Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Cuba: Kéo lùi lịch sử

Nguyên nhân của việc siết chặt trở lại chính sách bao vây cấm vận, được chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ ra là phía Mỹ cáo buộc Chính phủ Cuba phải chịu trách nhiệm về cái gọi là các cuộc “tấn công sóng âm” nhắm vào các nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba.

Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Mỹ cho biết các biện pháp mới này có hiệu lực vào ngày 9-11. Theo đó, các doanh nghiệp Mỹ sẽ bị cấm làm ăn kinh doanh với các công ty Cuba bị liệt vào danh sách đen của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngoài ra, cũng có thêm quan chức Chính phủ Cuba bị cấm tham gia các vụ giao dịch cũng như đề ra chính sách ngăn cản hàng xuất khẩu tới các thực thể Cuba nằm trong danh sách bị cấm.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ cho biết vẫn cho phép thực hiện các vụ giao dịch thương mại cũng như phần lớn các chuyến du lịch đã được lên kế hoạch từ trước khi có các biện pháp mới này. Du khách Mỹ sẽ vẫn có thể thực hiện chuyến đi được ủy quyền sang Cuba với điều kiện họ sẽ phải thông qua một tổ chức du lịch có đặt cơ sở tại Mỹ và sang Cuba cùng với một đại diện của tổ chức này.

Hãng tin AFP dẫn lời một số chuyên gia cho rằng mọi chuyện đang diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Theo bình luận của báo chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định mang cái lạnh tới Cuba. Vị tổng thống xuất thân tài phiệt đã “cài số lùi” cho tiến trình cởi mở này. Ông Trump đã quay về với logic của “cây gậy”.

Trước khi Mỹ công bố các biện pháp hạn chế mới nhằm vào Cuba, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 71 đã họp phiên toàn thể thông qua nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba, với tỷ lệ phiếu áp đảo 191 phiếu thuận trên tổng số 193 phiếu. Mỹ và Israel bỏ phiếu chống, thay vì bỏ phiếu trắng như năm ngoái.

Đây là lần thứ 26 liên tiếp đại đa số các nước thành viên Liên Hiệp Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với nghị quyết mang tên Báo cáo "Sự cần thiết phải chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt chống Cuba" do Chính phủ Cuba trình lên hằng năm.


Lễ kéo cờ Mỹ tại Cuba. Ảnh: CBS News

Trong phần phát biểu tranh luận và giải thích phiếu, đại diện một loạt quốc gia và các nhóm nước như Không liên kết, G77 châu Phi, Cộng đồng các nước Caribe, MERCOSUR và Tổ chức hợp tác Hồi giáo... đã lên án mạnh mẽ lệnh cấm vận của Mỹ vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế; kêu gọi Mỹ có trách nhiệm thực thi các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và chấm dứt ngay lệnh cấm vận phi pháp đối với Cuba. Đại diện các nước cũng đánh giá cao sự đóng góp của Cuba đối với việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế.

Đại diện các nước cho rằng, việc áp đặt các biện pháp cấm vận kinh tế, tài chính, thương mại chống Cuba là hành động đơn phương, bất công, không phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Hoạt động này đã gây ra nhiều thiệt hại trên các lĩnh vực đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân Cuba.

Việc tăng cường cấm vận chống Cuba sẽ vi phạm nghiêm trọng hơn quyền con người của người dân Cuba, ảnh hưởng không chỉ tới sự phát triển của kinh tế Cuba mà còn cả thương mại quốc tế và việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc.

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez đã có cuộc gặp gỡ đối thoại với hơn 10 nghị sĩ Mỹ để thảo luận về quan hệ song phương, yêu cầu Mỹ chấm dứt chính sách bao vây cấm vận chống Cuba. Ngoại trưởng Rodríguez cho rằng mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Cuba đã thụt lùi nghiêm trọng với những chính sách mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Rodríguez nhấn mạnh La Habana không liên quan tới vụ việc mà Washington gọi là các vụ “tấn công sóng âm” nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba, đồng thời khẳng định không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy sự tồn tại của các vụ “tấn công” giả định trên, hay hành động từ phía La Habana nhằm gây hại cho ngoại giao đoàn của Mỹ.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Cuba đồng thời một lần nữa bày tỏ thiện chí của La Habana về đối thoại và hợp tác để tìm ra sự thật, cũng như kêu gọi Washington không chính trị hóa sự việc vẫn chưa rõ ràng này.

Chính sách thiếu thân thiện

Kể từ khi Chính phủ Mỹ áp đặt các biện pháp nhằm siết chặt cấm vận chống Cuba, nhiều cá nhân và tổ chức có uy tín tại Mỹ đã lên tiếng phản đối chính sách thiếu thân thiện này. Ngày 13-11, Chương trình hợp tác giáo dục y tế với Cuba (MEDICC), có trụ sở tại bang California, Mỹ đã ra thông cáo phản đối “các biện pháp mới mà cũ nhằm thắt chặt hơn nữa các quy định về đi lại, thương mại và đầu tư” của Washington, mà theo tổ chức này là “gây tổn hại tới mọi lĩnh vực đời sống của người dân Cuba”.

Chủ tịch MEDICC Peter Bourne chỉ trích những biện pháp gây hậu quả tiêu cực tới người dân Cuba và cả những công dân Mỹ, những người có thể hưởng lợi từ những sáng kiến, chương trình và chiến lược của Cuba trong lĩnh vực y tế, công nghệ sinh học và đối phó khủng hoảng.

Trước đó, Hội đồng Ngoại thương quốc gia Mỹ (NFTC) cũng đã đánh giá chính sách hạn chế mới này là “sai lầm” và “phản tác dụng”. Phó Chủ tịch NFTC Jake Colvin qua một thông cáo đã chỉ ra rằng việc cấm các doanh nghiệp Mỹ đầu tư và kinh doanh tại Đặc khu phát triển Mariel của Cuba cũng đồng nghĩa với việc cản trở họ tham gia các hoạt động kinh tế có thể có lợi cho người lao động và nhân dân Cuba.

Ngoài ra, ông Colvin cũng nhấn mạnh này việc giới hạn thăm viếng Cuba dưới hình thức “giao lưu nhân dân” cũng sẽ hạn chế tiếp xúc trực tiếp của khách Mỹ với người dân Cuba và gây thiệt hại cho các nhà tự doanh non trẻ của đảo quốc Caribe này hoạt động trong lĩnh vực cho thuê nhà trọ và mở nhà hàng.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Ben Rhodes, cố vấn của cựu Tổng thống Barack Obama và một trong những nhân vật then chốt trong quá trình "phá băng" quan hệ song phương, khẳng định rằng chính thành phần kinh tế tư nhân mà Washington nói rằng muốn bảo vệ lại là thành phần chịu nhiều thiệt thòi nhất từ các biện pháp mới.

“Một hồi ức... về Chiến tranh Lạnh”

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ Patrich Leahy bình luận rằng các biện pháp mới tạo ra “một hồi ức hỗn loạn về Chiến tranh Lạnh”. Viện nghiên cứu Brookings mới đây đăng bài phân tích về quan hệ Mỹ-Cuba của ông Harold Trinkunas, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Stanford (Mỹ) và ông Richard Feinberg, giáo sư thuộc Đại học California San Diego (Mỹ).

Hai tác giả cho rằng sự gia tăng thù địch với Cuba đang nhanh chóng phá bỏ sự lắng dịu trong quan hệ hai nước vốn được gây dựng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hoạt động trục xuất các nhà ngoại giao không phải để bảo vệ công dân Mỹ, mà Nhà Trắng và các nghị sỹ Mỹ ủng hộ cấm vận đã sử dụng việc này như là cái cớ để đảo ngược chính sách bình thường hóa quan hệ của chính quyền tiền nhiệm.

Đúng thời điểm này, việc hồ sơ giải mật của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã chứng minh nhiều hoạt động “ác ý” nhằm vào Cuba đã có từ rất lâu. Ngày 16-11, theo mạng tin Cartas desde Cuba (Thư từ Cuba), những tài liệu mới được Washington giải mật tháng trước liên quan tới vụ ám sát Tổng thống Mỹ J.F. Kennedy đã tiết lộ nhiều kế hoạch của CIA chống Cuba.

Những lời tố cáo trước đây của cố lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro về cuộc chiến tranh sinh học chống lại đảo quốc Caribe này giờ đây đã được khẳng định khi một số kế hoạch của giới tình báo Mỹ được phơi bày. Những tài liệu này cũng hé lộ chiến thuật thực hiện một số cuộc đánh bom và ám sát bên trong lãnh thổ nước Mỹ để đổ tội cho La Habana.

Một trong số các văn bản này, vẫn chưa được giải mật hoàn toàn do sự phản đối của CIA và Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), mô tả việc cơ quan tình báo trung ương đã lập kế hoạch phá hoại ngành nông nghiệp Cuba “qua việc đưa vào những tác nhân sinh học có dáng vẻ nguồn gốc tự nhiên”.

Tháng 5-1971, Cuba phát hiện các trường hợp đầu tiên của dịch tả lợn châu Phi, căn bệnh mà tới thời điểm đó chưa từng hiện hữu tại “hòn đảo tự do”. La Habana khi đó đã phải tiêu hủy trên toàn quốc gần 400.000 con lợn, loại thịt được người Cuba tiêu thụ nhiều nhất.


Cựu Tổng thống Mỹ B.Obama (Bên phải) và Nhà lãnh đạo Cuba R.Castro. Ảnh: USA Today.

Tháng 1-1977, tờ The Washington Post đã đăng tải lời thú nhận của một điệp viên CIA rằng ông ta đã tham gia trong chiến dịch truyền dịch tả lợn châu Phi vào Cuba, và những tài liệu vừa được giải mật tháng 10 vừa qua đã chứng tỏ tính xác thực của luận điểm này. Cuộc chiến tranh sinh học mà Mỹ gây ra cho Cuba còn tác động trực tiếp tới con người.

Năm 1983, dịch bệnh sốt xuất huyết type 2 bất ngờ bùng phát tại Cuba (trước đó Cuba chỉ có sốt xuất huyết type 1 và có hệ thống phòng ngừa khá hiệu quả dịch bệnh này) khiến 154 người thiệt mạng, trong đó có tới 110 trẻ em. Đây là chiến dịch do một nhóm chống đối chính phủ cách mạng Cuba tiến hành, nhóm này có trụ sở tại Mỹ và được Washington bảo vệ. Sự việc cũng đã được khẳng định một lần qua lời khai của nhân vật diều hâu gốc Cuba Eduardo Arocena tại Tòa án liên bang New York năm 1984.

Các văn bản mới công bố lần này chứng minh những âm mưu tự đe dọa từng là một phần trong chiến lược của Mỹ chống Cuba. CIA thậm chí từng gợi ý tiến hành ngay bên trong lãnh thổ Mỹ những hành động sát hại chính các nhân vật gốc Cuba chống Chủ tịch Castro - luôn được coi là đồng minh hoặc tay chân của Washington.

Một tài liệu mới giải mật có đoạn viết: “Chúng ta (CIA) có thể triển khai một chiến dịch “khủng bố cộng sản” tại Miami (nơi tập trung đông nhất kiều dân Cuba tại Mỹ và là thành trì của giới phản cách mạng lưu vong), tại các thành phố khác, hay thậm chí ngay tại Washington D.C”, khi đề xuất các kế hoạch đặt bom và ám sát các thủ lĩnh của giới chống Chủ tịch F.Castro tại Mỹ.

Một đoạn văn khác của các tài liệu này ghi: “Chiến dịch khủng bố có thể nhắm vào những người Cuba tị nạn. Chúng ta (CIA) có thể đánh chìm một con thuyền chở người Cuba vượt biên trên đường tới bang Florida”, trước khi nhấn mạnh thêm rằng việc đánh chìm thuyền thật sự hay dàn dựng hiện trường giả cũng không khác biệt gì nhiều.

Người ta biết rằng CIA từng thực hiện một số lượng lớn các âm mưu ám sát nhắm vào lãnh tụ Fidel Castro, nhưng những tài liệu mới giải mật tiết lộ rằng vào năm 1964, cơ quan hùng mạnh này thậm chí còn “ra giá” đối với sinh mạng của nhà lãnh đạo uy tín này cũng như cho cả tính mạng của Chủ tịch Raul Castro và Che Guevara, những biểu tượng cách mạng khác của Cuba.

Ban đầu, CIA ra giá 150.000 USD (thêm 5.000 USD chi phí tiến hành), nhưng sau này họ cho rằng “giá” trên là quá cao và hạ xuống 100.000 USD. Tuy nhiên đổi lại, họ mở rộng đối tượng ám sát khi treo thưởng cho việc “giết hoặc giao lại sống sót những người cộng sản (Cuba) có danh tiếng”; để được lĩnh thưởng, các sát thủ phải trình cho CIA “bằng chứng thuyết phục về cái chết của nhân vật danh tiếng này và thẻ đảng của người đó”.

“Viên kim cương trên vương miện” của các tài liệu lần này chính là sự liên quan có thể có của các cơ quan tình báo Mỹ với Lee H.Oswald - sát thủ duy nhất bị bắt giữ sau vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Một tài liệu cho biết cựu quân nhân này từng tới Đại sứ quán của Cuba tại Mexico để xin thị thực, chỉ ít lâu trước khi vụ ám sát lịch sử kia diễn ra. Nếu như sau này người ta có thể chứng minh được rằng Oswald là một điệp viên CIA thì rõ ràng hành động tới Đại sứ quán Cuba của y là một âm mưu nhằm gắn La Habana với các viên đạn bắn ra tại Dallas (thành phố nơi Tổng thống Kennedy bị sát hại).

Một trong số các văn bản được giải mật cho biết các thành viên của Ủy ban Warren, đơn vị chịu trách nhiệm điều tra vụ ám sát, từng hỏi Phó Giám đốc CIA khi đó là David Bellin rằng liệu Oswald có phải là một điệp viên của cơ quan này không. Câu trả lời hiện vẫn đang là bí ẩn vì nằm trong một trang khác, hiện vẫn chưa được giải mật và công chúng sẽ phải chờ thêm 1/4 thế kỷ nữa để xác thực.

Các văn bản này được giải mật trong một thời điểm rất thú vị, khi mà Washington cáo buộc La Habana phải chịu trách nhiệm về các vụ “tấn công sóng âm” huyền bí nhằm vào các nhân viên của Đại sứ quán Mỹ tại Cuba. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên rằng những người bị ảnh hưởng đầu tiên của các vụ tấn công giả định này chính là những nhân viên của CIA hoạt động ngầm tại Cuba dưới vỏ bọc ngoại giao.

Nguồn tin: Báo điện tử CAND
Biên tập: Nguyễn Cường

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi