Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, quán triệt quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển.
Trong đó, Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp thực hiện phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền; phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người, vũ khí, khủng bố, hoạt động xuất nhập cảnh bất hợp pháp, buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái pháp luật, khai thác hải sản bất hợp pháp và tội phạm vi phạm pháp luật khác trên biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn.
Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã tích cực mở rộng hợp tác quốc tế với những quốc gia có lực lượng thực thi pháp luật trên biển mạnh; có kinh nghiệm tổ chức, xây dựng lực lượng; có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Việc nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế vừa là thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, vừa góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Thực tế sự chủ động, tích cực phát triển, mở rộng quan hệ của Cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trên tinh thần hợp tác, phát triển, hội nhập, thực hiện theo những quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn, hòa bình, ổn định trên vùng biển Việt Nam.
Đặc biệt, việc đẩy mạnh công tác đối ngoại Cảnh sát biển góp phần phát triển và làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước Đông Nam Á, trong đó có thiết lập, xây dựng quan hệ hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước đi vào chiều sâu.
Điển hình, Cảnh sát biển Việt Nam đã ký Nghị định thư về Cơ chế liên lạc đường dây nóng với Ủy ban Quốc gia An ninh Hàng hải Campuchia; Ý định thư với Cảnh sát biển Indonesia (BAKAMLA) năm 2017; Ý định thư với Malaysia năm 2019. Từ các văn bản này, nhiều hoạt động hợp tác đã đi vào thực chất, hiệu quả với các nước, trong đó có các hoạt động góp phần đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản trái phép, không báo cáo, không theo quy định (IUU) của Việt Nam.
Mới đây, Cảnh sát biển Việt Nam và Ủy ban Quốc gia An ninh Hàng hải Campuchia đã có cuộc họp rút kinh nghiệm lần thứ 3 thực hiện Nghị định thư về cơ chế liên lạc đường dây nóng giữa hai lực lượng. Tại cuộc họp, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường thực hiện Nghị định thư về cơ chế liên lạc đường dây nóng; phối hợp chia sẻ thông tin về chống IUU, hỗ trợ ngư dân hai bên trong quá trình khai thác hải sản trên biển. Hai bên phối hợp, hỗ trợ trong tìm kiếm cứu nạn, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển.
Trước đó, vào cuối năm 2021, Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Indonesia đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác an ninh, an toàn hàng hải giữa hai lực lượng. Bản ghi nhớ này chính là công cụ, hành lang, cơ chế để hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hợp tác thiết thực, hiệu quả, giải quyết tốt các vụ việc trên biển.
Không chỉ tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia trong khu vực về đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam còn tích cực mở rộng hợp tác quốc tế với những quốc gia có lực lượng thực thi pháp luật trên biển mạnh.
Nổi bật là trong khuôn khổ Chương trình hợp tác kỹ thuật phi dự án “Đào tạo tăng cường năng lực cho Cảnh sát biển Việt Nam”, giữa tháng 8/2022, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp với Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) tổ chức khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển cho Cảnh sát biển Việt Nam và tăng cường giao lưu, hợp tác, hiểu biết giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam nói chung, Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Nhật Bản nói riêng.
Song song với đó, các chuyến thăm, giao lưu của tàu Cảnh sát biển Việt Nam đến Ấn Độ và Nhật Bản những năm gần đây đã góp phần nâng cao vị thế của Cảnh sát biển Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh và tình hình mới, hợp tác đa phương có vai trò giải quyết các thách thức toàn cầu, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế và các nỗ lực chung vì hòa bình và phát triển trên thế giới. Vì thế, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong các cơ chế, diễn đàn đa phương.
Điển hình là Hiệp định hợp tác khu vực chống cướp biển và cướp có vũ trang (ReCAAP). Đây là cơ chế đa phương mà Cảnh sát biển Việt Nam tham gia đầy đủ nhất, thay mặt Chính phủ Việt Nam tham gia Hội đồng điều hành, là đầu mối quốc gia về chia sẻ thông tin, cùng nhiều cơ chế diễn đàn như: Hội nghị những người đứng đầu Cảnh sát biển các nước châu Á (HACGAM); Diễn đàn Tư lệnh lực lượng thực thi pháp luật trên biển các quốc gia Đông Nam Á (SEAMLEI); Các hoạt động trong khuôn khổ do Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức; Hội nghị Cảnh sát biển toàn cầu (CGGS).
“Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ quản lý, duy trì an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên các vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc, trong thời gian tới, Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại, thúc đẩy quan hệ hợp tác với lực lượng bảo vệ bờ biển, Cảnh sát biển các nước, ưu tiên các nước trong khu vực, các nước có vùng biển giáp với nước ta và các đối tác truyền thống. Đặc biệt, thông qua các hoạt động đối ngoại, Cảnh sát biển Việt Nam mang thông điệp hợp tác, phát triển và hội nhập đến với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước. Từ đó, góp phần giữ vững sự ổn định hướng biển, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc”, Thiếu tướng Lê Quang Đạo nhấn mạnh.
Nguồn: Báo CAND