Để bạn đọc rõ hơn về một số quy định trong dự thảo nghị quyết, phóng viên báo CAND và chuyên đề ANTG đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT – cơ quan chủ trì soạn thảo nghị quyết.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết căn cứ nào để Bộ Công an đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thông qua nghị quyết về đấu giá biển số xe ô tô?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Chúng tôi căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của xã hội hiện nay. Khi xã hội phát triển thì nhu cầu sử dụng biển số ưa thích ngày càng cao và đó là nhu cầu chính đáng. Không những vậy, khi chúng ta thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng biển số xe ô tô thì sẽ mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tiếp đến là khi có Luật Tài sản công thì kho số là một tài sản công. Do đó, trách nhiệm quản lý, khai thác tài sản công là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thì vẫn vướng một số luật, ví dụ như Luật Giao thông đường bộ, Luật Đấu giá tài sản. Vì vậy, cần phải có một văn bản để giải quyết vướng mắc, khó khăn đó. Đứng trước thực tiễn đó, Bộ Công an đã đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội để có nghị quyết về cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT.
Phóng viên: Thưa đồng chí, trong dự thảo nghị quyết, những loại biển số nào sẽ được đưa ra đấu giá?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Biển số được đưa ra đấu giá là những biển số cấp cho doanh nghiệp tư nhân, cá nhân là biển nền màu trắng, chữ số màu đen. Biển số này cũng chiếm đa số trong các biển số của các phương tiện đang lưu thông.
Tôi lấy ví dụ cụ thể, hiện nay có 5.863.705 xe ô tô được đăng ký nhưng chỉ có 609.749 xe đăng ký biển số màu vàng (phương tiện kinh doanh vận tải). Như vậy, tính tỷ lệ thì xe biển số màu trắng, chữ đen chiếm gần 90% tổng số xe ô tô được đăng ký.
Khi trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đưa ra một dự thảo nghị quyết về thí điểm cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá thì chúng ta phải tính đến sự hiệu quả của nghị quyết.
Qua khảo sát, chúng tôi thấy những xe của doanh nghiệp tư nhân, cá nhân là đối tượng chính, nhu cầu tập trung vào đối tượng này. Số xe kinh doanh đa phần là được thế chấp ngân hàng và nhu cầu để đấu giá biển số xe cũng không nhiều.
Mặt khác, theo quy định của Bộ Công an, người dân không có nhu cầu sử dụng xe biển số nền vàng thì vẫn giữ nguyên biển số của chiếc xe đó khi chuyển sang màu trắng. Vì vậy, trong thời gian thí điểm, chúng tôi chọn loại biển số mà người dân có nhu cầu cao nhất để tiến hành đấu giá.
Phóng viên: Vậy, thế nào là một biển số đẹp và biển số đẹp được chọn ra như thế nào để đấu giá, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Chúng tôi không có quan niệm thế nào là biển số đẹp. Biển số đẹp hay xấu là do quan niệm của từng người. Theo bạn biển số này là đẹp nhưng người khác chưa chắc đã cùng quan điểm, họ lại cho rằng biển số khác mới là đẹp. Có người bảo tứ quý, ngũ quý là đẹp, biển tiến là đẹp. Nhưng, đa số người dân cho rằng, số đẹp là số người ta thích nhất.
Như vậy, đẹp hay xấu là do quan niệm cá nhân của từng người, đẹp với người này nhưng không đẹp với người khác. Bởi vì quan điểm số đẹp là quan niệm của từng người, từng vùng miền khác nhau nên giá trị của số đẹp là giá trị khi người ta trúng đấu giá.
Cũng vì vậy nên chúng tôi không chọn biển số cụ thể để đưa ra đấu giá mà chỉ đưa ra kho số để người dân lựa chọn số họ mong muốn, sau đó đăng ký đấu giá. Khi hết thời gian tổ chức đấu giá, những số không được lựa chọn để đấu giá sẽ được quay về kho số để người dân không tham gia đấu giá có thể bấm chọn ngẫu nhiên như hiện nay.
