Việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 không chỉ mở ra quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam, mà còn kết thúc hàng thập niên chia rẽ ở Đông Nam Á, khởi đầu một kỷ nguyên mới của ASEAN - một cộng đồng 10 quốc gia đoàn kết trong đa dạng. Kể từ đó, Việt Nam luôn thể hiện vai trò thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm, không ngừng đóng góp cho việc hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử và lan tỏa những câu chuyện thành công của ASEAN.
Lễ thượng cờ ASEAN nhân dịp kỷ niệm 57 năm Ngày thành lập ASEAN và 29 năm Việt Nam tham gia ASEAN.
Ngay từ những năm đầu tham gia, Việt Nam đã cho thấy tinh thần đoàn kết và sự tin cậy trong ASEAN. Vượt qua khác biệt về thể chế chính trị, chênh lệch phát triển kinh tế và rào cản ngôn ngữ, Việt Nam nỗ lực học hỏi, thích nghi các chuẩn mực chung của Hiệp hội. Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998 xảy ra, đây được coi như “phép thử” đầu tiên và Việt Nam đã chứng tỏ mình là một thành viên đáng tin cậy, chung tay cùng các nước vượt qua thách thức. Đặc biệt, với vai trò “cầu nối” tích cực, Việt Nam góp phần quan trọng thúc đẩy kết nạp Lào và Myanmar năm 1997, cũng như Campuchia năm 1999, qua đó hiện thực hóa “giấc mơ ASEAN-10” - tức một ASEAN gồm đầy đủ 10 quốc gia Đông Nam Á đoàn kết, thống nhất.
Nhờ nỗ lực tích cực của Việt Nam, ý tưởng ASEAN-10 đã hoàn tất, các nước trong khu vực gác lại khác biệt để chung tay hợp tác và mở rộng quan hệ với bên ngoài, đưa ASEAN trở thành một hạt nhân của các tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực. Quyết định chiến lược mời Việt Nam tham gia ASEAN và việc Việt Nam chủ động gia nhập tổ chức này đã khép lại thời kỳ đối đầu, chuyển Đông Nam Á sang trang sử mới của gắn kết và hợp tác trong “mái nhà chung” ASEAN.
Trong quá trình đồng hành cùng ASEAN, Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ luân phiên và không ngừng khẳng định vai trò đầu tàu. Chỉ ba năm sau khi gia nhập, Việt Nam đã đảm nhận thành công vị trí chủ nhà Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (tháng 12/1998 tại Hà Nội). Tại hội nghị này, giữa bối cảnh khu vực vừa trải qua khủng hoảng kinh tế, ASEAN đã thông qua Chương trình Hành động Hà Nội – kế hoạch hành động đầu tiên nhằm triển khai Tầm nhìn ASEAN 2020, giúp định hướng và duy trì đà hợp tác khu vực cuối thế kỷ 20.
Bước sang những năm 2000, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tích cực. Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN khóa 34 (7/2000 – 7/2001), Việt Nam đã khởi xướng Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) và thúc đẩy Tuyên bố Hà Nội về Thu hẹp khoảng cách phát triển – đặt nền móng cho các chương trình hợp tác hỗ trợ những nước thành viên mới kém phát triển hơn trong ASEAN. Những nỗ lực này cho thấy đóng góp nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác phát triển, giúp thu hẹp khoảng cách và tăng cường gắn kết nội khối.
Đặc biệt, năm 2010 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong cả năm - lần đầu tiên kể từ khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực. Với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ Tầm nhìn đến Hành động”, Việt Nam đã cùng các nước thành viên biến mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN thành hành động cụ thể. Trong năm này, Việt Nam đề xuất và thúc đẩy thành công việc thành lập Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), tạo diễn đàn hợp tác quốc phòng-an ninh hiệu quả giữa ASEAN với các đối tác lớn.
Đến nay, ADMM+ được đánh giá là một trong những cơ chế hợp tác an ninh thành công bậc nhất, góp phần đối thoại, xây dựng lòng tin trong cấu trúc an ninh khu vực. Cũng tại nhiệm kỳ Chủ tịch 2010, Việt Nam và ASEAN đã quyết định mở rộng thành phần tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) - tiền đề để các cường quốc như Hoa Kỳ, Nga chính thức tham gia EAS từ năm 2011. Những sáng kiến mang tính chiến lược này thể hiện tầm nhìn xa của Việt Nam, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Trên mặt trận kinh tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất ASEAN, đóng góp tích cực vào liên kết kinh tế khu vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và động lực tăng trưởng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng gần 25 lần - từ 3,26 tỷ USD năm 1995 lên tới 83,6 tỷ USD năm 2024, đưa ASEAN hiện trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 về xuất khẩu và thứ 3 về nhập khẩu của Việt Nam.
Nhờ tích cực tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế như Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) và những hiệp định ASEAN+ (FTA với các đối tác), Việt Nam cùng ASEAN đã mở rộng không gian thị trường và thu hút đầu tư, tạo cơ hội cho tăng trưởng xuất khẩu. Đặc biệt, việc ASEAN khởi xướng và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với sự tham gia tích cực của Việt Nam đã mở ra thị trường có tổng GDP 26 nghìn tỷ USD (chiếm 30% GDP toàn cầu) và gần một phần ba dân số thế giới, đem lại lợi ích to lớn cho các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.
Những con số và thành tựu này khẳng định đóng góp nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, vừa thúc đẩy sự thịnh vượng chung của ASEAN, vừa đem lại lợi ích thiết thực cho người dân Việt Nam. Nhờ ASEAN, người dân Việt Nam được hưởng lợi từ nhiều chương trình hợp tác khu vực trong các lĩnh vực như phòng. chống tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác biển, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, giáo dục, lao động, khởi nghiệp, y tế, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh... Những hợp tác đa dạng này đã đóng góp vào phát triển bền vững và bao trùm, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), con đường ra biển ngắn nhất của nước bạn Lào.
Song song với phát triển kinh tế, Việt Nam cũng tích cực đóng góp vào việc giữ vững hòa bình, ổn định khu vực – nền tảng thành công của ASEAN. Trong vấn đề trọng yếu như Biển Đông, Việt Nam luôn kiên định lập trường giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam là một trong những thành viên tích cực, có trách nhiệm nhất trong việc thúc đẩy thực thi đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và kiên trì cùng các nước đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực. Những nỗ lực trên tinh thần xây dựng và thượng tôn pháp luật của Việt Nam đã góp phần quan trọng giữ vững hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở vùng biển chiến lược này. Bên cạnh đó, Việt Nam còn chủ động đề xuất nhiều sáng kiến đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Đặc biệt, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 – giữa lúc đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo xuất sắc với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. Chuỗi sáng kiến “Made by Vietnam” trong năm 2020, như Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN, Khung phục hồi tổng thể ASEAN cùng kế hoạch triển khai và Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (AC-PHEED), đã nhanh chóng được thông qua.
Theo Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, Việt Nam đã thể hiện “vai trò lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt ASEAN ứng phó hiệu quả với đại dịch, thúc đẩy một phản ứng khu vực mang tính tập thể. Các cơ chế do Việt Nam đề xuất không chỉ giúp ASEAN vượt qua khủng hoảng trước mắt, mà còn trở thành tài sản chung lâu dài của khối, góp phần nâng cao năng lực tự cường và khả năng ứng phó của ASEAN trước những tình huống khẩn cấp trong tương lai. Đây là minh chứng tiêu biểu cho thấy Việt Nam luôn chủ động, trách nhiệm trong các vấn đề an ninh chung của khu vực, từ truyền thống đến phi truyền thống.
Có thể nói, hành trình 30 năm qua chứng kiến vai trò của Việt Nam chuyển mình “từ theo kịp đến tiến cùng” ASEAN. Từ một quốc gia bước ra khỏi khó khăn thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một trong những thành viên năng động và có ảnh hưởng nhất của ASEAN. Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn đã đánh giá Việt Nam là ví dụ điển hình cho cách sự tiến bộ của một quốc gia có thể đóng góp vào thịnh vượng chung của cả khu vực.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN giờ đây mang tính tương hỗ, cộng sinh: ASEAN mang lại cho Việt Nam môi trường hòa bình, ổn định và không gian phát triển rộng lớn, trong khi những đóng góp chủ động, trách nhiệm của Việt Nam lại gia tăng sức mạnh đoàn kết và nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế. Không chỉ hoàn thành tốt các trọng trách nội khối, Việt Nam còn tích cực đảm nhiệm vai trò “cầu nối” giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài. Việt Nam đã nhiều lần được tin tưởng giao nhiệm vụ điều phối viên quan hệ giữa ASEAN với các cường quốc (như Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…), qua đó góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại của ASEAN và giữ vững cân bằng chiến lược trong khu vực.
Chặng đường ba thập niên đồng hành cùng ASEAN đã khẳng định tầm nhìn đúng đắn và quyết tâm bền bỉ của Việt Nam trong sự nghiệp hội nhập. Những thành tựu và đóng góp nổi bật của Việt Nam không chỉ làm giàu thêm thành công chung của ASEAN, mà còn giúp Việt Nam trở thành một trụ cột vững chắc của khối. Việt Nam khẳng định niềm tin mạnh mẽ vào tinh thần đoàn kết, hợp tác và giá trị chiến lược của ASEAN, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục là thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm trong xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, bao trùm, tự cường.
Với nền tảng vững chắc đã tạo dựng và quyết tâm hướng tới Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, Việt Nam hứa hẹn sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa cho một ASEAN ngày càng phát triển năng động, bền vững và thịnh vượng, vì lợi ích của mọi người dân trong khu vực.
Hành trình 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN dưới góc nhìn quốc tế
Ba thập kỷ đã trôi qua kể từ dấu mốc lịch sử 28/7/1995 – ngày Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Từ những bước đi đầu tiên của tiến trình hội nhập, Việt Nam hôm nay đã trở thành một thành viên trụ cột, trách nhiệm trong Cộng đồng ASEAN. Những đánh giá từ các nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao khu vực là minh chứng sống động cho vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong cấu trúc hợp tác khu vực và liên kết quốc tế.
Mảnh ghép quan trọng
Tháng 3/2025 ghi dấu một sự kiện đặc biệt, khi lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Ban Thư ký ASEAN. Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn trong một tuyên bố đã khẳng định, chuyến thăm lần đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm là cột mốc lịch sử, thể hiện vị trí quan trọng của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Trước đó, trong những chia sẻ với báo chí, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn từng bày tỏ: “Tôi cho rằng Việt Nam hiện là một quốc gia thành viên vô cùng quan trọng, bởi sự phát triển, chuyển đổi và tăng trưởng của Việt Nam đã đóng góp đáng kể cho ASEAN trên mọi phương diện, biến Việt Nam trở thành một mảnh ghép quan trọng về chính trị, ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hóa và xã hội, từ đó giúp cho ASEAN trở nên vững mạnh, tự cường và năng động hơn”.
Nhà ngoại giao hàng đầu ASEAN cũng khẳng định, khi ASEAN tiến tới việc thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 với 4 kế hoạch chiến lược mới và hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn này, tất cả 10 quốc gia thành viên đều có những đóng góp của riêng mình. Trong đó, Việt Nam không chỉ có nhiều cơ hội mà còn có tiềm năng lớn.
“Trong 30 năm qua, Việt Nam đã làm được rất nhiều điều. Trong 20 năm tới, tôi thật sự tin rằng Việt Nam sẽ vẫn luôn tích cực và hỗ trợ khối hiện thực hóa một cộng đồng ASEAN năng động, sáng tạo, tự cường và lấy người dân làm trung tâm. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam có những nhà lãnh đạo tuyệt vời với tầm nhìn xa. Họ đã thể hiện cam kết, sự cống hiến của mình cho ASEAN. Và theo quan điểm của tôi, ASEAN sẽ luôn là một phần trong chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia thành viên, bao gồm cả Việt Nam”, Tổng Thư ký ASEAN bày tỏ.
Câu chuyện thành công đáng ngưỡng mộ
Không chỉ được nhìn nhận dưới góc độ một thành viên ASEAN, Việt Nam còn được đánh giá là một câu chuyện phát triển thành công, dưới góc nhìn của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim – nước Chủ tịch ASEAN 2025. Là quốc gia đầu tiên trong ASEAN thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam vào tháng 11/2024, sự trân trọng của nhà lãnh đạo Malaysia dành cho Việt Nam được thể hiện đậm nét trong nhiều chia sẻ, như: “Việt Nam với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, chính sách đối ngoại quyết liệt, đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo thành công cho các chương trình hành động của ASEAN”.
Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) 2025 được coi là minh chứng sống động cho nhận xét này của nhà lãnh đạo Malaysia. Trong cuộc trả lời phỏng vấn bên lề diễn đàn, ông Anwar Ibrahim khẳng định, “các đề xuất, khuyến nghị đưa ra tại AFF do Việt Nam tổ chức không chỉ đóng góp tích cực cho năm Chủ tịch ASEAN 2025 của Malaysia; mà còn thể hiện vai trò trung tâm của Việt Nam trong hành trình phát triển của khu vực”.
Đáng chú ý, trong bài phát biểu dẫn đề phiên toàn thể AFF 2025, Thủ tướng Malaysia đã gợi nhắc kỷ niệm từng đến Việt Nam khi còn trẻ, từ đó bày tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao tinh thần của nhân dân Việt Nam trong mọi giai đoạn. “Chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã thể hiện được sự bền bỉ trong an ninh kinh tế và lương thực, công nghệ, công nghiệp hóa và khả năng điều hướng các mối quan hệ ngoại giao hàng đầu”, Thủ tướng Anwar Ibrahim khẳng định Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công đáng ngưỡng mộ, là minh chứng cho hành trình vươn lên từ nghèo khó; và giờ đây là quốc gia đang phát triển, có thể tăng cường phát triển kinh tế hiện đại.
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 vừa diễn ra, Thủ tướng Malaysia còn một lần nữa khẳng định với Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Việt Nam có vị trí đặc biệt trong trái tim của chúng tôi”. Câu nói vừa thể hiện sự gần gũi, trân quý, vừa cho thấy vị thế được nâng cao hơn của Việt Nam trong khu vực.
Vai trò trụ cột trong ASEAN
Năm 2024, khi Lào đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đồng hành và hỗ trợ hết mình. Bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 44-45, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã có cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong đó khẳng định thành công của Lào trong vai trò Chủ tịch ASEAN có đóng góp quan trọng của Việt Nam. Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Việt Nam đã ủng hộ, giúp đỡ hết sức mình để Lào hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN và Hội nghị AIPA năm 2024. Nhà lãnh đạo Lào nhấn mạnh thành công này không chỉ là của riêng Lào mà còn là thành công chung của hai nước Việt-Lào.
Theo Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh, trong suốt 30 năm qua, Việt Nam đã khẳng định vai trò là một quốc gia năng động, có trách nhiệm và là một trong những trụ cột quan trọng trong khối ASEAN. Việt Nam thực sự là một người bạn, một đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, góp phần quan trọng vào việc củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Nhìn lại 30 năm tham gia ASEAN, Việt Nam không chỉ là nước có trách nhiệm chung trong ASEAN, mà còn là thành viên nổi bật trong việc thúc đẩy phát triển ASEAN, là nước phấn đấu hợp tác giải quyết các vấn đề khu vực và thế giới.
Trong giai đoạn chuyển mình đầy ý nghĩa của ASEAN, Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh nhận định Việt Nam giữ một vị trí chiến lược và vai trò dẫn dắt trong nhiều mặt hoạt động của ASEAN. Trước hết, Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động và sáng kiến hợp tác của ASEAN. Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất vào quá trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, với định hướng hướng tới một Cộng đồng hòa bình, ổn định, tự cường, sáng tạo và phát triển bền vững. Việt Nam còn giữ vai trò cầu nối và thúc đẩy sự gắn kết giữa các quốc gia thành viên, đóng góp vào việc củng cố đoàn kết và đồng thuận nội khối, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược trong 3 trụ cột cộng đồng ASEAN như chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.
30 năm không chỉ là một hành trình hội nhập, mà còn là quá trình khẳng định bản lĩnh và vị thế của Việt Nam trong mái nhà chung ASEAN. Từ những bước đi đầu tiên, Việt Nam đã tham gia mạnh mẽ, trở thành một quốc gia chủ động, tích cực và trách nhiệm – một trụ cột không thể thiếu trong cấu trúc khu vực. Những đánh giá tích cực từ các nhà lãnh đạo và chuyên gia không chỉ là sự ghi nhận, mà còn là sự tin tưởng và kỳ vọng vào vai trò và nỗ lực của Việt Nam trong việc kiến tạo một ASEAN đoàn kết, tự cường, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm.
Trong bối cảnh ASEAN hướng tới Tầm nhìn 2045, Việt Nam không chỉ mang theo hành trang của ba thập kỷ đóng góp, mà còn sẵn sàng cùng ASEAN viết tiếp tương lai, với vai trò dẫn dắt nhiều hơn nữa trong những vấn đề quan trọng của khu vực.
Nguồn: Báo CAND