộc biển đầu năm  -3
Ngư trường Đà Nẵng tất bật vươn khơi, đón lộc biển đầu năm  -5
Người nhà của ngư dân bày bán ruốc tươi ngay tại các bãi tập kết, bãi biển Thọ Quang, Mân Thái

Những phụ nữ, vợ của ngư dân, bạn chài sẽ là những người “tiếp quản” bày bán ruốc tươi ngay trên bãi tập kết của tàu, hoặc dọc các bãi, bến biển Thọ Quang, Mân Thái (Sơn Trà) để thương lái thu mua. Và cũng “thu được nhiều” từ chính các du khách người dân tại Đà Nẵng tìm đến mua về làm quà, sử dụng hải sản tươi ngay ngày đầu năm.

"Năm nay, ngư dân Đà Nẵng trúng đậm ruốc nên ngay khi ruốc tươi được chuyển lên bờ, thương lái thu mua với giá từ 15.000 đồng đến 40.000 đồng/kg", chị Thu Hoa, vợ ngư dân Trần Út (trú Thọ Quang, Sơn Trà) chia sẻ.
Chồng chị Hoa cùng bạn tàu theo tàu đánh bắt gần bờ, ra khơi từ chiều tối ngày hôm trước và sáng sớm hôm nay 9/2 đã  đưa ruốc về bờ bán. Thuyền từ 3 đến 4 lao động có thể xúc được 400 đến 700 kg ruốc mỗi đêm, trừ các chi phí, mỗi người còn kiếm từ 800.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng.

Rồi ngay khi ngớt đợt ruốc, anh Trần Út cùng nhiều anh em bạn chài lại tiếp tục nhận được “hợp đồng tuyển dụng”, khoác hành trang, ngư lưới theo tàu vươn khơi thực hiện chuyến đi biển nhiều ngày để đánh bắt cá tại ngư trường Hoàng Sa…

Ngư trường Đà Nẵng tất bật vươn khơi, đón lộc biển đầu năm  -0
Thuyền cá đã trang bị đầy đủ ngư lưới cụ, đổ đầy dầu và thực phẩm sẵng sàng chờ hiệu lệnh vươn khơi ra đánh bắt hải sản. 

Ông Ngô Văn Dũng (chủ tàu cá quê Quảng Ngãi) cho biết, thời điểm này, hầu hết ngư dân các tỉnh đã quay lại cảng cá để ra khơi đánh bắt. Bên cạnh đó, mỗi ngày cũng có khoảng 5 chuyến tàu đi đánh bắt xuyên Tết cập cảng. Tàu của ông chọn ngày 9/2 cũng là ngày Thần tài (theo quan niệm của người miền Trung) để xuất hành, vươn khơi.

“Chúng tôi luôn cầu mong một chuyến đi đầu năm suôn sẻ, thuận lợi, khoan thuyền thu được nhiều hải sản để chia cho bạn tàu và bù đắp những mất mát, thiệt hại do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19,  cảng cá phải đóng cửa liên tục nhiều tháng liền trong năm vừa qua”, ông Dũng bộc bạch. 

Theo ông Nguyễn Lại, Phó trưởng Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, dù  bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch COVID-19, nhưng thời gian gần đây, do ngư dân đã quen với các hoạt động trong trạng thái thích ứng mới, nên ngư trường Đà Nẵng không còn e ngại trong việc vươn khơi nữa.
Cùng với đó, Ban Quản lý cũng tạo điều kiện để các tàu được hỗ trợ hậu cần tốt nhất, góp phần yên tâm bám biển, khai thác hải sản dài ngày, tạo nguồn thu lợi kinh tế và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của ngư dân miền Trung... 

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi