Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Một dấu mốc hợp tác giữa Việt Nam và Tòa Trọng tài thường trực (PCA)

Minh chứng cho vị thế của Việt Nam

Tổng Thư ký Tòa Trọng tài thường trực (PCA) Marcin Czepelak trong chuyến thăm chính thức Việt Nam đã khai trương Văn phòng đại diện của PCA tại thành phố Hà Nội ngày 22-11. Đây là văn phòng đại diện thứ năm của PCA ngoài trụ sở chính tại thành phố The Hague của Hà Lan. Văn phòng đại diện có nhân viên ở Hà Nội giúp PCA thực hiện nguyên tắc “sẵn sàng phục vụ mọi lúc”, đồng thời giúp Việt Nam và các quốc gia trong khu vực dễ dàng sử dụng các dịch vụ pháp lý của một trong những cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế lâu đời nhất trên thế giới này.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và Tổng Thư ký PCA lúc đó là Marcin Czepelak đã ký Nghị định thư và Thư trao đổi về việc thành lập Văn phòng đại diện PCA tại Việt Nam vào ngày 27-10-2021. Tại lễ ký được tổ chức theo hình thức trực tuyến, hai bên khẳng định việc PCA mở Văn phòng đại diện có nhân viên tại Hà Nội minh chứng cho vị thế của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, cũng như quan điểm ủng hộ nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế một cách hòa bình của Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn (bên phải) tiếp Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak.

PCA là tổ chức liên chính phủ được thành lập năm 1899 tại thành phố The Hague, đến nay có 122 thành viên, trong đó có Việt Nam. PCA được thành lập theo Công ước về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình năm 1899 (Công ước 1899) và Công ước về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình năm 1907 (Công ước năm 1907). PCA hiện có 5 văn phòng đại diện tại các quốc gia, khu vực trên thế giới, gồm Buenos Aires (Argentina), Mauritius, Singapore, Vienna (Áo) và Hà Nội.

PCA ban đầu được thành lập như một định chế, nhằm mục đích giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia với nhau, bao gồm việc giải quyết những vấn đề liên quan đến công pháp quốc tế như chủ quyền lãnh thổ, trách nhiệm quốc gia, giải thích các điều ước quốc tế. Nhiều nguyên tắc được xây dựng từ các vụ án đầu tiên của PCA vẫn còn có giá trị cho đến ngày nay và được viện dẫn bởi những tòa án quốc tế khác, trong đó có Tòa án công lý quốc tế (ICJ).

Từ những năm 1930, PCA dần mở rộng thực hiện việc hòa giải cũng như tiến hành hoạt động trọng tài cho các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia và chủ thể tư khác. Hiện nay, PCA giải quyết các tranh chấp giữa các chủ thể quốc tế, bao gồm: tranh chấp giữa hai hay nhiều quốc gia; tranh chấp giữa một quốc gia với một tổ chức quốc tế; tranh chấp giữa hai hay nhiều tổ chức quốc tế; tranh chấp giữa một quốc gia với thể nhân; tranh chấp giữa một tổ chức quốc tế với một thể nhân.

PCA hiện là nơi thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia trong nhiều lĩnh vực như biên giới lãnh thổ, kinh tế, đầu tư... trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thông qua các hình thức trọng tài, trung gian và hòa giải. Cho đến nay, PCA đã giải quyết một số vụ việc lớn, tiêu biểu là vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc vào năm 2016.

Phán quyết của PCA đưa ra ngày 12-7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines có tác động rất lớn tới giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Theo đó, PCA khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và thực tiễn để đòi chủ quyền ở Biển Đông theo yêu sách “Đường lưỡi bò”, mọi đòi hỏi của Trung Quốc trên vùng biển này là phi pháp và phi lý.

Điều kiện lý tưởng để quảng bá hình ảnh Hà Nội với cộng đồng quốc tế

Sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên PCA năm 2011, quan hệ hợp tác hai bên đã có những phát triển tích cực, PCA duy trì các chuyến thăm và làm việc đến Việt Nam, trong đó có chuyến thăm của Tổng Thư ký PCA tháng 6-2014 với việc hai bên ký Hiệp định nước chủ nhà và thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và PCA. Việt Nam cũng đã cử 4 trọng tài viên tham gia danh sách trọng tài viên của PCA.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak và việc khai trương Văn phòng đại diện tại Hà Nội là một dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai bên. Phát biểu trong buổi tiếp người đứng đầu PCA ngày 21-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hoà bình, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn đề cao chủ nghĩa đa phương, đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có nguyên tắc hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Việt Nam coi trọng và đánh giá cao vai trò của PCA trong việc hỗ trợ các quốc gia giải quyết hoà bình tranh chấp quốc tế bằng thủ tục trọng tài. Thủ tướng ta Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong quá trình hội nhập quốc tế, các nước có trách nhiệm tuân thủ cam kết quốc tế, giải quyết hoà bình tranh chấp, bảo đảm hài hoà lợi ích của các bên theo luật pháp quốc tế; theo đó, phương thức trọng tài là một yêu cầu khách quan của thế giới dựa trên luật pháp quốc tế.

Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả, trong đó có hội nhập về luật pháp. Vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hợp tác chặt chẽ với PCA trong tham vấn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ xử lý các tranh chấp trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak bày tỏ tình cảm đặc biệt với Việt Nam, đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ và vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Ồng nhấn mạnh, với việc ủng hộ và hỗ trợ Văn phòng PCA, Việt Nam tiếp tục thể hiện cam kết và tinh thần trách nhiệm, đóng góp thúc đẩy thực thi luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Người đứng đầu PCA bày tỏ rất tâm đắc với khẳng định của Thủ tướng về việc Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý, lẽ phải. Ông Marcin Czepelak khẳng định, đây là tôn chỉ của PCA và cũng là một trong những lý do PCA quyết định đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Trong buổi tiếp ngày 22-11 của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak cho biết, với tư cách là Tòa Trọng tài quốc tế, nhiều tranh chấp sẽ được PCA thụ lý ngay tại Việt Nam, đồng nghĩa sẽ có nhiều người nước ngoài tới với Việt Nam và Thủ đô Hà Nội, là điều kiện lý tưởng để quảng bá thành phố và đất nước tới cộng đồng quốc tế. Mặt khác, sự hiện diện của Văn phòng đại diện PCA trên địa bàn thành phố cũng sẽ tạo ra mối quan hệ tương hỗ, tác động hai chiều với Hà Nội, có những tác động tích cực đối với cộng đồng thương mại, qua đó đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký Marcin Czepelak khẳng định, PCA sẽ đồng hành cùng Hà Nội trong việc xây dựng một hình ảnh đẹp, tích cực về thành phố. Đánh giá cao những chia sẻ của Tổng Thư ký PVA, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho rằng hoạt động của Văn phòng đại diện PCA tới đây không những có vai trò quan trọng với PCA, mà với cả Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, việc PCA đặt Văn phòng đại diện tại Hà Nội chắc chắn sẽ tăng cường niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn, khi xem xét đầu tư tại Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Nguồn: Báo ANTĐ

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi