Hàn Quốc và Trung Quốc vừa đi đến thống nhất chung rằng Triều Tiên cần ngay lập tức ngừng các hoạt động hạt nhân và cho phép các thanh sát viên quốc tế giám sát khu tổ hợp hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Đặc phái viên Hàn Quốc về hòa bình và an ninh trên bán đảo
Triều Tiên Hwang Joon-kook (trái) và người đồng cấp
Trung Quốc Vũ Đại Vỹ gặp gỡ tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ngày 6/5.
Phát biểu trước báo giới tại Bắc Kinh sau khi hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vũ Đại Vỹ, ngày 6/5, Đặc phái viên Hàn Quốc về vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên Hwang Joon-kook cho biết, triển vọng về các cuộc đàm phán “thăm dò” với Triều Tiên vẫn còn “chưa rõ ràng” bởi cho tới nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ Bình Nhưỡng sẵn sàng từ bỏ các tham vọng hạt nhân.
“Chúng tôi (Trung Quốc và Hàn Quốc) đã nhất trí rằng Triều Tiên cần nhanh chóng thực thi các điều kiện cơ bản nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân, gồm cả việc ngừng các hoạt động hạt nhân và tiếp nhận các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) tới tổ hợp hạt nhân Yongbyon” – ông Hwang Joon-kook nói, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng Trung Quốc đã cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi một “vai trò xây dựng” trong việc thuyết phục Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán với một thiện chí về giải trừ vũ khí hạt nhân.
Trước khi lên đường sang Trung Quốc, ông Hwang Joon-kook đã tới Washington (Mỹ) vào ngày 4/5 nhằm hội đàm với người đồng cấp Mỹ Sung Kim về cách thức tái khởi động các vòng đàm phán về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vốn đã bị đình trệ từ cuối năm 2008 cho tới nay. Phát biểu trước phóng viên tại Washington, ngày 5/5, đại diện ngoại giao này cho biết, hiện 5 nước tham gia đàm phán sáu bên gồm: Trung Quốc, Nga, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã sẵn sàng tiến hành các vòng đàm phán “thăm dò” với Triều Tiên mà không đi kèm theo điều kiện tiên quyết nào nhằm “thử thách” quyết tâm thực thi các cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng trước khi nối lại đàm phán chính thức.
Theo quan điểm của ông Hwang Joon-kook, các vòng đàm phán “thăm dò” với Triều Tiên có thể diễn ra dưới bất kỳ hình thức nào - đa phương hoặc song phương.
Bên cạnh các nỗ lực ngoại giao con thoi của ông Hwang Joon-kook, thì Mỹ - một đối tác quan trọng trong tiến trình đàm phán sáu bên cũng đang tích cực tìm kiếm cơ hội nhằm hướng tới tương lai giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Được biết, trong ngày 7/5, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Glyn Davies cũng đã tới Bắc Kinh (Trung Quốc) để tiến hành đối thoại với các đại diện nước chủ nhà về vấn đề này.
Phát biểu trước báo giới tại Bắc Kinh, ngày 7/5, ông Davies cho biết, Washington và Bắc Kinh đã nhất trí rằng, kịch bản Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân tiếp theo sẽ chỉ khiến Bình Nhưỡng bị cô lập nặng nề hơn, đồng thời đẩy lùi các nỗ lực giúp tái khởi động các vòng đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đại diện ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân vẫn được xem là “một điều kiện” mang lại ổn định cho khu vực. Theo ông Davies, Triều Tiên hiện đang đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc là tiếp tục dấn sâu vào con đường bị cô lập hoặc là quay trở lại các vòng đàm phán sáu bên. “Chúng tôi phán xét Triều Tiên thông qua hành động chứ không phải là lời nói” – ông Davies nêu rõ./.
Trích nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt NamBiên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK