Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo đầu tiên trong các lãnh đạo các nền kinh tế APEC thăm chính thức Thái Lan nhân dịp Hội nghị APEC lần này.
Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 từ ngày 16 - 19/11.
Chuyến thăm khẳng định mạnh mẽ Việt Nam coi trọng mối quan hệ với quốc gia chung dòng sông Mekong, củng cố và nâng tầm Quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan. Phóng viên thông tin một số nét chính về quan hệ Việt Nam - Thái Lan và đóng góp của Việt Nam với APEC.
Chuyến thăm chính thức Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc rất được hai nước chờ đón, bởi đây là chuyến thăm chính thức của người đứng đầu nhà nước Việt Nam tới Vương Quốc Thái Lan sau 24 năm kể từ chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào năm 1998 và gần 10 năm sau chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2013. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên trong các lãnh đạo các nền kinh tế APEC thăm chính thức Thái Lan nhân dịp Hội nghị APEC lần này.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. (Ảnh: TTXVN)
Cho dù đại dịch COVID-19, Quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giữa hai nước phát triển tích cực. Thái Lan giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai nước đạt gần 19 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. 9 tháng qua cũng đã đạt trên 16 tỷ USD. Thái Lan có 670 dự án đầu tư vào Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 13 tỷ USD, đứng thứ 9 trong số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN.
Hai bên cũng đã tích cực hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phối hợp chống tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác đào tạo; hợp tác về y tế, lao động, du lịch. 6 tháng 2022, Việt Nam đón gần 40.000 lượt khách Thái Lan và khách Việt Nam đến Thái Lan là khoảng 130.000 người. Cơ chế hợp tác địa phương cũng rất sôi động. Hiện có 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác hoặc kết nghĩa với các địa phương Thái Lan.
Việt Nam và Thái Lan hiện cùng tham gia nhiều Diễn đàn khu vực và đều có vai trò quan trọng, trong đó cùng là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); hợp tác trong khuôn khổ Mê Công, trong đó, Việt Nam là động lực phát triển chính của tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt là Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS).
Với những nền tảng và cùng tham gia nhiều diễn đàn hợp tác, chuyến thăm là dịp để các lãnh đạo hai nước Việt Nam và Thái Lan thảo luận những cơ chế hợp tác mới, tạo điểm nhấn, sức bật mới, nâng tầm quan hệ hai nước.
Ngay sau chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29 với chủ đề: “Rộng mở. Kết nối. Cân bằng.” (Open. Connect. Balance.) với Tầm nhìn về một APEC “Mở với tất cả cơ hội, Kết nối trên mọi phương diện, Cân bằng trên mọi khía cạnh”. Với những đóng góp quan trọng trong suốt 24 năm tham gia APEC, chuyến tham dự Hội nghị lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định Việt Nam tích cực, chủ động với Diễn đàn APEC. Đặc biệt năm nay là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch về Tầm nhìn APEC đến năm 2040, những văn kiện đánh dấu khởi đầu một hành trình mới của hợp tác APEC… mà Việt Nam là nền kinh tế đưa ra sáng kiến này tại APEC 2017.
Tại APEC 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, Đối thoại không chính thức và làm việc giữa các nhà Lãnh đạo APEC với Khách mời; và phát biểu dẫn đề tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC.
Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 (2021) được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: TTXVN
Cho đến nay, Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017. Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực, được các thành viên đánh giá cao. Trong đó có các sáng kiến về phát triển bền vững, bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thúc đẩy kinh tế số, an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ… Doanh nghiệp của Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực, đề xuất nhiều khuyến nghị lên các nhà Lãnh đạo và các Bộ trưởng APEC.
Trong năm 2022, Việt Nam tích cực ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với Chủ nhà Thái Lan, các thành viên APEC chủ chốt và các thành viên ASEAN trong APEC duy trì nguyên tắc thương mại - đầu tư tự do và mở của Diễn đàn, thúc đẩy đà hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy các nỗ lực ứng phó dịch bệnh, phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, bao trùm trong dài hạn, bảo đảm thành công của Năm APEC 2022; đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Nhóm ASEAN trong APEC năm 2022; thúc đẩy đoàn kết và đề cao vai trò của ASEAN.
Nguồn: Báo CAND