Phản ứng trước chiến thắng của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong cuộc bầu cử Hạ viện của đảng Nhân dân tự do và dân chủ (VVD), ngày 16-3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định, “các cuộc thánh chiến sẽ sớm bắt đầu ở châu Âu”. Bên cạnh đó, quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhấn mạnh rằng, các chính trị gia Hà Lan “đang kéo châu Âu về phía vực thẳm”.
Những tuyên bố trên của Ngoại trưởng Cavusoglu được đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Liên minh châu Âu (EU) đang lún sâu vào “vòng xoáy” chỉ trích lẫn nhau sau khi Đức, Hà Lan, Đan Mạch không chấp nhận cho các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tới các nước này để vận động chính trị, kêu gọi người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Tổng thống Tayip Reccep Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp dự kiến diễn ra vào ngày 16-4 tới. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đã bắt đầu trả lại 40 con bò Holstein Friesian nhập khẩu từ Hà Lan vì giống bò này “đang gây ra các vấn đề nghiêm trọng”, bất chấp việc chúng “đã trở thành mặt hàng phổ biến” tại “Xứ sở muôn hoa”.
Hiệp hội các nhà sản xuất thịt đỏ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lô bò đầu tiên đã được đưa lên tàu để vận chuyển về Hà Lan, và khẳng định không muốn sử dụng bất kỳ sản phẩm động vật nào khác từ đất nước này. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp cấm vận kinh tế chống lại Hà Lan, tuy nhiên sẽ không rút đại sứ nước này tại Hà Lan về, và sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với lãnh đạo Hà Lan.
|
Người gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Âu trong một cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Erdogan. Ảnh: RT
|
Tuy nhiên, các cá nhân không liên quan tới các cơ quan chính phủ của Hà Lan sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt này. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik giải thích: “Người dân Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ hữu nghị lâu đời và hợp tác rất gần gũi trong lĩnh vực thương mại.
Tuy nhiên, chính phủ Hà Lan phải chịu trách nhiệm về những điều sai lầm đã xảy ra”. Ông Celik đồng thời bác bỏ những thông tin cho rằng Ankara cố tình đẩy căng thẳng ngoại giao với Amsterdam leo thang nhằm mục đích trục lợi cho cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp vào tháng 4 tới.
Cùng ngày, chính quyền Ankara tuyên bố đã đến lúc cần “xem xét lại” thỏa thuận với khối này về hạn chế dòng người di cư nước ngoài kéo tới đây, cho rằng, đây chỉ là một “thỏa thuận suông”. Bộ trưởng Celik cho rằng, Ankara đã thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết trong thỏa thuận đạt được với EU hồi tháng 3-2016, ngược lại khối này đã “không giữ lời hứa”.
Cụ thể, EU không muốn áp dụng quy chế miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ theo điều khoản đã cam kết trong thỏa thuận nói trên. Trong khi đó, Ngoại trưởng Cavusoglu cho hay, Ankara có thể hủy bỏ thỏa thuận do EU đã lãng phí quá nhiều thời gian của chúng tôi liên quan đến vấn đề nới lỏng thị thực cho người Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ còn áp dụng bản thỏa thuận nữa và cũng đang đánh giá lại một thỏa thuận khác về người tị nạn. Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2013 đã chấp thuận tiếp nhận những người di cư trái phép đến EU để đổi lại cam kết miễn visa du lịch. Hồi năm ngoái, nước này tiếp tục nhất trí chặn dòng người di cư bất hợp pháp đến châu Âu để nhận các hỗ trợ tài chính và đẩy nhanh các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU.
Rõ ràng, dẫu biết rằng EU đã “nhử” họ bằng chiêu bài đàm phán gia nhập khối này, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đặt niềm tin vào “củ cà rốt” ấy kể từ khi chính thức là ứng viên xin gia nhập hồi tháng 12-1999 đến nay.
Nhưng cuối cùng thì hy vọng đó cũng dần dần tan biến. Về phía EU, các nhà lãnh đạo khối này hôm 15-3 đã chỉ trích gay gắt những phát biểu mới đây của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ khi so sánh Đức, Hà Lan với phát xít, rằng, họ cảm thấy bị xúc phạm bởi những phát biểu như vậy.
Giới chức EU đồng thời chỉ ra rằng, những phát ngôn kiểu như vậy là “hoàn toàn xa rời thực tế” và đang dần đẩy Ankara rời xa khỏi mục tiêu gia nhập EU, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn trở thành thành viên của khối này.
Giới phân tích chỉ ra rằng, sự xuống cấp trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU đang đẩy Ankara tới càng gần Nga hơn, khi quan hệ giữa hai nước này đang có dấu hiệu nồng ấm trở lại kể từ sau vụ chiến đấu cơ Su-24. Tuy rằng điều này không có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ cùng hướng về một phía trong mọi vấn đề, nhưng ít nhiều làm họ nhận ra được họ cần nhau như thế nào.
Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy “dễ chịu” hơn với đối tác Nga vì Moscow không giống các nước phương Tây khác. Chưa bao giờ Nga can thiệp vào chính nội bộ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Còn đối với Nga, trong bối cảnh đang chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây và bị hạn chế khả năng nhập khẩu lương thực vì cấm vận đối với các sản phẩm của phương Tây, nên quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ lại càng quan trọng.
Trích nguồn: Báo CAND
Biên tập: Đỗ Thu ( T2)