Theo lời mời của phía Ả-rập Xê-út, Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam do Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) làm Trưởng đoàn vừa đến Thủ đô Ri-át, Vương quốc Ả-rập Xê-út để tiến hành đàm phán chính thức Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Ả-rập Xê-út về hợp tác phòng, chống tội phạm.
Việt Nam và Ả-rập Xê-út thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1999. Thời gian qua, hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực. Việc thúc đẩy hợp tác với Ả-rập Xê-út trên nhiều lĩnh vực mở ra những cơ hội tiềm năng về kinh tế, thương mại cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Số lượng người Việt Nam sang làm việc, du lịch và học tập tại Ả-rập Xê-út là khá lớn (khoảng 7.000-8.000 người).
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi về kinh tế - xã hội, điều này cũng dễ làm nảy sinh những vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh trật tự. Do đó, hai bên cần xây dựng cơ chế hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm nhằm góp phần giải quyết hiệu quả vụ án hình sự có liên quan đến công dân Việt Nam ở Vương quốc Ả-rập Xê-út và ngược lại.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam và ông Ahmed Suleiman Al Essa, Trưởng đoàn đàm phán Ả-rập Xê-út ký tắt dự thảo Hiệp định.
Trên cơ sở tham khảo dự thảo Hiệp định của phía Ả-rập Xê-út, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Hiệp định trên cơ sở phù hợp với pháp luật Việt Nam, đồng thời, đảm bảo hài hòa giữa pháp luật hai nước và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tiến hành đàm phán. Cuộc đàm phán đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hai đoàn đã ký tắt nội dung dự thảo Hiệp định, Biên bản ghi nhận kết quả đàm phán và thống nhất sẽ hoàn thiện các thủ tục nội bộ để lãnh đạo cấp cao hai bên ký chính thức trong tương lai gần. Đây sẽ là văn kiện hợp tác song phương đầu tiên trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, góp phần mở ra một lĩnh vực hợp tác mới giữa Chính phủ hai nước.
Hiệp định gồm Lời nói đầu và 10 điều, cụ thể như sau: Lĩnh vực hợp tác (Điều 1); Hình thức hợp tác (Điều 2); Từ chối hợp tác (Điều 3); Bảo mật thông tin (Điều 4); Phù hợp với các điều ước quốc tế khác (Điều 5); Giải quyết bất đồng (Điều 6); Chi phí (Điều 7); Cơ quan đầu mối (Điều 8); Ngôn ngữ (Điều 9); Điều khoản cuối cùng (Điều 10).
Hiệp định quy định mục đích, phạm vi lĩnh vực và hình thức hợp tác để tạo cơ sở pháp lý hỗ trợ lẫn nhau trong thu thập, cung cấp thông tin liên quan đến tình hình tội phạm của hai nước và trong khu vực, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu về phòng ngừa tội phạm, từ đó nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của hai bên, qua đó góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, cũng như tăng cường cơ chế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân hai nước.
Trong bối cảnh thế giới hiện đại với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên toàn cầu, việc đàm phán thành công Hiệp định với Ả-rập Xê-út trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm vừa là bước cụ thể hóa chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta với tư cách là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vừa là sự quan tâm, bảo hộ của Đảng và Nhà nước ta với công dân Việt Nam. Bên cạnh đó, Ả-rập Xê-út là quốc gia lớn, giữ vị trí quan trọng trong thế giới Hồi giáo, mở rộng quan hệ hợp tác với Ả-rập Xê-út thông qua việc ký kết văn bản hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm sẽ mở đường cho các hoạt động hợp tác với các cơ quan chức năng của các quốc gia khác trong khu vực Trung Đông.
Nguồn: Báo CAND