Sự tin tưởng quay ngoắt sang với các nhóm, cá nhân đi thiện nguyện. Ai cũng tin rằng các nhóm này minh bạch tuyệt đối, thế là chuyển khoản vèo vèo không cần đắn đo.
Những người nổi tiếng như ca sĩ, nghệ sĩ thường kêu gọi được nhanh nhất, trong đó có ca sĩ thu hút được hàng trăm tỷ đồng. Hình ảnh ca sĩ lội nước đi phát tiền cho dân miền Trung làm người xem càng rơi nước mắt.
Đánh đùng một phát, có người đàn bà đẹp nằm mơ kể lại rằng một nghệ sĩ vua hài quyên góp được 13 tỷ suốt nửa năm mà chưa chịu đi phát cho đồng bào lũ lụt miền Trung. Tưởng mơ mà đúng thật. Vua hài thanh minh rằng dịch bệnh đã cản bước anh. Ngay sau đó anh âm thầm chuyển hết số tiền trên cho MTTQ.
Vẽ sơ đồ dòng tiền thế này, ban đầu người dân lưỡng lự trước MTTQ, gửi trọn niềm tin vào vua hài. Vua hài lại mang đi chuyển cho MTTQ. Biết thế này chuyển luôn từ đầu tới MTTQ có phải hơn không? Nói gì thì vẫn phải công nhận MTTQ vẫn là "nhạc trưởng" của công tác cứu trợ xưa nay.
Vua hài quả thật vui tính. Khi tiền chảy vào tài khoản thì bảo có dịch, không đi phân phát được. Những ngày này là đỉnh dịch COVID-19 lần thứ tư với bao lo lắng ái ngại với chủng mới siêu lây nhiễm thì vua hài lại giải ngân thần tốc.
Một số nghệ sĩ khác cũng gặp rắc rối trong việc nhận tiền và cứu trợ khiến các Bồ Tát bình dân cảm thấy như niềm tin của mình đặt nhầm chỗ để ai đó mua bán.
Một số cư dân mạng vui tính tổ chức chụp ảnh châm biếm. Trời nắng thiêu đốt mà họ leo lên mái nhà mặc áo phao ôm thùng mì ăn liền. Ý rằng đang chờ đoàn cứu trợ lũ lụt. Lúc nước ngập mái nhà chả thấy vua hài cứu trợ đâu. Nước rút nửa năm rồi lại đi cứu trợ thần tốc. Cho dù biện minh cách nào thì vụ giải ngân này quá ê chề. Thần tượng gãy vụn trong lòng người hâm mộ.
Việc thiện đâu có dễ. NSND Kim Cương nói: "Giờ tôi không còn đi hát nên mới rảnh rang có nhiều thời gian lo cho công tác thiện nguyện. Chớ mấy em còn đi hát, làm từ thiện cực lắm vì mất nhiều thời gian mới đảm bảo làm tốt được". Con sâu làm rầu nồi canh nhưng cũng làm cho hình ảnh nghệ sĩ bị tổn hại đáng kể. Các Bồ Tát bình dân bắt đầu dao động xem nên gửi niềm tin cho ai. Trái tim lầm chỗ không nên tái diễn. Người ta ái ngại rằng cứ như này rồi nghệ sĩ không dám làm từ thiện nữa. Rồi ai sẽ cứu người dân?
Ô hay! Không có nghệ sĩ thì dân bị bỏ mặc sao? Trong tất cả hoạn nạn thiên tai, dịch bệnh, MTTQ luôn là cơ quan cứu trợ nhận được sự đồng lòng ủng hộ với với nguồn nhân lực, vật lực, tài lực cao nhất. Không có gì quá khi gọi cơ quan này là Bồ Tát.
Khi dịch COVID-19 đe dọa toàn dân, có doanh nghiệp không chỉ đóng góp tiền mà còn đầu tư sản xuất máy thở và đã tặng cho ngành y tế hàng nghìn máy. Đóng góp một phần cho cuộc chiến chống dịch chung đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia chống dịch tốt nhất thế giới. Bên cạnh đó họ cũng đầu tư cho sản xuất vaccine chống COVID-19. Đó không phải là cứu nước cứu dân sao?
Trong cứu trợ khẩn cấp, không hề nói quá khi gọi những Bồ Tát hàng đầu là các lực lượng Quân đội, Công an. Họ dành cả tuổi thanh xuân và cả tính mạng để bảo vệ sự an toàn của nhân dân. Hãy nhớ lại ở Thủy điện Rào Trăng. Ở đó hàng chục chiến sĩ đã hy sinh. Ở đó, chúng ta mất đi cả một vị tướng.
Các đoàn cứu trợ tự phát chỉ có thể tiếp cận những nơi an toàn, chỉ có cán bộ chiến sĩ Quân đội, Công an, y tế vào những nơi nguy hiểm nhất.
Ngay thời điểm đỉnh dịch COVID-19 trong nắng nóng trên 40 độ, rất nhiều cán bộ y tế đã xỉu vì sốc nhiệt. Nhưng họ không lùi bước.
Có lòng thiện nguyện là tốt, nhưng nếu tự cho mình là quá quan trọng thì sẽ rơi vào dạng ái kỷ, sân, si. Thiện nguyện không phải là ban ơn mà phải xuất phát từ nhu cầu tự thân từ trái tim mình.
Nguồn: Báo CAND