Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Góc khuất của tình báo quân đội Đan Mạch

Trong bài viết này, nhóm tác giả sẽ trình bày một bản thông cáo báo chí phát đi bởi IOB cũng như các chi tiết từ những báo cáo trước đó làm hé lộ những vấn đề đã tồn tại dai dẳng ở FE trong suốt nhiều năm.

Thông cáo báo chí của IOB tiết lộ gì?

Sự thật mới lộ sáng khi vào ngày 24 tháng 8 năm 2020, Bộ Quốc phòng Đan Mạch (DmoD) phát đi một thông cáo ngắn đại ý nói rằng người đứng đầu FE và 2 quan chức cao cấp khác của đơn vị này bị đình chỉ công tác cho đến khi có thông báo mới. Ông Svend Larsen, cảnh sát trưởng Trung và Tây Zealand, đã được bổ nhiệm trở thành tân thủ lĩnh FE. Sau đó, một quan chức thứ 3 cũng bị “treo giò”. Trong cùng ngày, Ban giám sát tình báo Đan Mạch (IOB) đã công bố một thông cáo báo chí với những kết quả chưa được phân loại của cuộc điều tra vào những vấn đề dẫn đến việc ông Lars Findsen bị treo giò. Bởi vì thông cáo báo chí này chỉ thuần viết bằng tiếng Đan Mạch nên nhóm tác giả tài liệu này phải biên dịch sang tiếng Anh để chuyển tải thông điệp rõ ràng đến độc giả toàn cầu. Theo đó, IOB đã hoàn tất một cuộc điều tra đặc biệt nhắm thẳng vào Cục tình báo Quốc phòng Đan Mạch (FE) dựa trên căn cứ tài liệu của một hoặc nhiều người tố giác sự vụ.

Nội dung thông cáo có đoạn: “Vào tháng 11 năm 2019, có một hoặc nhiều người tố giác đã cung cấp cho IOB một lượng tư liệu đáng kể liên quan đến FE, trong đó cho đến nay IOB vẫn chưa có được hết toàn bộ nội dung tư liệu tố giác này. Xét thấy mức độ đáng tin cậy của tài liệu tố giác nên IOB đã mở cuộc điều tra giám sát tình hình hiện tại của FE. Với thông báo này, IOB xin công bố các kết quả chưa được phân loại của cuộc điều tra”. Trên cơ sở điều tra của IOB với tài liệu tố cáo được đệ trình, IOB đã gửi đi một bản phân tích được chia thành 4 tập cho Bộ trưởng Quốc phòng  bao gồm các kết luận điều tra và khuyến nghị của IOB vào ngày 21 tháng 8 năm 2020. Xuyên suốt quá trình điều tra đặc biệt nhắm vào FE, IOB đã thường xuyên báo cáo cho Bộ trưởng Quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng cũng thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ đối với công tác thẩm tra tài liệu của thuộc cấp.

Ông Lars Findsen, người đứng đầu FE từ năm 2015 đến năm 2020.

Dựa trên một cuộc kiểm tra quan trọng về tài liệu tố cáo, IOB đã trưng ra những kết quả như sau: 1) Kể từ khi thành lập IOB vào năm 2014 cho đến mùa hè năm 2020, trong những lần thị sát của IOB thì người đứng đầu FE đã cung cấp những thông tin thiếu chính xác liên quan đến công tác thu thập và tiết lộ thông tin tình báo. Về phần mình, IOB khẳng định rằng trách nhiệm cung cấp thông tin là hoàn toàn cần thiết cho công tác giám sát, và nó dựa trên sự tin tưởng của nhà lập pháp rằng FE đã tuân thủ mọi mặt của nghĩa vụ này. Kết quả của những lần vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin là IOB buộc phải thực hiện nó theo Luật FE, và điều đó góp phần vào tính hợp pháp của việc mà FE đang làm, không diễn ra như dự kiến; 2) Phần lõi trong khả năng thu thập tình báo của FE có chứa rủi ro đến việc thu thập bất hợp pháp thông tin của người dân Đan Mạch; 3) Tài liệu tố cáo chỉ ra rằng cách quản lý của FE đã thất bại trong việc điều tra xa hơn về hoạt động gián điệp ngay trong Bộ Quốc phòng.

Ngoài ra thông cáo báo chí của IOB còn liệt kê những khuất tất sau: 4)Tồn tại một thứ văn hóa nhận thức pháp luật không đầy đủ ngay trong cách quản lý và các bộ phận khác của FE, kết quả là dẫn đến những hành vi phi pháp và các tình huống không thích hợp ngay trong cơ quan, bao gồm việc lờ đi cung cấp thông tin tình báo phục vụ cho cơ chế giám sát của IOB; 5) Tài liệu tố cáo được gửi đi đã tiết lộ rằng FE (trước khi thành lập IOB vào năm 2014) đã khởi xướng các hoạt động vi phạm luật Đan Mạch bao gồm việc tùy tiện khai thác một lượng lớn thông tin của công dân Đan Mạch; 6) FE cũng tự tiện khai thác thông tin của một nhân viên của IOB. Trong khi đó IOB cũng khuyến nghị rằng cần có một vị thế chính trị để đạt được những việc sau: 1) Liệu có cần thiết mở một cuộc điều tra xem xét xem FE có hoặc không tiến hành liên quan đến ủy quyền an ninh quốc gia ngay trong Bộ Quốc phòng chiếu theo Luật FE?

IOB cũng trăn trở: 2) Liệu FE đã cung cấp đủ thông tin cho các nhà hoạch định chính sách về những vấn đề liên quan đến những phần then chốt trong khả năng thu thập tình báo? Chiếu theo Luật kiểm soát FE, IOB không đủ khả năng để khám phá thêm những vấn đề cụ thể đã xuất hiện trong tài liệu tố cáo. Do vậy mà IOB đã đưa ra những khuyến nghị sau: 1) Cần phải đánh giá sớm Luật FE để xem liệu IOB có đủ các cơ quan pháp lý và nguồn lực cần thiết nhằm tiến hành giám sát pháp luật hiệu quả với FE, bao gồm việc IOB phải có quyền tiến hành thẩm vấn các nhân viên của FE với tư cách người làm chứng; 2) Dựa trên tài liệu tố giác đã đệ trình cho IOB, một kế hoạch tố giác bên ngoài FE đã được thành lập và được đặt dưới sự bảo trợ của IOB. Kế hoạch cũng phải đảm bảo một điều rằng cơ chế tố cáo bên ngoài phải có các nguồn lực và công cụ cần thiết để bảo vệ cho các cá nhân đứng ra tố giác thông tin. Điều quan trọng của cơ chế giám sát là công luận biết càng nhiều càng tốt. Tuy vậy, trước những tình huống đặc biệt nhạy cảm xoay quanh tài liệu tố cáo cho IOB mà cơ quan này có thể không cung cấp nhiều hơn thông tin cho công luận.

Công sự pháo đài Kastellet ở Copenhagen, nơi làm việc của phần lớn các nhân viên FE. Ảnh nguồn: Danish Air Force Photo Service.

Ban giám sát tình báo Đan Mạch (IOB)

IOB là một thực thể giám sát đặc biệt chịu trách nhiệm giám sát cách mà FE xử lý thông tin liên quan đến các thế nhân và pháp nhân đang cư trú ở Đan Mạch chiếu theo luật. IOB được thành lập theo Luật về dịch vụ tình báo cảnh sát (PET) giống như Luật về dịch vụ tình báo quốc phòng (FE) đi vào có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2014. Sau khi Luật về Trung tâm an ninh mạng (CFCS) có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm 2014, IOB cũng giám sát CFCS xử lý thông tin về các thế nhân chiếu theo quy định pháp luật. IOB gồm có 5 thành viên được bổ nhiệm bởi Bộ trưởng Tư pháp sau khi tham khảo ý kiến của Bộ trưởng Quốc phòng. Chủ tịch của IOB là thẩm phán tòa án tối cao và được bổ nhiệm theo khuyến nghị của Các chủ tịch tòa tối cao Đông và Tây Đan Mạch; trong khi đó các thành viên còn lại sẽ được bổ nhiệm sau khi tham khảo ý kiến với Ủy ban quốc hội về các hoạt động tình báo.

Các hoạt động trái phép và bất hợp pháp của FE được nêu trong thông cáo báo chí của IOB có thể không thật sự gây bất ngờ. Đã có một vài báo cáo từ trước đó mà IOB nhận thấy rằng FE đã tiến hành một lượng lớn “tìm kiếm dữ liệu thô” bất hợp pháp, chính xác là đánh chặn chưa rõ mục tiêu. Theo báo cáo thường niên 2018 thì bằng phương pháp này đã giúp cho FE “thu hàng trăm triệu thông tin liên lạc mỗi năm”. Cũng theo IOB thì trong Báo cáo thường niên 2017 thì FE được gọi là “Dịch vụ tình báo quốc phòng Đan Mạch, tức DDIS”.

IOB lưu ý rằng kể từ khi công bố bản Báo cáo thường niên 2016 thì DDIS đã bắt đầu giảm một số lượng lỗi. Cụ thể là cơ quan này đã bắt đầu tăng cường kiểm soát nội bộ và đẩy mạnh mục tiêu đào tạo nhân sự. Về vấn đề chia sẻ dữ liệu và thông tin với cơ quan an ninh nội địa Đan Mạch (PET) cũng như với các cơ quan đối tác hải ngoại, IOB lưu ý: “Trong một số trường hợp, DDIS đã không sở hữu tài liệu liên quan đến việc phê chuẩn tiết lộ thông tin của ai đó đang cư trú ở Đan Mạch. IOB khuyến khích DDIS phải đảm bảo lưu trữ tài liệu trong mọi trường hợp. Xa hơn, hoạt động kiểm tra của IOB đã cho thấy rằng DDIS phớt lờ việc ghi nhật ký về hệ thống lấy mẫu nhằm tiết lộ thông tin. IOB khuyến khích DDIS tiến hành ghi cập nhật hệ thống, và nó đã sớm được cơ quan này triển khai”. Mặt khác khi tiến hành kiểm tra máy tính cá nhân của một số nhân viên của FE gồm ổ đĩa, thư mục Outlook, các thiết bị lưu trữ bên ngoài và những tài liệu ở dạng bản cứng…. thì IOB bất ngờ khi biết được rằng nhân viên FE thường xóa sạch thông tin tại nơi làm việc trước khi đoàn thanh tra đến.

Trong báo cáo thường niên 2017, IOB đã khám phá một tình tiết thú vị về hợp tác giữa FE và PET. Đó là khi PET yêu cầu FE sử dụng những hệ thống thu thập tình báo “chưa nhắm mục tiêu” nhằm lấy được những thông tin liên lạc tương lai về một ai đó cư trú ở Đan Mạch, thì PET buộc phải có lệnh của tòa án từ trước đó. Dĩ nhiên đó chỉ là một “thủ tục cho có” mà cũng không cần lệnh tòa án khi PET hỏi FE tiến hành một cuộc tìm kiếm dữ liệu thô (lưu ý là nó tương tự với “tìm kiếm cửa hậu” gây tranh cãi khi NSA tiến hành với các dữ liệu được thu thập hợp pháp). Sau khi có ý kiến phản biện của IOB từ tháng 6 năm 2018, PET đã nhất trí rằng trong tương lai họ sẽ xin lệnh của tòa án trước khi yêu cầu FE tiến hành thu thập dữ liệu thô của những người nào đó đang cư ngụ ở Đan Mạch.

Trạm đánh chặn vệ tinh của FE nằm gần Hjorring ở Bắc Jutland (Đan Mạch).

Hợp tác quốc tế

Mặc dù chỉ là một tổ chức nhỏ nhưng FE luôn là một phần đáng tin cậy trong liên minh tình báo tín hiệu quốc tế. Ngay từ năm 1954, cơ quan này đã là Đối tác bên thứ 3 của NSA, và là một thành viên của nhóm đa phương Tình báo tín hiệu cao cấp Châu Âu (SSEUR) được thành lập từ năm 1982. Trước đó từ năm 1976, FE đã nảy ra sáng kiến thành lập một nhóm tình báo tín hiệu thuần túy Châu Âu có tên mã là Maximator vốn bao gồm Thụy Điển, Đức, Hà Lan và Pháp. FE cũng là một phần của liên minh tình báo quân sự song phương vốn được sáng lập từ đầu thập niên 1980, và được biết đến dưới cái tên “Bộ Ngũ” (Club of Five). Dữ liệu và thông tin mà Đan Mạch đóng góp cho những nhóm trao đổi đa phương dạng này đã đến từ những hệ thống thu thập khác nhau và được điều hành bởi FE. Dễ nhận biết nhất là 2 trạm đánh chặn vệ tinh, một cái nằm gần Sandagergrd trên đảo Amager, và cái khác nằm gần Hjorring ở Bắc Jutland.

Thêm vào đó quân đội Đan Mạch còn có các đơn vị đánh chặn di động dùng cho các hoạt động tác chiến ở nước ngoài. Lấy ví dụ ở Afghanistan, các lực lượng Đan Mạch là một phần của Liên minh tình báo tín hiệu Afghanistan (AFSC) và dùng thiết bị DRT (công nghệ thu kỹ thuật số) để thu thập siêu dữ liệu điện thoại di động nhằm đưa vào Hệ thống cổng khu vực thời gian thực (RT-RG) của NSA. Dựa trên những tài liệu được tiết lộ bởi Edward Snowden, tờ báo Information của Đan Mạch đã có bài đăng tải từ tháng 6 năm 2014 rằng Đan Mạch đang hợp tác với người Mỹ để tiếp cận vào các tuyến cáp quang chiếu theo chương trình bí mật RAMPART-A của NSA. NSA cũng trao cho FE những thiết bị thu thập và xử lý. Theo đó, dữ liệu “thu thập từ các vòi cáp ở Đan Mạch sẽ được lọc để loại bỏ dữ liệu Đan Mạch trước khi chuyển giao chúng cho NSA”. Tuy nhiên, các bộ lọc đã không hoàn toàn loại bỏ hết dữ liệu Đan Mạch  vì điều này không khả thi về mặt kỹ thuật”.

Cũng theo tờ Information thì dữ liệu mà cơ quan tình báo Đức (BND) chia sẻ với NSA trong hoạt động Eikonal cũng là một phần của RAMPART-A. Đan Mạch cũng bị Edward Snowden tố cáo trong bản làm chứng tại Nghị viện Châu Âu vào tháng 3 năm 2014.

Nguồn: Báo CAND

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi