Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Mối quan hệ Nga - EU đang ở giữa ngã tư đường

Sự chia rẽ không thể đảo ngược giữa EU và Nga đã được phản ánh trong chuyến thăm Moscow hồi tháng hai vừa qua của Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại EU Joseph Borrell. Sau chuyến đi, ông Joseph Borrell đã bình luận như sau: “Chúng ta đang ở ngã tư đường. Cuộc gặp của tôi với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho thấy châu Âu và Nga đang rời xa nhau. Có vẻ như Nga đang dần tự ngắt kết nối với châu Âu”.

Ngay sau khi Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại EU rời Moscow, Nga đã trục xuất 3 nhà ngoại giao châu Âu để trả đũa việc 3 nước EU trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua, quân đội Nga mới đây đã từ chối lời mời tham dự một hội thảo an ninh tại châu Âu.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov thậm chí còn nói rằng nước này sẵn sàng cắt đứt hoàn toàn quan hệ nếu EU tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc với Nga, mặc dù sau đó ông không thừa nhận ý này. Các nhà sử học có thể lấy chuyến thăm của ông Joseph Borrell làm mốc cho sự kết thúc một giai đoạn trong quan hệ EU-Nga và khởi đầu cho một giai đoạn mới: Đỉnh điểm của một mối quan hệ rắc rối.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov (trái) và Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại EU Joseph Borrell.

Tháng 3/2019, Nghị viện châu Âu ra nghị quyết tuyên bố Nga không còn được coi là một “đối tác chiến lược”. Trước đó, việc Nga đưa quân vào Gruzia năm 2008 và sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014, cùng một số sự kiện chính trị khác, đã đẩy hai bên vào một giai đoạn “băng giá”.

Khả năng quan hệ giữa EU-Nga nồng ấm trở lại không phải là không thể, nhưng ngày càng có nhiều tín hiệu bi quan, trong khi tín hiệu lạc quan đang ít dần. Xét hiện trạng cả hai phía đều đang cảm thấy “vỡ mộng” về nhau, có thể dự đoán các giao dịch qua lại từ nay sẽ chủ yếu mang tính kinh tế nhiều hơn.

Trong tư duy của Nga đang có những thay đổi cơ bản. Moscow đang áp dụng thành công chủ trương theo đuổi các hoạt động đối ngoại đa phương, theo đó hạn chế chính sách đối ngoại tập trung vào châu Âu như trước đây và tái định hướng chính sách một cách đồng đều hơn sang các khu vực khác. Đối với phương Tây nói chung, sự trỗi dậy của Trung Quốc đang là thách thức nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, đối với Nga, Trung Quốc đang mang lại một cơ hội địa chính trị lớn.

EU cũng có một sự thay đổi rõ ràng trong cách tiếp cận với Nga. Châu Âu không còn nuôi hy vọng rằng việc tích cực xích lại với Nga có thể kéo Moscow về phe “dân chủ tự do” của phương Tây. EU đang quan tâm nhiều hơn đến việc ngăn cản Nga tiếp tục phô trương sức mạnh địa chính trị. Đáp lại những lời chỉ trích trong hơn một thập kỷ qua về việc tìm cách lôi kéo Nga, EU đang có nhiều động thái nhằm ngăn chặn ảnh hưởng địa chính trị của Moscow.

Chẳng hạn, EU đã triển khai chính sách năng lượng thống nhất, cho phép thị trường chung có thể đảm bảo nguồn cung mỗi khi một nước thành viên có nhu cầu, nhất là những nước bị Nga cắt đứt nguồn xuất khẩu khí đốt.

Trong vụ này, Ukraine được coi là nước có lợi nhất, ngoài một số thành viên EU khác. Chia sẻ thị trường năng lượng giúp EU hạn chế đáng kể tổn thất mỗi khi Nga chơi “quân bài khí đốt”. Quân bài này là một công cụ địa chính trị Nga từng sử dụng rất hiệu quả để chứng tỏ ảnh hưởng đối với châu Âu lục địa. Mặc dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây thường được cho là không hiệu quả, nhưng với Nga, có thể nói các mục đích đã đạt được.

Các biện pháp trừng phạt đã hạn chế sức mạnh kinh tế của Nga, kéo bớt các nguồn tài chính mà nước này đầu tư cho các hoạt động quân sự, gây áp lực đối với giới lãnh đạo và làm giảm khả năng Nga thể hiện ảnh hưởng ở nước ngoài. Châu Âu cũng nên có sự đồng thuận rộng rãi hơn nữa trong lĩnh vực quân sự.

Một bước đi khác cho châu Âu là cải thiện nhanh chóng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Mỹ, vốn đã bị tổn hại nặng nề dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump. Việc ông Joe Biden lên nắm quyền là một tín hiệu tốt với EU, và chuyến thăm thất bại của Cao ủy Joseph Borrell tới Nga vừa qua sẽ đưa EU xích lại gần hơn với Mỹ.

Quyền tự chủ chiến lược, lâu nay vẫn được các chính trị gia EU nhấn mạnh, vẫn có thể đi đôi với mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ. Rõ ràng, việc đơn phương tiếp cận Nga đã không mang lại lợi ích địa chính trị giống như một cấu trúc an ninh chung mà EU vẫn mong muốn. EU đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng tại các quốc gia ngoại vi có liên quan đến Nga dưới góc độ này hay góc độ khác. Không có sự quyết đoán có thể sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng đối với chương trình nghị sự của EU với tư cách là một thể chế đang mở rộng và tự do hóa.

Tại Ukraine, sự can dự của quân đội Nga là đáng lo ngại. Hỗ trợ quân sự của châu Âu vẫn rất quan trọng, nhưng nó sẽ không giải quyết được những rắc rối cơ bản đặc trưng cho Ukraine và phần còn lại của vành đai lãnh thổ xung quanh Nga. Tại Gruzia, một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ toàn diện đang diễn ra. Tại Armenia, phe đối lập đang thách thức chính phủ sau thất bại trong Chiến tranh Karabakh lần thứ hai năm 2020.

Việc xử lý đại dịch COVID-19 không tốt cùng với khó khăn kinh tế đang báo trước một thời kỳ hỗn loạn cho Armenia. Các quốc gia nói trên đều có đặc điểm chung là thể chế nhà nước yếu. Hệ thống tư pháp, hệ thống giáo dục và quy trình bầu cử đều có vấn đề. Tỷ lệ FDI thấp, giới chính trị gia độc quyền, cũng như nhiều đặc điểm khác làm suy yếu nền tảng nhà nước. Những điểm yếu này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương trước các chính sách địa chính trị của Nga.

Nga đang theo đuổi một trò chơi dài hơi thông minh: Can thiệp dọc biên giới và sẵn sàng huy động vũ trang như đã từng làm trong năm 2008 và 2014. Tuy nhiên, tư duy chiến lược của Nga vẫn chủ yếu là làm sao để các quốc gia xung quanh suy yếu dần.

Nga trông chờ vào sự yếu kém của thể chế nhà nước tại các quốc gia láng giềng, giới quan chức không có khả năng xử lý các vấn đề quốc gia và không đưa ra được các chiến lược phát triển dài hạn. EU nên chủ động hơn về chiến lược tại các quốc gia cận biên. Giúp họ tăng trưởng kinh tế vững vàng sẽ hạn chế ảnh hưởng của các động cơ địa chính trị của Nga. Nếu không, Nga sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu hơn vào các quốc gia này.

Đã qua rồi thời kỳ có thể hy vọng thúc đẩy quan hệ EU-Nga. Các cuộc đàm phán và khôi phục quan hệ có thể vẫn được tiếp tục, nhưng cả hai bên sẽ nhận thấy sự ghẻ lạnh và đối đầu công khai vẫn là yếu tố chủ đạo hiện nay. Với Nga, thể hiện sự đối lập bí mật càng khiến EU xích lại gần hơn với Mỹ và là cơ sở cho sự hồi sinh của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Nguồn: báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi