Đây là thông tin không mấy tích cực được Bộ Tài chính công bố tại Hội nghị với các bộ, ngành đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 5 tháng đầu năm 2021 vừa diễn ra. Đáng chú ý, có tới 8/13 bộ, ngành vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2021. Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được cho là “tội đồ” gây cản trở tiến độ.
8/13 bộ, ngành chưa giải ngân
Báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành trong 5 tháng đầu năm 2021, ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách Trung ương theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho các bộ, ngành là 16.636,75 tỷ đồng. Số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nguồn nước ngoài của các bộ, ngành tính đến hết ngày 10/6 là 1.253 tỷ đồng, đạt 7,53% so với dự toán được giao. Trong đó, 5/13 bộ, ngành có giải ngân nhưng số giải ngân tập trung chủ yếu ở hai bộ là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Giao thông Vận tải.
Đáng lưu ý có đến 8/13 bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2021.
Đối với kế hoạch vốn năm 2020, ông Long cho biết hiện, các bộ, ngành vẫn giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch. Từ 1/1/2021 đến 10/6/2021, tổng số giải ngân theo kế hoạch vốn 2020 của các Bộ, ngành là 2.187,7 tỷ đồng. Tính đến hết 10/6/2021, Bộ Tài chính mới chỉ nhận được 129 công văn đề nghị rút vốn, đã xử lý 129 đơn rút vốn với thời gian xử lý đơn rút vốn bình quân là 1,5 ngày.
|
Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài mới đạt 7,53% dự toán.
|
“Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành trong những tháng đầu năm tới ngày 10/6/2021 mới đạt 7,53% so với dự toán được giao là rất thấp. Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài chậm đã ảnh hưởng tới việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2021”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết.
COVID-19 là "tội đồ"?
Chỉ ra các nguyên nhân, ông Trương Hùng Long cho biết, quá trình theo dõi, đánh giá công tác giải ngân và làm việc sơ bộ của Bộ Tài chính với các bộ, ngành cho thấy có 7 nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của các dự án như: nhiều dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, thậm chí chưa hoàn thành thủ tục đàm phán hoặc chưa ký hiệp định vay nhưng đã được bố trí vốn; dự án đã đề xuất dừng triển khai nhưng vẫn được bố trí dự toán, sẽ phải hủy dự toán; dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất thiết kế cơ sở.
Bên cạnh đó, nhiều dự án có vướng mắc trong khâu đấu thầu, chưa phê duyệt hợp đồng; vướng mắc với tổng thầu; vướng với nhà tài trợ về phạm vi các gói thầu nên chưa thể triển khai...
Từ phía các bộ ngành thực hiện trực tiếp, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, nguyên nhân chính Bộ Quốc phòng chưa giải ngân được là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến công tác hoàn thiện hồ sơ thủ tục thanh toán với các đối tác nước ngoài chưa thể thực hiện được. Còn đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh thì thông tin các dự án của các trường đã được bố trí vốn nhưng chưa hoàn thành thủ tục đầu tư nên chưa thể giải ngân…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng có nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các chuyên gia tư vấn không sang Việt Nam thực hiện hợp đồng tư vấn, ảnh hưởng đến tiến trình triển khai các dự án; Vật tư hàng hóa thiết bị nhập khẩu từ các nước có dịch COVID-19 cũng bị ách tắc làm dự án chậm tiến độ… tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là những do yếu tố chủ quan, trực tiếp là các là đơn vị chủ dự án trong quá trình triển khai thực hiện dự án còn nhiều hạn chế.
Do vậy, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, từ nay đến cuối năm, giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy giải ngân vẫn là tăng cường vai trò của các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án. “Các Ban quản lý dự án phải chỉ đạo triển khai quyết liệt, kiểm tra, giám sát, có khó khăn, vướng mắc liên hệ với các bộ, ngành giải quyết kịp thời”- Thứ trưởng Trần Xuân Hà yêu cầu và cam kết về cơ chế, chính sách đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính sẽ phối hợp báo cáo Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định 56 về quản lý ODA và vay ưu đãi nước ngoài cho phù hợp. Đối với các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi trách nhiệm, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp triển khai các biện pháp để giải quyết.
Nguồn: Báo CAND