AstraZeneca, một trong những hãng sản xuất vaccine COVID-19 hàng đầu thế giới, đã hứng chịu nhiều chỉ trích do chậm trễ trong giao những lô vaccine trên toàn Liên minh châu Âu (EU).
|
Ảnh minh họa Reuters. |
EU ngày 26/4 đã khởi động các thủ tục pháp lý chống lại công ty dược phẩm AstraZeneca với lý do hãng này không cung cấp đủ vaccine cho các nước EU đúng thời hạn theo hợp đồng đã thỏa thuận, Ủy ban châu Âu cho biết trong một tuyên bố.
“Lý do cho việc này là các điều khoản của hợp đồng đã không được tuân thủ và công ty không đủ khả năng đưa ra một chiến lược đáng tin cậy để đảm bảo cung cấp vaccine đúng hạn”, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Stefan De Keersmaecker cho biết.
AstraZeneca ngay sau đó đã phản pháo lại, tuyên bố rằng họ đã hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận mua bán với Ủy ban châu Âu và nói thêm rằng họ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng “tự vệ trước tòa”.
Trước đó, một số hãng truyền thông phương Tây cho biết, động thái này có thể xuất phát từ việc EU có ý định đảm bảo tất cả các đơn hàng vaccine đều được giao trong Quý II năm nay.
Vào tháng 3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã bày tỏ sự thất vọng với AstraZeneca trong một cuộc họp báo, nói rằng “AstraZeneca đã không đủ khả năng sản xuất và phân phối. Và đau đớn thay, điều này đã làm giảm tốc độ của chiến dịch tiêm chủng” của châu Âu.
Những bình luận này được đưa ra chỉ vài tháng sau khi công ty này lần đầu tiên thông báo rằng họ sẽ không thể cung cấp tất cả 300 triệu liều mà họ đã cam kết ban đầu cho EU trong Quý đầu tiên của năm theo đúng nghĩa vụ hợp đồng. Công ty viện dẫn lý do các phức tạp kỹ thuật tại cơ sở ở Bỉ.
Bà Von der Leyen cho biết EU dự kiến nhận được 70 triệu liều từ công ty trong Quý II, giảm so với dự đoán ban đầu là 180 triệu liều.
AstraZeneca đã xác nhận sự chậm trễ vào thời điểm đó.
Cho đến nay, 4 loại vaccine chống lại COVID-19 đã được phép sử dụng ở EU, bao gồm các loại được sản xuất bởi BioNTech-Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson. Theo dữ liệu mới nhất được cung cấp bởi Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu, khoảng 24% dân số trưởng thành của EU đã được chủng ngừa với ít nhất một liều vaccine được cấp phép.
Nguồn: Báo CAND