Vụ gần đây nhất là ở Quảng Ngãi khiến 4 người trong gia đình (trong đó có một người đang mang thai) tử vong trong căn nhà vừa là nơi ở vừa là nơi kinh doanh. Tại TP Hồ Chí Minh sau vụ 8 người tử vong trong căn nhà kết hợp với kinh doanh trong con hẻm ở quận 11, UBND TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng ban hành quyết định số 16 quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ kết hợp với kinh doanh, sản xuất. Quyết định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 10/6.
Sau vụ cháy 8 người tử vong trong căn nhà vừa là nơi ở vừa là nơi sản xuất chứa nhiều hóa chất, sáp đèn cầy hồi tháng 5 thì những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, 3 vụ cháy liên tiếp xảy ra khiến 4 người tử vong, 5 người bị thương nặng.
|
Những vụ cháy nhà vừa là nơi ở và nơi sản xuất kinh doanh thiệt hại lớn về người và tài sản.
|
Rạng sáng 31/5, đám cháy bùng phát tại cửa hàng kinh doanh nhạc cụ trên đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 3 khiến 4 nạn nhân bị mắc kẹt gồm ông Nguyễn H.V (SN 1948), Nguyễn Việt Đ.N (SN 1989, con ông V), Nguyễn Thị K.C (SN 1987, vợ N) và cháu Nguyễn Việt T.T (SN 2017, con N). Sau khi được giải cứu ra ngoài đưa vào bệnh viện, ông V và anh N đã tử vong.
Tiếp đó rạng sáng 1/6, đám cháy do phóng hỏa xảy ra trên đường Nguyễn Văn Thạnh, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức khiến anh P.L (SN 1989, quê Bình Thuận) tử vong, người bị bỏng nặng là N.T.B.L (SN 1994, vợ L). Hung thủ là Trần Hiếu (SN 1991, quê Bình Thuận) bị bắt ngay sau đó. Nơi xảy ra vụ phóng hỏa là căn nhà vừa để ở vừa kết hợp với buôn bán hoa.
Đến 0h’5 ngày 2/6, đám cháy xảy ra tại căn nhà trên đường Bình Long, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú khiến 3 người gồm ông Hoàng H.M (SN 1993, chủ hộ) tử vong trong nhà, bà Nguyễn T.T (SN 1999, vợ ông M) và bé Hoàng Nguyễn A.D (SN 2017, con ông M) bị bỏng nặng.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn có khoảng 2 triệu hộ gia đình, trong đó có khoảng 300 ngàn căn nhà vừa dùng làm nơi ở vừa kết hợp sản xuất kinh doanh, hầu hết những căn nhà này không đảm bảo công tác PCCC. Đây cũng là những đối tượng mà trong quá trình hoạt động kinh doanh, sử dụng luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, trong tháng 5/2021, toàn quốc xảy ra 450 vụ cháy nổ, làm chết 14 người, bị thương 26 người; thiệt hại tài sản ước tính 28,9 tỷ đồng. Như vậy, tình hình cháy, nổ ở nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao cả về số vụ (khoảng 50%) và thiệt hại về người (khoảng 83%), tài sản. Các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm, trong thời gian đi ngủ, người dân thường chủ quan trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt như thắp nhang, sử dụng thiết bị điện trong gia đình… phát sinh sự cố cháy không kịp xử lý dẫn đến cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại đến tính mạng.
Nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu do sự cố về điện vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 70%), phổ biến vẫn là do chủ cơ sở và chủ hộ gia đình vi phạm các quy định an toàn trong việc lắp đặt, sử dụng hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện một cách tùy tiện, không kiểm soát được mức độ an toàn.
Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vừa ký ban hành quyết định số 16 quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn. Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu chủ hộ gia đình, hộ kinh doanh hay mỗi cá nhân chủ động liên hệ, phối hợp với Cảnh sát PCCC và CNCH để được hướng dẫn, tổ chức thực hiện điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy. Chủ hộ, chủ sơ sở thường xuyên tự kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục ngay những nguyên nhân, nguy cơ gây cháy, nổ trong phạm vi quản lý; cá nhân trong gia đình cần tự trang bị và sử dụng thành thạo phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại chỗ.
Đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, UBND TP đưa ra quy định lối thoát nạn có chiều rộng thông thủy tối thiếu 0,8m, chiều cao thông thủy tối thiểu 1,9m. Không chỉ vậy, UBND TP Hồ Chí Minh quy định rõ cửa chính nhà thoát nạn ra ngoài phải là cửa có bản lề. Nhà có thiết kế ban công, cần đảm bảo thông thoáng. Người dân không che chắn ban công cũng như lô gia thành phòng; không lắp đặt lồng sắt, lưới sắt gây cản trở việc thoát nạn và cứu người khi sự xảy ra.
Trường hợp muốn trang bị cửa cuốn, cửa trượt, lưới sắt… với mục đích bảo vệ tài sản, chủ cơ sở, chủ hộ kinh doanh phải cam kết chịu trách nhiệm về phòng cháy, chữa cháy. UBND TP Hồ Chí Minh nêu rõ thêm nhiều nguyên tắc người dân phải tuân thủ trong sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt; trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; sắp xếp hàng hóa, lắp đặt biển hiệu quảng cáo…
UBND TP giao Công an TP Hồ Chí Minh tham mưu, giao chính quyền quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo, kiểm tra tình hình thực hiện quy định trên ở địa phương. UBND cấp phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến quy định đến từng hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ chức và cá nhân có liên quan trong phạm vi quản lý.
Nguồn: báo CAND