Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Giữ nước từ sớm, từ xa

Bảo vệ non sông, bờ cõi, bảo vệ quốc gia, lãnh thổ từ sớm, từ xa là sự vận dụng quan điểm chủ động phòng ngừa, làm cho nước nhà vững mạnh, tránh xung đột, có kế sách đối phó thù trong, giặc ngoài ngay từ khi chưa xảy ra cơ sự. Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, ông cha ta chú trọng việc bảo vệ Tổ quốc từ xa, từ sớm bằng rất nhiều biện pháp. Về đối ngoại thì tích cực hoạt động bang giao, lấy hòa hiếu, hữu nghị làm trọng, nhất là với các nước láng giềng, tránh xung đột, binh đao. Về đối nội, nhà nước chăm lo xây dựng, phát triển kinh tế, củng cố sức mạnh vật chất và tinh thần, đoàn kết trong toàn dân, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang, giữ vững phên giậu quốc gia, thực hiện kế sách khoan thư sức dân...

Thời Trần, quốc sách "ngụ binh ư nông" vừa đảm bảo sức lao động nông nghiệp, giảm thiểu chi phí quốc phòng thời bình mà vẫn đáp ứng được quân số sẵn sàng chiến đấu với số lượng lớn khi xảy ra chiến tranh. Đây là chính sách kết hợp kinh tế với quốc phòng sáng tạo, phù hợp hoàn cảnh một nước nhỏ, dân ít, kinh tế chủ yếu thuần nông, tiềm lực quốc phòng hạn hẹp nhưng lại phải luôn đối mặt nguy cơ xâm lấn từ ngoại bang. Chính sách này vừa hợp lòng dân, kinh tế có điều kiện phát triển, tiềm lực quốc phòng dự bị được tăng cường, vừa là cơ sở kinh tế, quốc phòng vững chắc để phát động cuộc chiến tranh nhân dân khi xảy ra chiến sự. Triều Trần có nhiều chính sách tiến bộ như chú trọng khai khẩn đất hoang để mở mang diện tích trồng trọt và giải quyết nạn nông dân ly tán. Việc đào kênh lấy nước trồng trọt, đắp đê phòng lụt được nhà Trần rất quan tâm. Lực lượng quân đội được huy động đắp đê, đào kênh. Trần Quốc Tuấn căn dặn tướng sĩ: "Các vương hầu và các tướng sĩ, ai nấy phải cẩn giữ phép tắc, đi đến đâu không được quấy nhiễu dân".

Hội thảo khoa học về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Sử cũ chép rằng, kháng chiến thắng lợi, sứ giả ta là Đào Tử Kỳ sang sứ Nguyên, Thượng thư Bộ Lễ nhà Nguyên là Trương Lập Đạo tiếp. Sau khi nêu sức mạnh vô địch của nhà Nguyên, nói rõ trên một nửa thế giới đã nằm trong bản đồ đế chế Nguyên, chỉ có An Nam là nước duy nhất chống lại, Trương Lập Đạo nói tiếp: "Vua tôi nước ngươi thật như ếch ngồi đáy giếng, coi trời nhỏ. Hỏi rằng được bao nhiêu sức người sức của, có địa lợi hiểm yếu gì mà dám chống lại thiên triều. Thành Thăng Long nhỏ bé kia của nước ngươi, quân thiên triều tới chỉ một cái đạp là san bằng". Sứ giả ta bình thản trả lời: "Các ông là nước lớn, chúng tôi là nước nhỏ, chúng tôi chỉ muốn yên ổn, không bao giờ muốn sinh sự, chỉ vì các ông cậy người đông sức mạnh, đến chực đè đầu cưỡi cổ chúng tôi. Vì lẽ phải giữ mình, chúng tôi phải chống lại. Người xưa có câu "trong chiến tranh lý thẳng thì thắng, lý cong thì thua", chúng tôi vì tự vệ nên chúng tôi thắng, các ông vì cướp đoạt nên các ông thua. Đó là lẽ tất nhiên, không thể cậy thế mạnh thế yếu, nước to nước nhỏ mà bàn được. Thành Thăng Long kia là thành nhỏ để phòng những kẻ trộm cướp vặt, phá tan nào có khó gì. Còn như để chống với kẻ địch bên ngoài đến cướp nước chúng tôi thì chúng tôi đã có một tòa thành vững vàng như núi, không kẻ nào phá được, đó là sức mạnh của toàn thể quân dân chúng tôi".

Bình luận về kế sách giữ nước dựa vào dân của triều Trần, nhà sử học Phan Huy Chú đánh giá: "Thời Trần, "phục binh ở nơi thuận tiện", lúc vô sự thì cho về làm ruộng, khi có động thì chiếu sổ gọi tên ra hết, cho nên binh vẫn đủ mà không phải chi phí nhiều, càng thêm hăng hái chống thù. Thế là thời Trần ai cũng là binh nên mới phá được giặc dữ, làm cho thế nước được mạnh... Cái chiến công dẹp quân Chiêm, phá tan quân Tống (thời Lý), cái oai hùng 3 lần đánh bại quân Nguyên (thời Trần) cũng đủ cho biết binh lực hai đời cường thịnh thế nào". Sự đồng tình ủng hộ của nhân dân là nền tảng cơ bản của công cuộc giữ nước, tạo nên thế lực, sức mạnh của quốc gia. Thời Lý, Trần tuy tương quan lực lượng quân sự ta thua kém địch nhưng thế trận lòng dân - sức mạnh tổng hợp toàn diện, điều đó được thể hiện rõ rệt. 

Trần Quốc Tuấn đã có những tổng kết quý giá về sức mạnh của nhân dân và sự cần thiết phải huy động sức mạnh to lớn ấy để giữ nước. Ông đã can vua Trần khi vua có ý định tu sửa lại kinh thành ngay sau kháng chiến thắng lợi: "Việc tu sửa lại thành trì không cần kíp lắm, việc cần kíp của triều đình phải làm ngay, không thể chậm trễ là việc úy lạo (thăm hỏi, giúp đỡ) nhân dân. Người xưa có câu "chung chí thành thành", nghĩa là ý chí của nhân dân là bức tường thành kiên cố, đó mới là cái thành cần sửa chữa ngay, xin nhà vua xét kỹ". Năm 1300, Trần Quốc Tuấn ốm nặng, vua Trần đến thăm và hỏi: "Nếu giặc phương Bắc lại sang thì làm thế nào để giữ được nước?". Quốc Tuấn trả lời: "Đời Đinh, Lê dùng được người tài giỏi, đất nước phương Nam mới mạnh mà phương Bắc mới mỏi mệt, suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được giặc Tống, đó là một thời... Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, vì vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà giúp sức nên giặc phải bị bắt. Nếu quân giặc sang xâm lược thì phải xem xét quyền biến, như người đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế... Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước".

"Khoan thư sức dân" trong thời bình là giảm bớt sự đóng góp, giảm huy động nhân, vật lực của nhân dân so với thời chiến. Đồng thời, phải làm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Năm 1969, trước lúc đi xa, Bác Hồ căn dặn rằng, sau ngày thắng lợi, Chính phủ hãy miễn thuế nông nghiệp cho dân vài ba năm. Miễn thuế nông nghiệp chính là một nội dung quan trọng để "khoan thư sức dân".

Từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới đến trước Đại hội XII, nhất là Nghị quyết Trung ương 8, Khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, những vấn đề lý luận về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa được Đảng, Nhà nước ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng. Quan điểm này trở thành tư tưởng và hành động xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Tổng kết thực tiễn và lý luận bảo vệ Tổ quốc, lần đầu tiên trong văn kiện chính thức của một đại hội, quan điểm chủ động giữ nước trong thời bình, từ sớm, từ xa được nêu rõ. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là bảo vệ từ trước, phòng ngừa từ trước, chủ động chuẩn bị các điều kiện để bảo vệ Tổ quốc ngay trong thời bình, khi đất nước chưa nguy, lấy việc phòng ngừa từ trước, từ xa theo phương châm xây dựng nước nhà vững mạnh, yên ổn, không phải chiến tranh là thượng sách. Quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa thể hiện tầm nhìn chiến lược mới về quốc phòng - an ninh. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: "Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế".

Thượng sách trong bảo vệ Tổ quốc là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, ngăn ngừa không để xảy ra xung đột, chiến tranh dưới bất cứ hình thức, quy mô nào. Muốn ngăn ngừa không để xảy ra chiến tranh, trước hết phải tập trung xây dựng đất nước thực sự ổn định và vững mạnh về mọi mặt ngay từ bên trong, lấy giữ vững ổn định chính trị là cơ bản, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo cho nước ta có nội lực vững mạnh, đủ khả năng, điều kiện ngăn ngừa, đẩy lùi các nguy cơ xảy ra chiến tranh, xung đột. Giữ vững ổn định và xây dựng đất nước giàu mạnh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, gắn bó mật thiết với nhân dân. Xây dựng hệ thống chính quyền nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân, các tổ chức đoàn thể vững mạnh, các cộng đồng dân cư đoàn kết, văn hóa. Xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc làm chỗ dựa cho bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Thường xuyên nắm chắc tình hình thế giới, khu vực và trong nước, xử lý kịp thời, đúng đắn mọi tình huống diễn biến phức tạp ngay trong thời bình.

Nghị quyết Trung ương 8, Khóa XI được ban hành trên cơ sở thành tựu, kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn, nhất là trong thời kỳ đổi mới, hội nhập. Nghị quyết có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện đường lối, tư duy mới, bước đột phá về sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện, tạo động lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới.

An Nhi

Nguồn: Báo điện tử CAND

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi