Năm 2015 được nhìn nhận là một trong những năm mà thị trường mua bán vũ khí diễn ra sôi động nhất. Trong số những thương vụ mua bán vũ khí đình đám trong năm qua, phải kể đến những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD giữa Pháp và Ai Cập, Mỹ và A-rập Xê-út hay giữa Nga và Ấn Độ.
Vũ khí Mỹ được ưa chuộng ở A-rập Xê-út
Theo giới chuyên gia, năm 2015 Mỹ tiếp tục tìm cách đưa vũ khí của mình "xâm nhập" vào khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Cụ thể trong năm qua, Lầu Năm Góc đã ký được một loạt hợp đồng “khủng” cung cấp vũ khí cho A-rập Xê-út, Ai Cập hay Ca-ta, trong đó các thương vụ mua bán vũ khí giữa Oa-sinh-tơn với Ri-át có trị giá lên tới hàng chục tỷ USD.
Theo tờ Thời báo Niu Y-oóc (Mỹ), cuối tháng 10-2015, Mỹ thông báo chấp thuận bán 4 tàu chiến đa nhiệm do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất cho A-rập Xê-út theo hợp đồng trị giá 11,25 tỷ USD. Đây là một trong những thương vụ mua bán vũ khí “khủng” nhất từ trước tới nay của Mỹ.
Một hợp đồng “khủng” khác cũng được ký kết trong năm qua giữa Mỹ và A-rập Xê-út, theo đó Lầu Năm Góc sẽ bán cho Ri-át 84 máy bay chiến đấu F-15 thế hệ mới, 70 trực thăng tấn công AH-64D Apache Longbow, 71 trực thăng đa dụng Blackhawk, 36 trực thăng tấn công hạng nhẹ AH-6i, 12 máy bay hạng nhẹ MD-530F cùng hàng trăm danh mục máy móc, vũ khí và hệ thống định vị. Ngoài danh mục các loại vũ khí mua mới, hợp đồng còn bao gồm gói nâng cấp 70 máy bay chiến đấu F-15S hiện đang phục vụ trong lực lượng Không quân Ả-rập Xê-út. Thời hạn thực hiện hợp đồng dự kiến trong vòng 15 đến 20 năm.
Cuối năm 2015, Mỹ cũng phê chuẩn thỏa thuận bán cho A-rập Xê-út các hệ thống phòng không hiện đại Patriot PAC-3 do tập đoàn vũ khí Lockheed Martin Corp LMT.N chế tạo trị giá 5,4 tỷ USD. Với việc ký kết này, A-rập Xê-út trở thành quân đội thứ 8 sử dụng hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-3 sau Mỹ, Đức, Nhật Bản, Cô-oét, Hà Lan, Các tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) và Đài Loan (Trung Quốc).
Trực thăng Blackhawk của Mỹ sẽ phục vụ trong Lực lượng Không quân A-rập Xê-út.
Thương vụ Mistral: “Lợi cả ba đường”
Việc Pháp hủy hợp đồng bán hai tàu chiến đổ bộ lớp Mistral cho Hải quân Nga suýt đẩy Pa-ri vào vòng xoáy nợ nần. Tuy nhiên, Pháp đã gặp may khi nhanh chóng “sang tay” hai tàu chiến này cho Ai Cập với giá rẻ hơn gần một nửa (chỉ còn 1,3 tỷ USD so với 2,33 tỷ USD giá ban đầu).
Lẽ ra Pháp phải chuyển giao hai tàu chiến lớp Mistral cho Nga vào năm 2014 và 2015. Tuy nhiên, quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu đi do cuộc khủng hoảng tại U-crai-na, các đối tác của Pa-ri cho rằng, việc Pháp vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng sẽ không hỗ trợ cho quan điểm cô lập Nga của phương Tây. Do đó, Pháp đã hủy hợp đồng trên với Nga và rao bán hai tàu này cho Ai Cập và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) theo gợi ý của Mát-xcơ-va. Cuối cùng, hai con tàu này đã được Ai Cập mua lại với giá rẻ “giật mình”: 1,3 tỷ USD. Dự kiến, Ai Cập sẽ triển khai 2 tàu Mistral trên biển Địa Trung Hải và Biển Đỏ.
Tờ PressTV dẫn lời giới chuyên gia quân sự cho rằng, việc “sang tay” hai tàu chiến được xem là “lợi cả ba đường”. Đối với Pháp, việc bán được hai con tàu này giúp nước này thanh toán hợp đồng với Nga, đồng thời tháo gỡ thế bí của Pa-ri trong quan hệ “tay ba” giữa Nga, Pháp và phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng ở U-crai-na. Trong khi đó, Ai Cập được lợi khi sở hữu cặp tàu chiến được xem là hiện đại nhất với giá rẻ bằng một nửa so với trước đây.
Mặc dù Nga không được sở hữu Mistral nhưng nước này vẫn có lợi trong thương vụ bán tàu Mistral của Pháp cho Ai Cập. Bởi lẽ, Ai Cập vốn là đồng minh và khách hàng quân sự truyền thống của Nga, việc trang bị khí tài mới cho tàu Mistral khi nó cập cảng Cai-rô sẽ là lợi thế của Nga so với các nước khác, kể cả Pháp hay Mỹ. Bên cạnh đó, nếu Ai Cập sở hữu các tàu này, Nga càng có nhiều cơ hội tìm hiểu về các tham số kỹ thuật của loại chiến hạm hiện đại bậc nhất của phương Tây. Đây là điều rất có ích cho Mát-xcơ-va trong phát triển công nghiệp đóng tàu hạng nặng theo công nghệ tiên tiến của phương Tây.
Ngoài thương vụ “tàu Mistral”, hiện Ai Cập cũng đang thúc đẩy thương vụ mua 2 vệ tinh quân sự, gồm một vệ tinh quan sát và một vệ tinh viễn thông quân sự, của tập đoàn Thales Alenia Space liên doanh Pháp - I-ta-li-a, trị giá khoảng 1,1 tỷ USD. Tiến trình thương thảo giữa hai bên đang tiến triển và còn cần tiến hành thêm một số bước nữa, chẳng hạn như việc xác định vị trí của vệ tinh trên quỹ đạo. Việc ký kết thương vụ có thể diễn ra vào đầu năm 2016.
Hứa hẹn nhiều lợi nhuận
Một trong những thương vụ mua bán vũ khí được kỳ vọng mang lại nhiều lợi nhuận cho cả Nga và Ấn Độ là hợp đồng mua bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 trị giá 6 tỷ USD.
Cuối tháng 12-2015, Ấn Độ đã phê chuẩn kế hoạch mua 5 hệ thống S-400 của Nga. Hiện mức giá vẫn đang được hai bên đàm phán, nhưng theo tờ Thời báo Ấn Độ, thương vụ có trị giá khoảng 6 tỷ USD. Nếu được thông qua, đây sẽ là thỏa thuận mua bán vũ khí Nga - Ấn lớn nhất kể từ năm 2001, khi Ấn Độ mua 140 máy bay chiến đấu Su-30MK Sukhoi của Nga với mức giá được cho là 5,4 tỷ USD.
Hệ thống S-400, do Phòng Thiết kế, Tập đoàn Almaz-Antey (Nga) phát triển, là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa đất đối không S-300. S-400 có khả năng tiêu diệt nhiều mục tiêu trên không, bao gồm cả máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình từ khoảng cách xa 400km. Tuy nhiên, điều khiến S-400 trở nên nguy hiểm chính là khả năng theo dõi, bắt bám và tiêu diệt đồng thời nhiều mục tiêu trên không.
Ngoài thương vụ S-400, Ấn Độ cũng thông báo về kế hoạch hiện đại hóa 24 hệ thống tên lửa phòng không S-125 của Ấn Độ, vốn được sản xuất từ thời Liên Xô. Trị giá hợp đồng khoảng 180 triệu USD.
Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK