Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lẵng hoa chúc mừng.
Cùng dự có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Trần Quang Phương, Nguyễn Đức Hải; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành; các cán bộ, công chức Ban Dân nguyện qua các thời kỳ…
Trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, Ban Dân nguyện được thành lập ngày 17/3/2003 theo Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11. Trên thực tế, công tác dân nguyện của Quốc hội đã được quan tâm và coi trọng thực hiện từ Quốc hội khóa đầu tiên của nước ta. Xa hơn nữa, cha ông ta đã rất coi trọng dân nguyện, lấy ý dân làm vũ khí giành thắng lợi, điển hình là Hội nghị Diên Hồng tại Bến Bình Than năm 1284.
Kể từ khi được thành lập đến nay, Ban Dân nguyện luôn quán triệt chủ trương đổi mới của Đảng; đảm bảo chức năng đại diện của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội; phát huy dân chủ, đảm bảo quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của nhân dân; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong công tác dân nguyện; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, trong đó có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh của công dân.
“Công tác dân nguyện đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cử tri và nhân dân với Đảng và Nhà nước; là “đầu mối”, đồng thời là một “kênh” quan trọng để cử tri cả nước gửi gắm nguyện vọng đến Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp; là “cầu nối” để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Quốc hội với cử tri và nhân dân, thực hiện tốt phương châm Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - nhân dân làm chủ”, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nói.
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Dân nguyện.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác dân nguyện. Quan điểm dân chủ “lấy dân làm gốc”, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân của Đảng và Nhà nước đã được Hiến pháp, pháp luật quy định rất cụ thể.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận, biểu dương và cảm ơn những đóng góp quý báu của lãnh đạo, công chức Ban Dân nguyện qua các thời kỳ.
Ban Dân nguyện đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất trực tiếp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; nắm bắt nguyện vọng, tâm tư, kiến nghị phản ánh của cử tri, nhân dân chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và giám sát việc giải quyết của các cơ quan chức năng.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, công tác dân nguyện đã thật sự là cầu nối giữa cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước với cử tri và nhân dân, được cử tri và nhân dân cả nước ngày càng ghi nhận, tin tưởng.
Đặc biệt, từ Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, công tác dân nguyện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận báo cáo hằng tháng, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hành, làm tốt vai trò cơ quan dân cử; đồng thời tăng cường trách nhiệm đầu mối của Ban Dân nguyện trong công tác phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, tại kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá Quốc hội các khóa luôn nắm vững đường lối, quan điểm và các chủ trương, chính sách của Đảng để thể chế hóa thành luật pháp và vận dụng đúng đắn vào các hoạt động của Quốc hội. "Đó là kết quả của sự gắn bó mật thiết giữa Quốc hội với nhân dân, nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, làm cho Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, những người làm công tác dân nguyện trước hết phải nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thật sự tâm huyết, trách nhiệm cao, công tâm, khách quan, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng; có khả năng phân tích, tổng hợp vấn đề, khả năng thuyết phục, động viên, hướng dẫn; kiên trì đeo bám đến tận cùng của vấn đề; thường xuyên lắng nghe, vận dụng tối đa các hình thức để tiếp nhận thông tin.
Bên cạnh đó, Ban Dân nguyện phải chủ động phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành cơ quan Trung ương và các địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu lãnh đạo, cán bộ, công chức Ban Dân nguyện thường xuyên cập nhật, nghiên cứu kỹ các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm nhiều để tổng hợp, tham mưu cho chắc, cho đúng, cho kịp thời; duy trì nền nếp, kỷ cương công tác, dân chủ, đoàn kết, động viên nhau, trí tuệ, trách nhiệm hết mình với công việc.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ tin tưởng, Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của cử tri và nhân dân cả nước, góp phần tích cực vào việc đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, để Quốc hội luôn xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.
Nguồn: Báo CAND