Sáng 10/10, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị Chuyển đổi số lần thứ Nhất và công bố Ngày Chuyển đổi số ngành Công an. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số và lãnh đạo các bộ, ban, ngành.
Về phía Bộ Công an có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ Công an, chủ trì hội nghị; các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới Công an các đơn vị, địa phương và truyền hình trực tiếp trên kênh ANTV của Cục Truyền thông CAND.
Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
Phát biểu khai mạc hội nghị và công bố Ngày Chuyển đổi số ngành Công an, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Chương trình “Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10” và trực tiếp truyền đi thông điệp “ Vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng” tới toàn thể người dân. Qua sự kiện này khẳng định quyết tâm của Chính phủ lấy chuyển đổi số là định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới với mục tiêu lấy người dân là trung tâm phục vụ, khoa học – công nghệ là phương thức thực hiện dựa trên nền tảng các quy định của pháp luật.
Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia và Thông điệp của Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã thống nhất lấy Ngày chuyển đổi số Quốc gia ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số của ngành Công an.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định: Quán triệt các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, trong nhiều năm qua, lực lượng Công an luôn xác định vai trò gương mẫu đi đầu trong cải cách hành chính, lấy người dân là trung tâm phục vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Trong chuyển đổi số, Bộ Công an đã nhanh chóng thành lập các Ban chỉ đạo ở các cấp từ Bộ đến Công an các địa phương; ban hành Chương trình Chuyển đổi số trong CAND đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và ban hành Kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng năm để thống nhất triển khai thực hiện trong toàn lực lượng CAND.
Năm 2022, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số, đặt ra 7 nhóm lĩnh vực công tác với 32 nhiệm vụ cụ thể; kết quả thực hiện trong 9 tháng năm 2022 đã đạt được nhiều thành tựu tích cực trên các lĩnh vực: Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý; phát triển các ứng dụng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và CCCD; cung cấp Dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin điện tử của ngành Công an và các bộ, ngành, địa phương....
Đặc biệt, trong ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và CCCD, lực lượng Công an đã cung cấp cho người dân nhiều tiện ích rất thiết thực về định danh nhân thân, sử dụng dịch vụ y tế, giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt... và trong thời gian tới sẽ tiếp tục cung cấp thêm nhiều tiện ích khác phục vụ đời sống của người dân, góp phần xây dựng công dân số, xã hội số, kinh tế số.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại hội nghị.
“Những kết quả nêu trên của lực lượng Công an là rất cơ bản, quan trọng, nhưng nhiệm vụ ở phía trước còn lớn, nhiều khó khăn, trước mắt phải hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra trong Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022, tạo nền tảng cho những năm tiếp theo nhằm thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”- Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã công bố các Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo về chuyển đổi số Bộ Công an và công bố kết quả các nhóm tiện ích đã cung cấp cho người dân, các nhóm tiện ích đang triển khai và những tiện ích sẽ triển khai trong năm 2023.
Theo đó, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số Bộ Công an do Bộ trưởng Tô Lâm là Trưởng Ban chỉ đạo; Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc là Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo; các đồng chí Thứ trưởng: Trần Quốc Tỏ, Lương Tam Quang, Lê Quốc Hùng, Lê Văn Tuyến, Nguyễn Văn Long là Phó Trưởng Ban. Ủy viên Ban chỉ đạo gồm 12 đồng chí là Thủ trưởng các đơn vị chức năng của Bộ Công an.
Cùng với việc thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo về chuyển đổi số Bộ Công an, tại 63/63 Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số để triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo về chuyển đổi số Bộ Công an nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong toàn lực lượng CAND.
Ngay sau khi thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số ở các cấp Công an, ngày 25/5/2022, đồng chí Bộ trưởng đã ký Quyết định số 3750/QĐ-BCA ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số Bộ Công an với 7 nhóm lĩnh vực gồm 32 nhiệm vụ cụ thể, giao cho các Cục nghiệp vụ và Công an địa phương triển khai. Đến tháng 9/2022, toàn lực lượng Công an đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ và phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu đề ra trong những tháng cuối năm 2022.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại hội nghị.
Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5/9/2022 quy định về định danh, xác thực điện tử và đang tích cực tham mưu với Chính phủ xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung 19 Nghị định có liên quan đến xuất trình sổ Hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính. Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra an ninh, an toàn thông tin hệ thống công nghệ thông tin các bộ, ngành, địa phương và kiến nghị các giải pháp bảo đảm kết nối an toàn với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.
Bộ Công an đã hoàn thành cung cấp 192/227 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Công an trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, trong đó có 9 dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06. Nhiều dịch vụ công trực tuyến của ngành Công an đã nhận được sự hưởng ứng của nhân dân như: Đăng ký lưu trú; Cấp hộ chiếu phổ thông; Đăng ký phương tiệp giao thông đến Công an cấp xã…
“Các thủ tục hành chính thiết yếu, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Công an đã được minh bạch hóa; lực lượng Công an đã thực hiện cam kết đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin.
Hiện lực lượng CAND tiếp tục rà soát bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và cấp CCCD gắn chip điện tử cho công dân (đạt 89,6%), đồng thời đưa vào hoạt động hệ thống định danh và xác thực điện tử; tích hợp thông tin thiết yếu của người dân trong CCCD gắn chip, ứng dung VNEID…
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định: Có thể khẳng định những kết quả phục vụ chuyển đổi số nêu trên tuy mới là những kết quả bước đầu, nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương và ứng dụng CCCD, VNEID, hệ thống định danh và xác thực điển tử để cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Đến thời điểm này, ngành Công an đã cung cấp 6 tiện ích cho xã hội, gồm: Sử dụng tài khoản định danh điện tử thực hiện dịch vụ công; Sử dụng thẻ CCCD, VNEID thay thế cho Thẻ bảo hiểm xã hội; Sử dụng Thẻ CCCD thay thế Thẻ ATM; Chấm điểm tín dụng phục vụ cho vay tín chấp; Kết nối với Hợp đồng điện tử xác thực phục vụ thu thuế và truy thu thuế; Làm sạch thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin thuê bao di động.
Đến cuối năm 2022, ngành Công an sẽ cung cấp toàn bộ 227/227 dịch vụ công trực tuyến (62 dịch vụ công trực tuyến một phần, 165 dịch vụ công trực tuyến toàn trình) để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trên môi trường điện tử; phối hợp cung cấp 2 dịch vụ công liên thông về đăng ký khai sinh, khai tử và 28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2022; Cung cấp chữ ký số miễn phí, cấp mã an sinh… cho người dân; Tạo lập tài khoản ngân hàng gắn với số điện thoại, mã số thuế để thực hiện thu thuế và truy thu thuế; tích hợp Bằng lái xe trên ứng dụng VNEID.
Xây dựng công dân, xã hội, kinh tế số, quản trị thông minh
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những thành tích, kết quả Bộ Công an đã đạt được trong thực hiện Đề án 06 và nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian qua. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc để xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia số, phát triển và thịnh vượng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một thành phần trong 3 đột phá chiến lược là "Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số". Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự hội nghị.
Hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, Chính phủ lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đây cũng là hoạt động thường niên để đánh giá kết quả chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong năm và chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm mới, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ Công an lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số của ngành Công an, đây là hành động rất thiết thực hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, thể hiện quyết tâm chính trị của toàn lực lượng CAND trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Thủ tướng cho rằng, quá trình chuyển đổi bao giờ cũng rất khó khăn và chuyển đổi số thì càng khó khăn hơn, vì đây là phương thức phát triển mới, là vấn đề chưa có tiền lệ, phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Thời gian qua, Bộ Công an đã quyết liệt hành động, khẳng định vai trò tiên phong, nòng cốt và quyết tâm chính trị trong quá trình chuyển đổi số công tác quản lý dân cư, đặc biệt thể hiện qua việc triển khai Đề án 06, một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Tô Lâm và các đại biểu tham quan gian trưng bày chuyển đổi số của Bộ Công an.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương, với sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vất vả, nỗ lực hết mình phục vụ nhân dân của lực lượng CAND thời gian qua.
“Những đóng góp của các đồng chí đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của lực lượng CAND trong giai đoạn hiện nay”- Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế và khó khăn, thách thức Bộ Công an đang phải đối mặt, đồng thời khẳng định: Bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chưa từng có tiền lệ và khó dự báo. Nhiệm vụ triển khai chuyển đổi số quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó. Việc ngành Công an tổ chức Hội nghị về chuyển đổi số hôm nay mới chỉ là những bước đầu, còn rất nhiều việc phải làm phía trước. Thủ tướng đề nghị Bộ Công an cần thống nhất nhận thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, tiếp tục thực hiện tốt vai trò thường trực trong tổ chức triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Thủ tướng biểu dương Bộ Công an tiên phong, hiệu quả trong chuyển đổi số quốc gia, thực hiện Đề án 06.
Thủ tướng lưu ý, Bộ Công an tiếp tục ứng dụng hiệu quả hệ thống định danh và xác thực điện tử để khai thác thông tin của chủ thể danh tính điện tử phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; phục vụ các dịch vụ định danh và xác thực điện tử cho cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương phục vụ giải quyết thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công theo hướng đơn giản, thuận lợi, giảm phiền hà cho người dân, qua đó giúp người dân, doanh nghiệp thấy được những lợi ích thiết thực của Đề án 06, góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số, quản trị thông minh.
“Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận. Các dịch vụ hành chính công của ngành Công an là những dịch vụ rất gần gũi, sát thực với người dân, số lượng thực hiện lớn, nên Bộ Công an cần phát huy tính tiên phong để tạo sức lan tỏa. Người dân tham gia thì chính sách pháp luật bảo vệ cho người dân mới thực sự hiệu quả, có ý nghĩa”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ về quy mô, quy trình thủ tục xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn quốc gia đảm bảo kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an ninh mạng, an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin các bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là các hệ thống kết nối phục vụ chuyển đổi số quốc gia; nghiên cứu ứng dụng công nghệ số và các sản phẩm của cuộc cách mạng khoa học lần thứ 4 trong công tác nghiệp vụ ngành Công an nhằm đảm bảo các yêu cầu phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo điều hành của lực lượng Công an với các Trung tâm chỉ huy, chỉ đạo, xử lý điều hành thông tin đa nhiệm; hỗ trợ chỉ huy và triển khai công tác nghiệp vụ, giữ gìn an ninh trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm của ngành Công an một cách tổng thể; Đáp ứng yêu cầu quản trị xã hội thông minh theo chức năng quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của lực lượng Công an.
Tại hội nghị, Thủ tướng đã gợi mở ngành Công an cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp để thu hút chuyên gia, nhân lực chất lượng cao về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào phục vụ trong ngành Công an. Đồng thời, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ thành công của các quốc gia tiên tiến để thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số ngành Công an, tạo sự lan tỏa góp phần xây dựng Chính phủ số, công dân số, nền kinh tế số, xã hội số.
Thủ tướng tin tưởng rằng, với những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của Bộ Công an trong chuyển đổi số quốc gia sẽ được hưởng ứng, đón nhận một cách tích cực từ các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; lực lượng CAND sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức để trở thành người chiến sĩ xung kích trên mặt trận chuyển đổi số; tiếp tục nêu cao và làm tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ CAND "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Nguồn: Báo CAND