Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Lan toả những tấm gương sáng về tinh thần đổi mới, sáng tạo, tận tuỵ với học sinh

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022" có 68 thầy cô là những giáo viên đang dạy học ở những vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, trong đó có 9 thầy cô dân tộc thiểu số cùng các thầy cô có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, các thầy cô giáo có sáng kiến đổi mới trong dạy và học, áp dụng trong thực tế đạt hiệu quả cao.

Nhiều thầy cô có hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện giảng dạy, trường lớp thiếu thốn, phương tiện di chuyển đến trường chưa đảm bảo; nhiều thầy cô đã hy sinh, dành cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giáo dục tại những nơi khó khăn. Vượt qua những khó khăn vất vả ấy, các thầy cô đã phấn đấu giảng dạy, công tác, đạt nhiều thành tích trong chuyên môn, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các địa phương.

Tại chương trình gặp mặt, các thầy, cô giáo đã trao đổi, chia sẻ những khó khăn trong quá trình giảng dạy; những động lực giúp các thầy cô tận tâm, cống hiến với nghề và những mong muốn, nguyện vọng về chế độ chính sách cho những giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Các thầy, cô giáo cũng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, giảng dạy, hỗ trợ học sinh trong cuộc sống, học tập. Các thầy cô đều đau đáu nỗi niềm, mong mỏi lớn nhất là làm được điều gì đó cho học trò của mình, để các con yên tâm học tập, có môi trường giáo dục hạnh phúc, có cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các thầy cô tham dự chương trình.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, lãnh đạo Bộ GDĐT ghi nhận, thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn và trăn trở của thầy, cô. Giáo dục hiện đang là lĩnh vực tác động đến từng gia đình, đến mọi thành phần trong xã hội, vì vậy kỳ vọng của xã hội, của người dân, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày càng lớn. Trong khi ngành giáo dục phải gánh vác trách nhiệm trong thời kỳ đổi mới, đổi mới chương trình, đặc biệt đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nhưng đang thiếu rất nhiều về đội ngũ, cơ sở vật chất, chế độ, phương pháp giảng dạy, công nghệ, kỹ năng áp dụng…

"Đổi mới thì rất khó khăn, đổi mới ngành giáo dục càng khó khăn hơn nữa, đổi mới ngành giáo dục trong lúc các nguồn lực hạn hẹp như vậy càng đặc biệt khó khăn"-Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ. 

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, không phải đến bây giờ Đảng, Nhà nước hay Bộ GD&ĐT mới đưa ra giải pháp, mà chế độ chính sách đã có nhiều tuy nhiên đâu đó vẫn còn nhiều khó khăn, chính sách, chế độ chưa thể bao phủ được hết. Hiện nay, Chính phủ có Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong thời gian tới, kỳ vọng này sẽ góp phần tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học tại các địa phương. Ngành giáo dục cũng luôn phấn đấu đề ra, đề xuất những cơ chế, chính sách về tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học của các trường ở địa phương. Cùng với đó là chế độ chính sách với đội ngũ nhà giáo.

"Vừa rồi chúng ta đã đọc báo biết tin Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã rất nhiều lần có ý kiến về việc này và đề xuất với Quốc hội, Chính phủ. Chắc chắn đợt tới, đặc biệt với giáo viên Mầm non, Tiểu học sẽ có những thay đổi, theo hướng tăng mức lương cơ bản chung của toàn quốc, đây là nỗ lực lớn của ngành", Thứ trưởng cho biết. Đồng thời, ông cũng khẳng định, Bộ GD&ĐT ghi nhận các ý kiến của thầy, cô và sẽ có giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi