Hôm 26/12, trong khi đang thực hiện các biện pháp nhằm phục hồi kinh tế do ảnh hưởng nặng nề từ các đòn trừng phạt mạnh mẽ của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, Nga tiếp tục gây xôn xao dư luận quốc tế khi đưa ra học thuyết quân sự mới.
Dù được sửa đổi trên cơ sở học thuyết hiện hành, song học thuyết quân sự mới này đã cho thấy những chuyển hướng khá rõ nét về quân sự của Nga, trong đó đặc biệt nhấn mạnh NATO là mối đe dọa lớn nhất và “răn đe phi hạt nhân” là cách đối phó lợi hại nhất trong tình hình hiện nay.
Mặc dù vừa được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký phê chuẩn hôm 26/12, song trên thực tế, học thuyết quân sự mới này đã hình thành từ tháng 7 năm 2014 khi Hội đồng an ninh Liên bang Nga đưa ra các sửa đổi trên cơ sở học thuyết hiện hành.
Hồi tuần trước, ông Vladimir Putin và các thành viên của Hội đồng an ninh liên bang đã phê duyệt lần cuối học thuyết này trước khi chính thức công bố. Điểm quan trọng nhất của học thuyết quân sự mới vẫn là những gì mà chính quyền Moskva nhiều lần khẳng định, đó là Nga không tự tiện đi đánh chiếm hay tấn công một quốc gia, khu vực hay vùng lãnh thổ nào, mà chỉ tăng cường các biện pháp quân sự mang tính phòng thủ.
Tin từ hãng Ria Novosti cho biết, điểm mới duy nhất lần đầu xuất hiện trong học thuyết này chính là việc Nga chính thức nêu rõ vấn đề bảo vệ lợi ích quốc gia tại Bắc Cực như là một trong những ưu tiên chính của lực lượng vũ trang trong thời bình và coi sự mở rộng của NATO về phía Đông là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và an ninh của Nga. Bởi lẽ, trong học thuyết quân sự năm 2010, cả hai điểm này chưa hề được đề cập một cách rõ ràng.
Sau cuộc họp với Hội đồng an ninh Liên bang Nga, hôm 26/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê chuẩn Học thuyết quân sự mới. Ảnh: Reuters
Hãng tin Reuters cho biết, ngay sau khi học thuyết này được công bố, NATO đã có phản ứng lại bằng tuyên bố rằng, các biện pháp mà liên minh này đang tiến hành nhằm đảm bảo an toàn cho các nước thành viên NATO là hoàn toàn có tính chất phòng thủ, tương xứng và phù hợp với luật pháp quốc tế, chứ không gây ra mối đe dọa nào cho Nga hay bất kỳ quốc gia nào khác.
Trong bối cảnh hiện nay, khi liên tục phải hứng chịu những đòn trừng phạt của Mỹ và EU trong vấn đề liên quan đến Ukraine, việc đưa ra học thuyết quân sự mới được giới chức Moskva lập luận là cách để đối phó với những hiểm nguy cho phù hợp với tình hình mới. Theo đó, các mối đe dọa mà Nga đang phải đối mặt bao gồm đe dọa từ bên ngoài và ở bên trong.
Ngoài vấn đề NATO, hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu, tình hình hỗn loạn ở khu vực miền Đông Ukraine và cuộc chiến ở Syria, Iraq, hay sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)… đều trở thành mối đe dọa quân sự mới đối với Nga. Mức đe dọa này được nâng từ con số 11 lên con số 14.
Trong đó, Nga khẳng định, hiểm họa chiến tranh có thể đến từ việc NATO mở rộng tiềm năng sức mạnh, sự xích lại của cơ sở hạ tầng quân sự NATO sát biên giới Nga; NATO triển khai binh sĩ nước ngoài trên lãnh thổ các nước có chung biên giới với Nga; hình thành và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược, hủy hoại sự ổn định trên toàn cầu, thực thi khái niệm “cú đòn toàn cầu”, ý định đưa vũ khí lên vũ trụ.
Về mối đe dọa bên trong, học thuyết đã chỉ rõ đó là nguy cơ từ cuộc chiến thông tin nhằm vào người dân, đặc biệt là giới trẻ với mục đích phá hoại truyền thống yêu nước, những giá trị tinh thần và lịch sử của Nga trong lĩnh vực bảo vệ tổ quốc. Ngoài ra, Nga còn lưu ý đến những mối đe dọa như việc sử dụng công nghệ thông tin - liên lạc cho mục đích quân sự và các hoạt động phá hoại của lực lượng đặc biệt nước ngoài.
Xuyên suốt trong văn kiện dài 29 trang gồm 58 điều mục này, Nga vẫn nhấn mạnh việc quân đội là công cụ phòng thủ nhưng chỉ sử dụng như kế sách cuối cùng khi các hoạt động ngoại giao thất bại. Hãng DW bình luận rằng, nếu học thuyết quân sự 2010 của Nga đề cập tới việc phát triển quan hệ thì lần này, học thuyết quân sự mới đã nhấn mạnh sự cần thiết duy trì đối thoại bình đẳng. Ngoại giao và quân sự được áp dụng song song và là bổ sung cho khái niệm mới mang tên “kiềm chế phi hạt nhân”.
Một chuyên gia quân sự làm việc cho Liên hợp quốc cho rằng, đây là tổ hợp các biện pháp đối ngoại, quân sự và kỹ thuật quân sự nhằm ngăn chặn xâm lược chống Nga bằng các phương tiện phi hạt nhân. Thực chất, biện pháp này là nhằm đối chọi với khái niệm “quyền lực mềm” của Mỹ.
Chuyên gia quân sự này nói: “Những mối đe dọa và thách thức quân sự hiện tại đòi hỏi phải có sự đối phó. Cụ thể hơn, những mối đe dọa và thách thức ở đây bao gồm chiến tranh giấu mặt, kế hoạch của kẻ thù, chiến tranh không gian mạng, đình công toàn cầu và kế hoạch đối phó lại là một hệ thống răn đe phi hạt nhân. Hãng Interfax dẫn một nguồn tin tham gia soạn thảo Học thuyết quân sự mới của Nga cho biết, khi đưa ra khái niệm răn đe phi hạt nhân, các nhà soạn thảo văn kiện đã tính đến ý kiến của giới chuyên gia và đòi hỏi của thời gian, bởi “vũ khí hạt nhân hiện nay không còn là công cụ răn đe tuyệt đối”.
Để thực hiện các khái niệm răn đe phi hạt nhân ở các nước phát triển nhất, sau giai đoạn 2015-2020, có thể hình thành các hệ thống chiến đấu trinh sát - tấn công, các phương tiện tình báo cảnh báo chiến lược… Và chính vì đề cao sự kết hợp đối ngoại – quân sự mà học thuyết mới của Nga đã đề xuất tăng cường hợp tác với các nước trong khối BRICS, cũng như các đồng minh thuộc CSTO và xây dựng một mô hình an ninh mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trích nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK