Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Đà Nẵng - tình người sau mưa lũ

Nghĩa tình trong cơn khốn khó

Sau trận mưa lũ khiến cả thành phố Đà Nẵng chìm trong biển nước, nhiều nơi thiệt hại nặng, mất điện, mất nước... Giữa cơn hoạn nạn, người Đà Nẵng lại thể hiện sự đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau đầy tình người. Những lời kêu cứu được phát đi trên mạng xã hội, cả Đà Nẵng dường như không ngủ trong đêm. Những hội nhóm từ thiện như Hoàng Bin, Anh Beo... với phương tiện là những chiếc xuồng cá nhân, xuồng cứu hộ phối hợp cùng cơ quan chức năng, lực lượng Công an, Quân đội... lao vào dòng nước tìm đến cứu nạn khẩn cấp cho từng trường hợp. Giữa mênh mông biển lũ, người ta lại thấy những trái tim thiện nguyện tỏa sáng, không ngại khó khăn, vất vả, sẵn sàng tiếp cận, ứng cứu người dân bất cứ lúc nào.


Công an phường cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ người dân phường Hòa Khánh Nam, ngày 16/10. Ảnh: Tiên Sa.

Khi hàng ngàn người được đưa ra khỏi những căn nhà, phòng trọ ngập nước, họ co ro lạnh trong mưa gió đêm nhưng đã được rất nhiều chủ nhà nghỉ, khách sạn mở cửa miễn phí để tắm rửa, thay đồ và có chỗ ngủ qua đêm đợi nước rút. Nhiều lời động viên, kêu gọi trên mạng xã hội trong các hội nhóm ở Đà Nẵng với những dòng thông tin về việc mở cửa miễn phí cho những người bị ngập không có chỗ nghỉ đêm được đăng tải và chia sẻ, khiến những số phận không may trong đêm kinh hoàng cảm thấy được yên lòng.

Những ngày sau, nước rút nhưng lương thực thiếu thốn, không thể nấu ăn vì mất điện, mất nước và người dân phải quá vất vả với những bãi chiến trường tan hoang trong những căn hộ, phòng trọ... ở khắp nơi. Nhiều “Mạnh Thường Quân” đã ra tay nấu ăn và đưa đến tận tay từng người để kịp thời hỗ trợ bà con đỡ đói lòng trong lúc gian nan vì thiên tai.


Lực lượng Công an đi từng nhà để hỏi thăm, hỗ trợ thực phẩm trong ngày 15/10. Ảnh: Tiên Sa.

Khi nước rút, trên đường phố Đà Nẵng có hàng trăm hàng ngàn chiếc xe máy, ô tô chết máy hay bị nước cuốn trôi la liệt giữa đường, những người xa lạ lại hò nhau cùng đẩy từng chiếc ô tô vào bên đường để giải phóng ách tắc giao thông, hay cùng giúp đẩy những chiếc xe tới gara sửa chữa. Lực lượng CSGT Công an TP. Đà Nẵng hay những gara đã điều động xe đến cứu hộ để đưa xe cộ về nơi sửa chữa, giảm bớt gánh nặng cho người dân.

Từ khắp nơi, những người thợ, những cửa tiệm sửa chữa xe máy đăng tải thông tin sửa xe, thay nhớt, làm sạch xe miễn phí được đăng tải. Nhiều anh em thợ sửa chữa xe máy mang theo dụng cụ, máy móc vượt quãng đường xa hàng trăm km từ Nông Sơn, Thăng Bình, Đại Lộc, Duy Xuyên (Quảng Nam) tất tưởi ra Đà Nẵng mở những điểm sửa chữa xe máy lưu động miễn phí cho hàng ngàn người.

Anh Võ Thịnh, thợ sửa xe máy từ Nông Sơn ra Đà Nẵng hỗ trợ sửa xe miễn phí cho biết: “Thấy người dân Đà Nẵng bị ngập lụt, nhiều phương tiện bị ngập nước nên đội sửa xe máy Nông Sơn gồm 15 thợ đã cùng nhau lên đường ra Đà Nẵng ngay trong sáng 15/10 để hỗ trợ người dân sửa xe miễn phí. Trong hoạn nạn, khốn khó, giúp được chừng nào thì anh em sẽ giúp hết mình, khi nào không còn xe cần sửa nữa thì anh em thợ sẽ về!”. Những đội thợ sửa xe miễn phí như của anh Võ Thịnh, hay anh Sáu Khoa triển khai ở khắp nơi, từ đường Hoàng Thị Loan, đến đường Tôn Đức Thắng, từ Q. Liên Chiểu xuống tới Q. Cẩm Lệ... đã nhân lên những tình cảm của người với người trong cơn hoạn nạn. Việc làm của các anh đã khiến nhiều người cảm động.

Nhiều nhóm sửa xe miễn phí từ Quảng Nam ra Đà Nẵng hỗ trợ người dân. 

Chị Hiểu Nghiêm, Hiệp hội Nữ doanh nhân TP Đà Nẵng trước tình cảm và sự hỗ trợ của các đội sửa xe miễn phí đã đề nghị được hỗ trợ ăn uống cho các nhóm trong suốt thời gian hỗ trợ người dân Đà Nẵng, nhưng các anh đã xin nhường lại cho những người khác đang gặp khó khăn nhiều hơn.

Không chỉ có những người thợ từ các địa phương khác đến hỗ trợ, mà ngay tại Đà Nẵng cũng có những đội cứu hộ xe máy miễn phí như đội “SOS Đà Nẵng - Hãy trả phí bằng nụ cười” với hàng chục thành viên đã không quản ngại mưa lũ, suốt từ đêm bắt đầu mưa lũ đến những ngày sau đó liên tục cứu hộ những trường hợp xe cộ chết máy, ngập nước. Sửa chữa miễn phí cho hàng trăm chiếc xe của người dân vùng lũ. Những thành viên của đội đã hoạt động không biết mệt mỏi, từng giờ từng phút gắng hết sức để sửa xe cộ cho mọi người. Những phụ tùng, xăng xe, thay nhớt... cho người dân đều được miễn phí và tất cả đều được trả phí bằng nụ cười, thế là đủ. Không chỉ thế, đội “SOS Đà Nẵng - Hãy trả phí bằng nụ cười” còn kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ tới những hoàn cảnh khó khăn, thiệt hại vì mưa lũ để mọi người cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Cùng với những người thợ sửa xe máy miễn phí, hình ảnh các anh chị làm nghề điện lạnh, máy giặt kêu gọi nhau, chạy không biết mệt mỏi để hỗ trợ sửa tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng miễn phí cho người dân bị ngập lụt mà thấy ấm lòng.

Rưng rưng hai chữ đồng bào

Người Đà Nẵng, lúc bình thường lo làm ăn, khi hoạn nạn lại đùm bọc, hỗ trợ, giúp đỡ nhau hết mình. Chỉ cách đó một tuần, siêu bão Noru chưa đổ bộ, đã có hàng chục khách sạn, nhà hàng sẵn sàng mời bà con vào tá túc, lo ăn uống miễn phí. Lũ ngập do bão Sơn Ca hoành hành, người Đà Nẵng không quản hiểm nguy cứu người, cưu mang, đùm bọc, sẻ chia.


 Người dân chung tay cùng các lực lượng chức năng dọn dẹp sau mưa lũ.

Sau trận mưa lũ lịch sử, các hội nhóm thiện nguyện lại cùng nhau chung tay hỗ trợ cho người dân. Những lời nhắn như “Mai có bánh mì với nước lọc hỗ trợ người dân, biết ở đâu cần thì nhắn” được sẻ chia, lan tỏa để hướng đến những người dân bị thiệt hại trong mưa lũ. Sau mưa lũ, người Đà Nẵng nấu ăn, đem cơm, bánh mì hỗ trợ, sửa xe máy, ti vi, tủ lạnh miễn phí, giúp nhau dọn dẹp nhà cửa, trường học, cẩu xe giúp đường thông hè thoáng. Các cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội cứu nạn, cứu hộ nhân dân trong bão lũ, rồi tiếp tục hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, bùn lầy, chung tay làm sạch đẹp phố phường, bãi biển...

Nhiều doanh nghiệp, người dân có điều kiện thì góp tiền, ít hơn thì góp thùng mì, tấm bánh, tấm áo sạch hỗ trợ nhau qua cơn hoạn nạn. Những chiếc bánh mì hay tô mì Quảng được đưa tới tận nơi người dân bị ngập, những thợ máy sửa xe miễn phí, sửa chữa đồ gia dụng miễn phí cho người dân Đà Nẵng trong mưa lũ càng khiến tình đồng bào thêm nồng đượm.

Trên mạng xã hội, các hội nhóm đã bắt đầu dấy lên những chương trình thiện nguyện, quyên góp. Cô Kiều Anh, dạy lớp 3/4, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng), hay cô Mỹ Hòa khởi đầu với lời kêu gọi quyên góp quần áo, sách vở cho học sinh tiểu học. Khi những quần áo, sách vở của nhiều học sinh bị nước ngập hay lũ cuốn trôi không thể sử dụng được nữa, cô Kiều Anh vận động mọi người ai có sách vở và đồ dùng học tập còn sử dụng được, có thể quyên góp cho các em học tập, để con đường đi học của các em bớt khó khăn, gian nan.


Nhiều người thợ sửa chữa miễn phí máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh... cho người dân.

Nhiều ngày trôi qua sau trận mưa lũ lịch sử của Đà Nẵng, có lẽ người dân nhiều khu vực bị ngập nặng vẫn chưa hết bàng hoàng. Những khu vực bị ngập nặng có nhiều ngôi nhà lụp xụp chỉ đủ che nắng che mưa, những căn phòng trọ mái tôn liêu xiêu, diện tích nhỏ hẹp, nơi tá túc những gia đình công nhân hay người lao động nghèo, của những sinh viên hay các hộ gia đình khốn khó. Cơn lũ đi qua, những con hẻm nhỏ chạy ngoằn ngoèo thông nhau đã buồn sẽ lại buồn hơn khi bùn đất ngập ngụa. Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, người dân nơi đây lại cặm cụi nhặt nhạnh những gì còn sót lại từ đống đổ nát để làm lại từ đầu. Người ta vẫn bảo Đà Nẵng cố gắng xây dựng là “thành phố đáng sống”.

Đáng sống có lẽ không chỉ nhà cao cửa rộng, vật chất đủ đầy, nhiều dịch vụ vui chơi giải trí, mà chính là cái tình đối đãi với nhau lúc vui vẻ cũng như trong hoạn nạn, khổ đau. Đó mới là thành phố đáng sống! Truyền thống đùm bọc nhau cùng qua cơn khốn khó của người dân càng làm đẹp thêm một dân tộc Việt Nam đầy nhân văn, nghĩa tình...

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi