Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Ukraine và Đức đề xuất sớm nối lại cuộc gặp cấp Ngoại trưởng các nước nhóm Normandy

Ngày 1/4, Tổng thống Ukraine Petro Poroschenko và Thủ tướng Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với nội dung đáng chú ý là đề cập tới việc nối lại cuộc gặp cấp Ngoại trưởng các nước nhóm Normandy (gồm: Nga, Đức, Ukraine và Pháp) nhằm thảo luận về tình hình tại miền Đông Ukraine và kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế tới khu vực này.

Thông cáo báo chí được đăng tải trên trang web của Tổng thống Ukraine, ngày 1/4 nêu rõ: “Ông Petro Poroschenko và bà Angela Merkel đã nhất trí tổ chức một cuộc gặp cấp Ngoại trưởng các nước nhóm Normandy trong thời gian gần nhất nhằm thảo luận về các vấn đề nổi bật liên quan tới tiến trình thực thi các thỏa thuận Minsk và triển khai phái đoàn gìn giữ hòa bình tới vùng Donbass”.

Trung tuần tháng 3/2015, nhà lãnh đạo Ukraine đã đệ trình lên Quốc hội nước này một dự luật kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Hội đồng châu Âu ủy quyền cử một phái bộ gìn giữ hòa bình tới Đông Ukraine. Tuy nhiên, sáng kiến này hiện còn đang gây nhiều tranh cãi và vấp phải nhiều “câu hỏi” từ phía Nga vì cho rằng các thỏa thuận Minsk được Kiev và lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraine thông qua có quy định chỉ các nhân viên từ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) mới được giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn và di dời vũ khí hạng nặng của các phe phái xung đột tại vùng Donbass.

Các cuộc họp trong khuôn khổ nhóm Normandy lần đầu tiên được tổ chức tại Pháp vào tháng 6/2014 với kỳ vọng sẽ mang lại giải pháp chấm dứt các hành vi thù địch tại miền Đông Ukraine. Trong cuộc họp kéo dài nhiều giờ đồng hồ tại Minsk (Belarus) hồi trung tuần tháng 2/2015, lãnh đạo các nước nhóm Normandy đã thông qua một thoả thuận gồm 13 điểm nhằm chấm dứt chiến sự tại miền Đông Ukraine, trong đó có việc di dời vũ khí hạng nặng khỏi khu vực giới tuyến, trao đổi tù nhân theo cơ chế “tất cả đổi lấy tất cả” và trao quy chế đặc biệt cho các khu vực ly khai tại miền Đông Ukraine… Tuy nhiên cho tới nay, việc thực hiện các thỏa thuận này vẫn chỉ dừng lại ở mức độ khiêm tốn cùng với việc các phe phái đối lập tại miền Đông Ukraine đã nhiều lần cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 31/3, Tư lệnh Lực lượng Cảnh sát Nhân dân của Cộng hòa Nhân dân tự xưng Luhansk (LPR) thuộc miền Đông Ukraine, ông Sergey Kozlov cho biết các hoạt động diễn ra gần đường giới tuyến phân chia giữa lực lượng quân đội chính phủ và lực lượng đòi độc lập của LPR đang phát đi tín hiệu cho thấy, có vẻ như chính quyền Kiev đang chuẩn bị cho một giai đoạn chiến tranh ác liệt mới. “Tình hình chiến sự đang diễn biến phức tạp. Quân đội Ukraine đang tăng cường lực lượng tới các khu vực đông dân như Stanitsa Luhanskaya, Schastye, Tryokhizbyonka và Zolotoye” – ông Kozlov nói, đồng thời lưu ý thêm rằng quân đội chính phủ đã tái triển khai xe bọc thép, gồm cả xe tăng tới các khu vực này.

Theo ghi nhận của các tổ chức quan sát quốc tế, việc thực thi các thỏa thuận do nhóm Normandy thông qua trong cuộc họp diễn ra hồi trung tuần tháng 2/2015 tại Minsk (Belarus), xét trong một chừng mực nào đó, rõ ràng đã làm giảm bớt các hành vi thù địch giữa quân đội chính phủ và lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa rằng tiếng súng tại khu vực vốn đang trở thành tâm điểm “nhức nhối” của châu Âu này đã chấm dứt và những con số thống kê về trường hợp thương vong trong dân thường tại miền Đông Ukraine đã khép lại. Trong bối cảnh trên, những lời cáo buộc mới nhất của đại diện LPR về việc Kiev đang “âm thầm” chuẩn bị cho một giai đoạn chiến tranh mới tại miền Đông Ukraine không khỏi khiến dư luận lo ngại và những nỗ lực trung gian hòa giải quốc tế hiệu quả, trong đó có từ các nước thuộc nhóm Normandy – vốn đóng vai trò chi phối quan trọng trong cuộc khủng hoảng tại Đông Ukraine, lại càng trở nên cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.

Trích nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

Gửi cho bạn bè