Ngày nay, bệnh bại liệt gần như đã không còn là mối lo lắng quá lớn của con người nhưng vào nửa đầu thế kỷ 20, nó là một trong những căn bệnh đáng sợ nhất. Suốt thập niên 1940 - 1950 cứ mỗi năm lại có nửa triệu người chết vì bại liệt. Một trong những bệnh nhân nổi tiếng nhất của căn bệnh này là Franklin D. Roosevelt và ông dù may mắn sống sót nhưng đã bị liệt nửa người.
Và rồi, Salk xuất hiện như một vị cứu tinh với loại vaccine mà ông đã thử nghiệm trực tiếp trên chính mình và các thành viên trong gia đình. Chỉ 2 năm sau khi loại vaccine của Salk được tiêm chủng rộng rãi, số ca mắc bại liệt đã giảm chỉ còn 1/10. Salk có thể đã kiếm bộn tiền từ phát minh của mình nhưng thay vì thế, ông hiến nó cho nhân loại, bởi theo ông, nó là tài sản trí tuệ của chung, như mặt trời vậy, không ai độc quyền sở hữu mặt trời.
|
Tranh vẽ của tạp chí Rolling Stone mô tả các hãng dược phẩm như một con kền kền lớn thu lợi nhờ COVID-19.
|
So sánh vaccine với mặt trời là một lỗi ngôn ngữ của Salk, vì mặt trời là một sản phẩm của vũ trụ (hay thượng đế), còn vaccine thì không hẳn thế. Vào thế kỷ 18, bác sĩ Edward Jenner đã giúp một cậu bé miễn dịch với căn bệnh đậu mùa nhờ lấy dịch từ vết thương của một phụ nữ từng mắc bệnh đậu bò (căn bệnh đậu mùa trên bò) rồi tiêm cho cậu, từ đó lần đầu tạo ra vaccine. Tuy việc lấy dịch vết thương của người này tiêm cho người kia thì không đủ tiêu chuẩn để cấp cho Jenner bằng sáng chế nào nhưng phần lớn các vaccine ngày nay phức tạp hơn nhiều và đòi hỏi một đội ngũ chuyên gia dành nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để nghiên cứu và thử nghiệm. Hay nói cách khác, vaccine là một phát minh của con người. Dẫu vậy, cách so sánh ấy của Salk chỉ ngụ ý về niềm tin của ông rằng, về bản chất, mục đích của khoa học là phụng sự con người vô điều kiện.
Câu chuyện của Salk xứng đáng được nhắc lại vào thời điểm chính phủ của Tổng thống Biden có mong muốn gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine để các quốc gia nghèo cũng có thể tiếp cận với nguồn tri thức này và cứu lấy những công dân của mình. Nhưng, nhiều nước châu Âu phản đối. Cả lãnh đạo các tập đoàn dược khổng lồ cũng phản đối. Họ nói rằng động thái đó sẽ làm thui chột và triệt tiêu động lực cải tiến vaccine của doanh nghiệp và các nhà khoa học làm việc cho doanh nghiệp.
Và họ hoàn toàn chính xác. Lợi nhuận là sự tưởng thưởng cho những ai xứng đáng. Frederick Winslow Taylor, người được mệnh danh là cha để của ngành quản lý khoa học, vào đầu thế kỷ 20 đã đưa ra một lý thuyết đã tạo ảnh hưởng lớn lên các hệ thống tổ chức sản xuất trên toàn thế giới, mà ý tưởng cơ bản của nó là: tiền là động lực. Dù sau này đã có nhiều lý thuyết với tư tưởng đi ngược lại nó nhưng dẫu sao thì, chẳng phải Cuba Gooding, Jr. đã có một vai phụ để đời trong bộ phim “Jerry McGuire” chỉ nhờ cảnh hét lên trong điện thoại với nam chính Tom Cruise rằng: “Cho tôi xem tiền của tôi!” hay sao? Chúng ta đều thích câu thoại ấy và câu thoại ấy là kinh điển bởi vì nó quá hiện thực, quá trần trụi, quá đúng. Tiền và lợi nhuận rất quan trọng.
Không thể bảo các công ty dược hy sinh lợi nhuận của mình khi mà, nói như tờ New York Times, “các tập đoàn dược đã nghiện những khoản lợi nhuận khổng lồ”. Tính toán từ năm 2000-2018, chỉ riêng 35 tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới đã thu về 11,5 ngàn tỷ USD và lợi nhuận ròng là 8,6 ngàn tỷ USD. Tỷ suất lợi nhuận ròng của ngành dược phẩm cao hơn bất cứ ngành nghề nào khác. Và nó đã như thế từ giữa thập niên 1950.
Trong cuốn “Dược phẩm: Lòng tham, sự dối trá và sự đầu độc nước Mỹ”, tác giả - nhà báo điều tra Gerald Posner kể lại những câu chuyện về những buổi đầu thành lập của một số ông lớn trong ngành dược phẩm và cách họ tạo dựng đế chế của mình.
Như một câu chuyện xảy ra vào năm 1990, hãng Bayer của Đức đã cho ra đời một loại aspirin giảm đau “thần thánh” với tên gọi lấy cảm hứng từ “anh hùng” trong tiếng Đức. Họ quảng bá rằng nó có thể điều trị cả tá bệnh: cảm cúm, ho, hen suyễn, động kinh, ung thư dạ dày, đa xơ cứng, rối loạn lưỡng cực. Họ còn khẳng định rằng nó an toàn với trẻ em. Bạn đang tò mò không biết loại thuốc gì mà chữa bách bệnh không khác gì mấy loại thuốc do các lang băm quảng cáo trên Facebook quá vậy? Xin thưa, loại thuốc ấy chính là... heroin.
Hay một câu chuyện khác vào thời Thế chiến II, khi sự ra đời của kháng sinh giúp cho các hãng dược xóa bỏ tai tiếng chuyên sản xuất thuốc gây nghiện để trở thành nhà tiên phong trong việc cứu tính mạng con người, các hãng này đã ngay lập tức đăng ký bằng sáng chế cho một loạt kháng sinh dùng được cho nhiều vấn đề sức khỏe và tạo nên một cơn sốt để các bác sĩ kê đơn kháng sinh cho 90% trường hợp bệnh nhân tới khám, dù họ không thực sự cần đến kháng sinh để khỏi bệnh. Những hậu quả tai hại của cơn sốt kháng sinh đến bây giờ đã bắt đầu rõ rệt hơn. Nhưng, không sao cả, với các hãng dược, điều quan trọng là họ đã thu được lợi nhuận.
Lợi nhuận có thể không là động lực của Salk nhưng đó là động lực của các công ty dược. Mà thế giới ngày nay cũng phức tạp hơn trước rất nhiều, những cá nhân đơn lẻ khó có thể tạo nên một sức mạnh cụ thể nào bởi thế giới được vận hành bởi những tập đoàn với chân rết mọc khắp địa cầu. Ta không thể bảo loài hổ đừng ăn thịt, đó là bản chất của nó và ta chẳng thể đòi hỏi những hãng dược lớn phải tỏ ra “nhân đạo” như Salk.
|
Tranh minh họa “người chiến sĩ chống bệnh bại liệt” Jonas Salk trên bìa tạp chí Time.
|
Các hãng dược cũng lập luận rằng, việc gỡ bỏ bằng sáng chế với vaccine COVID-19 sẽ tạo thành một tiền lệ xấu và khiến trong tương lai, nhiều phát minh khác cũng sẽ bị đòi gỡ bằng sáng chế. Nhưng, họ không bao giờ đặt ngược lại vấn đề rằng, việc xin cấp bằng sáng chế liên tục cũng khiến cho mọi thứ đều bị yêu cầu cấp bằng sáng chế, đến cả gene người - điều vốn dĩ thuộc về tự nhiên - cũng trở thành sở hữu trí tuệ của một ai đó.
Năm 2012, một vụ việc gây xáo động dư luận khi công ty kỹ thuật sinh học Myriad Genetics bị kiện vì giữ bằng sáng chế với 2 gene có liên quan tới căn bệnh ung thư buồng trứng và ung thư vú là BRCA1 và BRCA2. Họ không phải những người duy nhất vào thời điểm ấy sở hữu gene. Khoảng 20% bộ gene người khi đó là sở hữu của một tập đoàn hay một nhà khoa học nào đó.
Người khởi kiện cho rằng Myriad không thể sở hữu gene cũng như người ta không thể sở hữu vàng. Nhưng, Myriad thì so sánh gene giống như một chiếc gậy đánh bóng chày, nó tuy có chất liệu tự nhiên nhưng cắt đoạn gene nào ra là sự lựa chọn mang tính khoa học. Sau nhiều năm ròng rã, cuối cùng thì Myriad mất quyền sáng chế nhưng ta hãy tưởng tượng trong nhiều năm trời, gene trong cơ thể ta thuộc về sở hữu trí tuệ của một ai đó, điều rất vô lý mà vẫn ngang nhiên tồn tại.
Và xét cho cùng, gỡ bỏ bằng sáng chế của một vài nghiên cứu liệu có gây tổn hại đến động lực nghiên cứu các nhà khoa học hay không? Roentgen đã từ chối xin cấp bằng sáng chế cho tia X và nguyên do của ông là gì? Nguyên do của ông là điều đó sẽ hạn chế sự phát triển của khám phá này!
Và thay vì làm tổn hại đến động lực nghiên cứu, sau này, những người kế thừa tri thức của ông trong lĩnh vực phóng xạ là Marie Curie và Pierre Curie, họ được vinh danh không chỉ vì họ đã tìm ra radium, cũng không chỉ vì họ đã tìm ra radium bất chấp việc đánh đổi sức khỏe của mình, mà còn vì họ đã tìm ra radium. Đã đánh đổi sức khỏe của mình nhưng đã tặng không nó cho thế giới. Bạn có thể nói Roentgen đã là một triệu phú nhờ kế thừa gia sản gia đình nên ông không cần nhiều tiền hơn nữa nhưng Marie Curie thì khác, bà sau này không thể mua nổi 1 gram radium, thứ nguyên tố do chính bà tìm ra nhưng bà chưa bao giờ hối hận. Marie Curie nói: “Radium không để làm giàu cho bất cứ ai. Radium là một nguyên tố và nó thuộc về con người”.
Roentgen hay Marie Curie cũng vẫn là những cá nhân đơn lẻ. Ta có quyền hy vọng vào trái tim cao thượng của những cá nhân đơn lẻ nhưng không nên hy vọng vào lòng tốt của hổ, không nên hy vọng vào trái tim cao thượng của những tập đoàn.
Nguồn: Báo CAND