Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 23-3 và hai người đã đạt được đồng thuận chiến lược.
Tại cuộc họp lần thứ 51 ở Quế Lâm, miền Nam Trung Quốc, ông Vương Nghị và Ngoại trưởng Lavrov đã đưa ra tuyên bố chung về quản trị toàn cầu. Cuộc gặp và tuyên bố chung này diễn ra sau cuộc họp ở Alaska trong đó các quan chức ngoại giao Trung Quốc và Mỹ không đạt được tuyên bố chung nào.
Ông Vương cho biết, Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với Nga về việc thiết lập cơ chế thừa nhận lẫn nhau đối với quy tắc y tế có tính đến các mối quan tâm chung và thông qua tham vấn hữu nghị. Hai bên sẽ làm sâu sắc hơn nữa hợp tác vaccine, phản đối việc chính trị hóa vắc xin và giúp vắc xin dễ tiếp cận hơn với các nước đang phát triển. Hai ngoại trưởng đã ký các thỏa thuận hợp tác song phương, kêu gọi cộng đồng quốc tế gác lại những khác biệt, đạt đồng thuận, tăng cường phối hợp và bảo vệ hòa bình thế giới và ổn định địa chính trị.
|
Cuộc hội đàm giữa ông Vương Nghị và ông Sergei Lavrov.
|
Ruan Zongze, Phó Chủ tịch điều hành của Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 23-3 rằng tuyên bố chung phản ánh quyết tâm của hai nước trong việc bảo vệ công lý toàn cầu trong một thế giới đa cực tiến bộ, trong khi Mỹ, sử dụng chủ nghĩa đa phương như một sự ngụy tạo, áp đặt hệ tư tưởng và can thiệp vào công việc của các nước khác để duy trì quyền bá chủ của mình.
Đối mặt với những nỗ lực chinh phục các đồng minh của Mỹ, Trung Quốc và Nga không cần phải “nhảy theo nhịp của họ” để hình thành bè phái đối đầu với phương Tây và phát động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, Feng Yujun, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nga tại Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc cho biết.
Liên quan đến hợp tác trong tương lai về việc công nhận lẫn nhau đối với quy định y tế và “hộ chiếu vaccine”, Ruan tin rằng chúng sẽ kích thích trao đổi kinh doanh và thương mại. Ông Feng nói rằng, chúng không nên được công nhận chỉ giữa hai quốc gia, mà nên bao gồm nhiều quốc gia hơn, đặc biệt là phương Tây, trong một cơ chế như vậy, để Trung Quốc và Nga không loại trừ phương Tây trong quản trị toàn cầu và hy vọng Mỹ cũng như các đồng minh cùng suy nghĩ như vậy.
Đây là chuyến thăm thứ 8 của Ngoại trưởng Lavrov tới Trung Quốc trên cương vị Ngoại trưởng Nga và là cuộc gặp lần thứ 51 với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Điều này phản ánh sự phát triển ở mức cao trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung - Nga. Tình hình quốc tế hiện nay đang thay đổi nhanh chóng và sự liên lạc chiến lược cùng sự phối hợp kịp thời giữa Trung Quốc - Nga là quan trọng đối với cả hai nước và có lợi cho thế giới.
Ngoại trưởng Vương nói thêm rằng Trung Quốc và Nga cam kết thực hiện thỏa thuận 4 điểm nhằm thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các nỗ lực của nhau.
Năm nay đánh dấu 20 năm ngày ký Hiệp ước Láng giềng tốt và hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và Nga. Ông Vương cho biết hiệp ước đặt nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển ổn định lâu dài và lành mạnh của quan hệ song phương, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cho chất lượng và tăng trưởng hợp tác.
Khi nói đến trách nhiệm của các nước lớn, ông Vương lưu ý rằng trở thành một quốc gia lớn không có nghĩa là quốc gia đó có vị thế cao hơn hoặc quyền lực lớn hơn những quốc gia khác. Theo ông, các nước lớn nên đi đầu trong việc thúc đẩy bình đẳng, liêm chính và hợp tác, đồng thời kêu gọi các nước lớn đi đầu bằng cách hành động theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ), tôn trọng các quyền hợp pháp của các nước khác, cùng có lợi và tôn trọng luật pháp quốc tế. Các biện pháp trừng phạt đơn phương không có cơ sở trong luật pháp quốc tế và chỉ phục vụ nhu cầu chính trị của một số quốc gia.
Ông nói thêm, cái gọi là các biện pháp trừng phạt dựa trên sự dối trá có thể đưa thế giới trở lại “luật rừng”, điều mà tất cả các quốc gia nên phản đối. Ông Vương Nghị cũng nói rằng các lệnh trừng phạt gần đây của EU đối với Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và Chính phủ Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển.
|
Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Quế Lâm.
|
Về quản trị quốc tế, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng nói với các phóng viên rằng Trung Quốc và Nga sẽ nỗ lực duy trì sự công bằng, công lý quốc tế và xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại. Lưu ý rằng COVID-19 đang thúc đẩy những thay đổi trong bối cảnh quốc tế và trật tự thế giới, hai ngoại trưởng kêu gọi gạt bỏ những khác biệt, tạo sự đồng thuận, tăng cường hợp tác, để duy trì hòa bình thế giới và ổn định địa chiến lược, thúc đẩy việc xây dựng một trật tự quốc tế đa cực công bằng, dân chủ và hợp lý hơn.
Tuyên bố chung nhấn mạnh, không có tiêu chuẩn thống nhất cho các mô hình dân chủ, kêu gọi tôn trọng quyền hợp pháp của các quốc gia có chủ quyền được lựa chọn con đường phát triển của riêng mình. Không thể chấp nhận việc can thiệp vào công việc nội bộ của các nước có chủ quyền với lý do “thúc đẩy dân chủ”.
Họ cũng kêu gọi tất cả các nước xem xét lại các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và kiên quyết bảo vệ hệ thống quốc tế với LHQ làm nòng cốt và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế. Tuyên bố cho biết cộng đồng quốc tế cần tuân thủ các nguyên tắc của chủ nghĩa đa phương cởi mở, bình đẳng và phi ý thức hệ, đồng thời đối thoại nên trở thành phương tiện cơ bản để quản lý các vấn đề quốc tế và cộng đồng quốc tế phải đoàn kết, không chia rẽ và hợp tác, không đối đầu.
Các chuyên gia cho rằng, tuyên bố chung của các ngoại trưởng Trung-Nga về quản trị toàn cầu là một đòn giáng mạnh vào trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc do Mỹ ra lệnh, vì nó nhấn mạnh rằng tất cả các nước cần kiên quyết bảo vệ hệ thống quốc tế với cơ sở là tổ chức LHQ và trật tự quốc tế với luật pháp quốc tế làm nền tảng.
Theo các nhà phân tích, Mỹ đang cố gắng sử dụng định nghĩa của riêng mình về trật tự quốc tế và các giá trị phổ quát để thao túng và kỷ luật các nước khác nhằm bành trướng bá quyền của mình. Đó là lý do tại sao Trung Quốc và Nga, hai Thành viên Thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, phải lên tiếng để phá bỏ độc quyền của Mỹ để thúc đẩy dân chủ hóa các quan hệ quốc tế.
Nguồn: Báo CAND