"Omicron có vẻ như ít nghiêm trọng hơn Delta, đặc biệt là ở những người đã tiêm chủng đầy đủ, nhưng điều đó không có nghĩa nó có thể được đánh giá là (biến chủng) nhẹ", Reuters ngày 6/1 dẫn lời Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ.
Theo người đứng đầu cơ quan y tế toàn cầu trực thuộc Liên Hợp Quốc, Omicron có tốc độ lây lan nhanh và mức tăng kỉ lục số ca nhiễm mới do biến chủng này đang khiến các bệnh viện bị quá tải.
"Cũng giống như các biến chủng trước đó, Omicron đang khiến nhiều người nhập viện và nó vẫn có thể giết người", ông Tedros cảnh báo.
Trong báo cáo dịch tễ hàng tuần, được công bố ngày 6/1, WHO cho biết các trường hợp mắc COVID-19 đã tăng 71%, tương đương 9,5 triệu ca trong tuần tính đến ngày 2/1 so với một tuần trước đó, trong khi số ca tử vong giảm 10%, tương đương 41.000 người.
Tuy nhiên, ông Tedros đánh giá con số này chưa phản ánh chính xác tình hình thực tế bởi tình trạng tồn đọng xét nghiệm sau dịp lễ Giáng sinh, năm mới, các xét nghiệm dương tính không được thống kê và những trường hợp bị bỏ sót do hệ thống theo dõi quá tải.
Tổng Giám đốc WHO một lần nữa lặp lại lời kêu gọi của mình về thúc đẩy sự công bằng lớn hơn trên toàn cầu trong việc phân phối và tiếp cận vaccine phòng COVID-19.
Dựa trên tốc độ tiêm vaccine hiện tại, ông Tedros lo ngại 109 quốc gia sẽ không đạt mục tiêu của WHO là 70% dân số thế giới được tiêm chủng đầy đủ vào tháng 7/2022.
Cũng trong họp báo ngày 6/1, bà Maria van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO ứng phó dịch COVID-19, cho biết, một biến chủng khác, được định danh B.1.640, đang nằm trong số những biến thể đang được WHO giám sát nhưng chưa phổ biến như Omicron hay Delta.
Bà Van Kerkhove nhận định, Omicron có thể sẽ không phải là biến chủng đáng lo ngại cuối cùng trước khi đại dịch kết thúc. Bà kêu gọi mọi người tăng cường các biện pháp bảo vệ bản thân, bao gồm việc đeo khẩu trang đúng cách. "Khẩu trang phải che cả mũi và miệng chứ để đeo ở dưới cằm thì vô ích", bà Van Kerkhove kêu gọi.
Nguồn: Báo CAND