Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 23/11 đưa ra cảnh báo rằng châu Âu vẫn đứng trước mối đe dọa lớn từ đại dịch, dự báo số người chết vì COVID-19 có thể lên đến 2,2 triệu nếu tình hình không chuyển biến theo hướng tích cực.
Châu Âu trong những tuần gần đây đã tiếp tục trở thành tâm dịch COVID-19 của thế giới. Nguyên nhân được nhiều chuyên gia đưa ra là tốc độ tiêm chủng chậm ở một số nước, sự nguy hiểm và dễ lây lan của biến thể Delta. Thời tiết bắt đầu lạnh hơn khiến người dân chủ yếu sinh hoạt trong nhà và việc nhiều nơi nới lỏng các hạn chế chống dịch.
Sự gia tăng các ca nhiễm mới phá kỷ lục đã khiến Áo phải công bố lệnh đóng cửa trên phạm vi toàn quốc, trong khi Đức và Hà Lan cũng chuẩn bị đưa ra những hạn chế mới. Tính đến nay, chỉ có 67,7% dân số tại Liên minh châu Âu (EU) được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, tỷ lệ tại mỗi nước thành viên có thể thấp hơn trung bình của toàn khối.
Điển hình như chỉ có 24,2% dân số tại Bulgaria được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tỷ lệ này ở Bồ Đào Nha lại rất cao (86,7%). Tính đến nay, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người tại châu Âu, tuy nhiên, con số này có thể tăng thêm 700.000 người nữa trước ngày 1/3/2022, theo dự báo của WHO. Ngoài ra, "tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các phòng chăm sóc đặc biệt" dự kiến sẽ xảy ra ở 49 trên 53 nước tại khu vực này, theo CNBC.
Theo dữ liệu của WHO, số ca tử vong liên quan đến COVID ở 53 quốc gia thuộc khu vực châu Âu hồi tuần trước đã tăng lên gần 4.200 ca mỗi ngày, tăng gấp đôi so với 2.100 ca tử vong mỗi ngày vào cuối tháng 9. Đây là minh chứng cho thấy sự bảo vệ của vaccine trước virus đang giảm dần. Xuất phát từ thực tế này, một số quốc gia, bao gồm Hy Lạp, Pháp và Đức, đang tiến tới việc yêu cầu tiêm mũi thứ ba hoặc mũi bổ sung cho những người đã được công nhận là tiêm chủng đầy đủ cho đến nay.