Phóng viên: Đồng chí cho biết, căn cứ để Bộ Công an đề xuất giá sàn trong đấu giá biển số xe ô tô?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Đây là một vấn đề khó, qua nhiều hội thảo thì chúng ta biết, có những nước trên thế giới giá sàn bằng 0.
Nhưng, Việt Nam chúng ta thì đặt mức giá sàn nào phù hợp nhất là cả quá trình nghiên cứu và thăm dò ý kiến của người dân. Để đưa ra mức giá khởi điểm như trong dự thảo, chúng tôi căn cứ vào 2 nội dung. Nội dung thứ nhất là căn cứ vào phí đăng ký xe hiện nay đối với 5 thành phố trực thuộc Trung ương là 20 triệu/biển số. Thứ hai là giá trị phương tiện hiện nay của người dân trung bình là 800 triệu đến 1 tỷ đồng/1 phương tiện.
Chúng ta lấy mức trung bình là 5% giá trị của xe để đưa ra mức phí đấu giá khởi điểm. Qua lấy ý kiến của người dân và tham khảo của các chuyên gia thì đa số ý kiến đồng tình với mức giá như đã đề xuất là: Đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giá khởi điểm 40 triệu đồng, các địa phương còn lại là 20 triệu đồng.
Phóng viên: Vấn đề mọi người quan tâm là hình thức đấu giá. Đồng chí cho biết, việc đấu giá sẽ được thực hiện như thế nào?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Việc đấu giá sẽ được thực hiện trực tuyến, Bộ Công an sẽ lựa chọn đơn vị có đủ tư cách pháp nhân theo đúng quy định của pháp luật. Phương thức đấu giá sẽ theo phương thức trả giá lên, mức giá trúng đấu giá sẽ cao hơn mức khởi điểm.
Phóng viên: Quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá được quy định như thế nào, thưa Thiếu tướng? Biển xe trúng đấu giá có thể bán bao nhiêu lần?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Theo quy định của dự thảo nghị quyết thì người trúng đấu giá sẽ có quyền giữ biển số. Nghĩa là, trường hợp có nhu cầu bán xe, người trúng đấu giá vẫn được giữ lại biển số đó để đăng ký cho xe khác thuộc quyền sở hữu của mình. Tuy nhiên, quyền sở hữu chỉ được áp dụng với người trúng đấu giá biển số.
Trường hợp muốn bán biển số thì phải bán kèm theo xe và biển số này sẽ gắn với chiếc xe được bán đến suốt đời. Người mua, người được tặng, được thừa kế biển số đấu giá từ người trúng đấu giá chỉ được bán xe kèm biển và không có quyền giữ lại biển số. Nói nôm na, tức là F1 được giữ lại biển số nhưng từ F2, F3 trở đi thì không được giữ lại biển số. Việc quy định người được nhận chuyển nhượng, mua, cho tặng không được giữ lại biển số nhằm tránh việc đầu cơ, trục lợi.
Phóng viên: Vậy, sau khi trúng đấu giá hoặc sau khi bán xe thì người trúng đấu giá có thời gian bao nhiêu lâu để sử dụng biển số đó đăng ký cho phương tiện của mình, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Người trúng đấu giá sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định thì sẽ được cấp quyết định trúng đấu giá. Họ có 12 tháng kể từ khi quyết định trúng đấu giá có hiệu lực để đăng ký cho phương tiện của mình.
Qua khảo sát, chúng tôi xác định, thời gian 12 tháng là thời gian đủ để người trúng đấu giá chuẩn bị tài chính, đặt mua phương tiện để đăng ký. Nếu quá thời gian 12 tháng nhưng người trúng đấu giá không đăng ký cho phương tiện cụ thể thì biển số đó tự động thu hồi, đưa trở về kho số để tiếp tục đấu giá. Đối với trường hợp người trúng đấu giá bán xe, giữ lại biển thì cũng trong vòng 12 tháng phải đăng ký biển đó cho xe mới. Quy định như vậy để tránh việc người trúng đấu giá “gom” nhiều biển số nhưng giữ lại quá lâu nhằm mục đích kinh doanh thương mại.
Phóng viên: Như đồng chí vừa nói ở trên, đó là việc không cho phép đầu cơ, tích trữ biển số. Vậy, cơ quan chức năng sẽ làm gì để thực hiện quy định trên?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Khi xây dựng nghị quyết, cơ quan chức năng đã tính toán các tình huống và có các phương án giả lập để ngăn việc đầu cơ tích trữ biển số sau khi trúng đấu giá vì biển số là tài sản công, không cho phép đầu cơ, tích trữ để sinh lợi. Trong đó, về mặt pháp luật, thì việc xây dựng nghị quyết phải chặt chẽ, không để xảy ra việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Thứ hai, về mặt công nghệ thì sẽ có bức tường lửa để tránh trường hợp hacker xâm nhập cuộc đấu giá, làm thay đổi nội dung, khiến cuộc đấu giá không thành. Lực lượng Công an cũng sẽ rà soát phát hiện các trường hợp đầu cơ tích trữ để xử lý theo quy định. Việc quan trọng là việc xây dựng và thực hiện nghị quyết phải chặt chẽ để không ai có thể lợi dụng trục lợi được.
Tại một điểm đăng ký phương tiện giao thông.
Phóng viên: Đề nghị đồng chí cho biết, sau khi hết thời gian thực hiện thí điểm nghị quyết thì những người trúng đấu giá có được giữ lại biển số đã trúng đấu giá không? Và, ngay sau khi trúng đấu giá thì có được quyền bán luôn biển số mà chưa đăng ký cho xe hay không?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Theo dự thảo nghị quyết thì người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số đó khi bán chiếc xe để đăng ký cho chiếc xe khác. Đồng thời, sau 3 năm thực hiện thí điểm nghị quyết thì người trúng đấu giá vẫn được hưởng quyền theo quy định của nghị quyết cho đến khi hết niên hạn của phương tiện đó.
Người trúng đấu giá không được quyền bán biển số ngay sau khi đấu giá mà phải dùng để đăng ký phương tiện chính chủ vì biển số không phải là hàng hóa đứng độc lập. Biển số phải gắn với phương tiện bằng giấy chứng nhận đăng ký phương tiện. Khi có đủ 3 yếu tố: Phương tiện, biển số, giấy chứng nhận đăng ký thì phương tiện mới có thể lưu thông được.
Phóng viên: Hiện nay, tình trạng trả giá cao sau đó “bỏ cọc” xảy ra khá phổ biến trong các cuộc đấu giá. Vậy, Bộ Công an có dự định gì để ngăn chặn tình trạng “thắng thầu, bỏ cọc”?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Đúng là có tình trạng “thắng thầu, bỏ cọc” đã xảy ra, đặc biệt là trong lĩnh vực đấu giá đất. Vì vậy, chúng tôi đã tính toán đến phương án này. Để ngăn chặn tình trạng trên thì ngoài việc bị mất tiền cọc, người bỏ cọc sẽ bị cấm, không cho tham gia đấu giá biển số trong một khoảng thời gian nhất định. Việc này chúng tôi sẽ tính toán đưa vào dự thảo nghị định hướng dẫn.
Phóng viên: Đồng chí cho biết, quy định người trúng đấu giá thì bao nhiêu ngày phải nộp tiền?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Trong dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Chính phủ chưa quy định thời gian nộp tiền sau khi trúng đấu giá. Quy định này sẽ được đưa vào nghị định ban hành sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết. Khi soạn thảo nghị định, Chính phủ sẽ quy định thời gian bao nhiêu ngày kể từ khi trúng đấu giá, người mua phải nộp đủ tiền và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự khác. Sau khi người mua nộp đủ tiền, cơ quan có thẩm quyền sẽ có quyết định công nhận trúng đấu giá.
Nguồn: Báo An ninh thế giới