Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đôi mắt của Sùng Mi Dia

Một phép màu đã đến, bất ngờ và nhanh chóng, điều mà cách đây nửa tháng, anh Nô có mơ cũng không dám nghĩ đến, không thể nghĩ con trai mình được các bác sĩ ở Bệnh viện 19-8 vượt đường xa hơn 500 cây số lên tận xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đón về Hà Nội điều trị, chăm sóc miễn phí và mắt cháu đang dần hồi phục...

Cuộc điện thoại trong đêm của Bộ trưởng Bộ Công an...

Câu chuyện về cậu bé Sùng Mi Dia ở thôn Giảng Giáo Lũng, xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang có “con mắt ốc nhồi” hiểm nghèo nhanh chóng lan truyền ở Hà Nội và trên một số trang báo mạng trong những ngày qua.

Đại tá Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8 cùng đoàn công tác, lãnh đạo Công an huyện Đồng Văn và chính quyền xã Sảng Tủng trao quà hỗ trợ gia đình cháu Sùng Mi Dia, ngày 17-6.

Tối 15-6-2021, qua nghe báo cáo của Công an tỉnh Hà Giang về trường hợp cháu Dia, người dân tộc Mông "mắc chứng bệnh lạ về mắt" kéo dài hơn 4 năm và ngày càng nặng thêm, có nguy cơ hỏng mắt, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã gọi điện thoại trực tiếp chỉ đạo Giám đốc Bệnh viện 19-8 Bộ Công an liên lạc ngay với gia đình, đưa cháu bé về Hà Nội tìm phương án tốt nhất để cứu chữa...

Đúng 12 giờ 30 phút ngày 16-6, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Tô Lâm, Đại tá - PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8 đã trực tiếp cùng đoàn công tác của bệnh viện gấp rút lên xe ngược về Hà Giang. Đường từ Hà Nội lên Đồng Văn hơn 500km, nhiều cung đường rất hiểm trở, dốc dựng đứng, liên tục có khúc cua tay áo nhưng nghĩ đến hoàn cảnh cháu bé tội nghiệp, cả đoàn quyết tâm đi liên tục không nghỉ. 8 giờ sáng ngày 17-6, đoàn đã đến được trụ sở UBND xã Sảng Tủng.

Tại đây, bé Sùng Mi Dia và bố mẹ cháu đã được công an xã và chính quyến địa phương đưa ra trụ sở xã từ trước. Buổi đón cháu bé Sùng Mi Dia và tặng quà từ thiện từ Thủ đô mang lên được Công an huyện Đồng Văn, UBND xã Sảng Tủng và đoàn y, bác sĩ Bệnh viện 19-8 tổ chức trang trọng và gấp rút.

Cậu bé Sùng Mi Dia khi ở Đồng Văn, Hà Giang.

TS, bác sĩ Lý Minh Đức, Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Mắt, Bệnh viện 19-8 không thể quên được hình ảnh Dia lúc đó. Cậu bé đen nhẻm, gầy gò đứng nép bên mẹ, bàn tay nhỏ bé đưa lên như muốn che đi con mắt phải lồi to, chảy nước và đang đau nhức. Gương mặt Dia luôn cúi gằm, buồn rười rượi, lạ lẫm và sợ sệt...

Nhờ có các cán bộ Công an xã Sảng Tủng phiên dịch, đoàn công tác mới hiểu rõ hơn về hoàn cảnh đáng thương của cháu bé. Năm 2015, chị Hạ Thị Dính sinh con trai đầu kháu khỉnh, đặt tên là Sùng Mi Dia. Lúc 8 tháng tuổi, bé Dia được mẹ địu lên nương làm rẫy, không may bị cành cây chọc vào mắt phải và bị tổn thương nặng. Nhà nghèo, đường sá đi lại khó khăn, thay vì đưa con đi khám và chữa trị ngay thì anh Nô chỉ biết mang con về nhà đắp lá thuốc. Con mắt phải của Dia bị tổn thương nặng và ngày càng có dấu hiệu lồi ra, toàn bộ thị lực dồn vào mắt trái, khiến mắt trái cũng theo đó yếu dần, ngày càng mờ đi, việc nhìn vô cùng khó khăn. Suốt mấy năm nay, nhìn mắt con ngày càng dị thường, chị Dính lo lắng ngày đêm. Lo thì lo thật đấy nhưng nhà nghèo, quãng đường xa quá nên việc đưa Dia đi viện chữa trị trở nên quá xa vời.

Những tháng gần đây, mắt phải cháu Dia đau nhức khiến cậu bé không ăn không ngủ được, khóc lóc cả ngày. Từ bản làng xa, bố mẹ lóc cóc đưa Dia đi khám tại trạm y tế xã, rồi lên Trung tâm Y tế huyện Đồng Văn nhưng đều nhận được câu trả lời là bệnh con đã quá nặng, tuyến dưới không xử lý được. 

Đêm đêm, tiếng kêu rên của Dia trong căn nhà tuềnh toàng như lưỡi dao cứa vào tim chị Dính. Ôm con trong vòng tay mà nước mắt chị cứ trào ra. Nhà chị Dính nghèo lắm, ngoài Dia còn có 2 người em trai mới 3 tuổi và 1 tuổi, chị chỉ quẩn quanh ở nhà trông con. Chồng chị ngày ngày lên rẫy trồng ngô, cuộc sống bữa no bữa đói, phải nhờ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và bà con trong bản. 

Trước nguy cơ mắt của Dia hỏng vĩnh viễn, vợ chồng chị thương con nhưng đành bất lực. Bởi thế nên khi nhận được thông tin có các bác sĩ trên ở Hà Nội về tận nơi đón Dia đi chữa bệnh, chị Dính bất ngờ lắm, lòng khấp khởi mừng.

Bác sĩ Bệnh viện 19-8 chăm sóc bé Dia sau khi phẫu thuật mắt.

...và chuyến xe tốc hành đặc biệt

Nhận thấy tổn thương mắt của Dia diễn tiến đã lâu và ngày càng nặng, đoàn công tác Bệnh viện 19-8 quyết định đưa cháu về Hà Nội gấp để có phương án điều trị. Lo cho bố con Dia đã đành, còn nghĩ chuyện lo cả cho mẹ con chị Dính ở lại nhà những ngày tới không có cái ăn, đoàn công tác Bệnh viện đã giúp đỡ chị Dính 10 triệu đồng để chị ở lại chăm sóc 2 con nhỏ. Chuyến xe đón hai bố con Dia lên đường về Hà Nội ngay buổi sáng hôm đó.

17 giờ 30 phút cùng ngày, đoàn công tác về đến Bệnh viện 19-8, cháu Dia nhanh chóng được nhập viện điều trị tại Khoa Mắt. Các bác sĩ chẩn đoán mắt phải của cậu bé bị chấn thương xuyên nhãn cầu cách đây 5 năm, hiện tại bị giãn lồi củng giác mạc, mất chức năng, tăng nhãn áp, lồi và đau nhức, mắt phải bị bệnh đã ảnh hưởng sang mắt trái, nguy cơ cao là mù cả hai mắt. Cậu bé Dia được điều trị hạ nhãn áp, siêu âm nhãn cầu, chụp cắt lớp cộng hưởng từ sọ não. Các chuyên gia đầu ngành của Bệnh nhân 19-8 và Bệnh viện Mắt Trung ương đã hội chẩn và quyết định phương án điều trị tối ưu để giữ được mắt phải và không làm ảnh hưởng đến mắt trái.

Vì bé mới 6 tuổi, phải gây mê trong quá trình phẫu thuật nên Dia được chuyển sang phẫu thuật tại Khoa Glôcôm - Bệnh viện Mắt Trung ương. Anh Nô, ông bố 24 tuổi người Mông lần đầu xuống Hà Nội, vừa lo lắng, vừa lạ lẫm nên chẳng lo được gì nhiều. Bởi vậy, các y, bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện 19-8 trở thành “người nhà”, vừa lo mọi thủ tục chuyển viện, vừa động viên anh Nô và theo sát chăm sóc bé Dia. Ngày 22-6, Dia được đưa vào phòng phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt Trung ương, ở ngoài, các bác sĩ Bệnh viện 19-8 cùng bố cháu đứng ngồi không yên, mong mọi điều suôn sẻ đến với cậu bé. Sau ca phẫu thuật bằng laser quang đông, bé Dia được đón trở lại Khoa Mắt, Bệnh viện 19-8 để tiếp tục điều trị và chăm sóc.

TS, Bác sĩ Lý Minh Đức, Phó trưởng Khoa Mắt thăm khám cho bé Dia.

Bệnh viện là nhà

Tôi đến Khoa Mắt, Bệnh viện 19-8 thăm bố con bé Sùng Mi Dia đúng lúc TS., bác sĩ Lý Minh Đức, Phó trưởng Khoa Mắt đang thăm khám cho bệnh nhân nhí. Đã một tuần sau ca phẫu thuật, mắt của bé Dia không còn đau nhức nữa, cậu bé ăn và ngủ được. Sau 2 tuần về xuôi, được các y, bác sĩ chăm sóc, thường xuyên hỏi han trò chuyện, dường như vốn tiếng phổ thông của hai bố con Dia cũng đã khá lên trông thấy, hai bố con nghe hiểu và nói được từng câu ngắn.

Bác sĩ Lý Minh Đức, người trực tiếp theo dõi, điều trị cho bé Dia cho biết, hiện tại mắt phải của bé Dia đỡ giãn lồi, nhãn áp trở về bình thường, hiện đang trong quá trình điều trị nội khoa. Mắt đã hết đau nhức nên Dia ăn được, ngủ được, chơi ngoan không quấy khóc, thể trạng dần tốt lên. Tiên lượng mắt phải sẽ hồi phục dần, không ảnh hưởng đến mắt trái, bệnh viện sẽ vẫn tiếp tục theo dõi bệnh tình của cháu Dia đến khi xuất viện và cả những đợt tái khám, điều trị sau này.

Bác sĩ Đức vừa nhỏ thuốc mắt cho Dia vừa nói vui: “Cô nhìn cháu Dia đã thành thanh niên Thủ đô chưa?”. Là bởi những ngày qua, cậu bé Dia đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của cả Bệnh viện 19-8. Các đoàn thể, tổ chức của Bệnh viện 19-8, Bộ Công an, các nhà hảo tâm đã đến thăm, tặng quà và hỗ trợ bố con Dia. Biết tin Dia sẽ vào học lớp 1 trong năm học mới này, các y, bác sĩ, điều dưỡng đã mua tặng cậu bé nhiều quần áo mới, giấy bút, cặp sách, giày dép, mũ và đồ dùng học tập. Cậu bé Dia thích lắm, đi ngủ cũng ôm cặp sách trong lòng.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Hương hướng dẫn bé Dia tô chữ.

Điều dưỡng trưởng Khoa Mắt, chị Nguyễn Thị Hương nói với tôi, khi đoàn công tác đi Hà Giang đón Dia, thì ở “nhà”, các y, bác sĩ đã chuẩn bị đầy đủ đồ phòng ốc, đồ sinh hoạt để đón hai bố con. Hiện tại, việc nhỏ thuốc mắt, uống thuốc hằng ngày cũng đều do các y, bác sĩ đảm nhiệm vì sợ ông bố trẻ không quen. Hai bố con được phục vụ cơm cháo tận phòng, Dia được ăn chế độ đặc biệt để nhanh hồi phục. Để cậu bé quên đi cái đau, các y, bác sĩ mua đồ chơi, cùng Dia tô chữ, tô màu. Dù một bên mắt còn băng kín nhưng cậu bé Dia rất thích cầm bút tô chữ.

Dia ngoan lắm, dường như hiểu được sự chăm lo của các bác sĩ, nên trong suốt quá trình khám bệnh, phẫu thuật, cậu bé không khóc bao giờ. Giờ thì cậu bé đã quen ở bệnh viện, quen các y bác sĩ, luôn nhoẻn miệng cười, khoanh tay cúi rạp người và líu ríu nói tiếng đồng bào như để cảm ơn. Mừng nhất là bé Dia đã tăng cân. Hôm mới nhập viện, Dia cân nặng 16kg, sau 2 tuần vừa phẫu thuật và điều trị, cậu bé đã tăng thêm 1kg.

Đại tá Hoàng Trung Thông, cán bộ Bệnh viện 19-8, người trực tiếp cùng Giám đốc Hoàng Thanh Tuyền lên Đồng Văn đón hai bố con cháu Dia về Hà Nội chữa trị cho tôi biết Giám đốc Bệnh viện đã quyết định miễn phí toàn bộ chi phí điều trị, ăn ở và sinh hoạt của hai bố con bé Sùng Mi Dia trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện. Tiền hai bố con mang theo và các khoản tiền tài trợ của tổ chức, cá nhân hảo tâm được Khoa Mắt giao cho một điều dưỡng ghi chép, quản lý hộ để đến lúc cháu ra viện sẽ gửi lại. Anh Nô giở sổ khoe với tôi: “Bệnh viện đã lo cho hết tất cả rồi, tiền này cũng mang về cho vợ con thôi”, mắt anh ánh lên niềm hạnh phúc.

Khi gặp cháu Dia tại trụ sở UBND xã Sảng Tủng, các bác sĩ nhận thấy tình trạng bệnh của cháu đã nặng và để lâu không được chữa trị kịp thời. Nỗi lo lắng đè nặng trong suốt quãng đường từ Hà Giang về Hà Nội. Cả đoàn đã dự liệu đến trường hợp một khối u ở não gây biến chứng ở mắt. Nếu như vậy, việc điều trị sẽ rất vất vả. Thật may mắn là điều đó đã không xảy ra. Nhận được kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy không có u ở não, các bác sĩ thở phào vì đã trút đi được một phần gánh nặng. Chúng tôi đã áp dụng các biện pháp điều trị tốt nhất cho cháu. Dù việc điều trị muộn nhưng vẫn kịp thời để cháu Dia dần hồi phục, kịp vào lớp 1 trong năm học này để bắt đầu hành trình theo con chữ” - bác sĩ Lý Minh Đức - Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện 19-8, Bộ Công an chia sẻ.

 

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi