Thứ Tư, 20/11/2024
“ĐOÀN KẾT – DÂN CHỦ - KỶ CƯƠNG – TRÁCH NHIỆM – HIỆU QUẢ”
Bầu cử Mỹ 2016: Chiến thắng ấn tượng của cựu Ngoại trưởng và tỷ phú

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (trái) và tỷ phú Donald Trump

Cựu Ngoại trưởng Mỹ đã chiến thắng tại 7 trong tổng số 11 bang tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, gồm Massachusetts, Georgia, Virginia, Alabama, Tennessee, Arkansas, Texas và vùng lãnh thổ Samoa. Như vậy, chỉ tính riêng trong ngày “Siêu thứ Ba”, bà Clinton đã giành được ít nhất 457 phiếu đại biểu tham dự Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ, nâng tổng số ghế đã nhận được lên ít nhất 1.005. Đối thủ duy nhất của bà là Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders đã giành thắng lợi tại 4 bang gồm Vermont, Oklahoma, Colorado và Minnesota (với ít nhất 286 phiếu đại biểu trong ngày “trọng đại” này, nâng tổng số ghế đã nhận được lên ít nhất 373. Đánh giá về hai ứng cử viên tiềm năng trong cuộc đua giành đề cử trong nội bộ đảng Dân chủ, Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã nhận định chính bà Clinton, chứ không phải ông Sanders, mới là ứng cử viên hiểu rõ những yêu cầu và bản chất công việc của một tổng thống.

Trong khi đó, bên đường đua của đảng Cộng hòa, không tỏ ra kém cạnh bà Clinton, “ông trùm” bất động sản Trump cũng đã giành thắng lợi tổng cộng tại 7 trong số 11 bang tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng này trong ngày “Siêu thứ Ba”. Nhà tỷ phú đã giành được thêm ít nhất 192 lá phiếu đại biểu trong ngày 1-3, nâng tổng số lá phiếu giành được cho đến nay lên ít nhất 274 đại biểu tham dự Đại hội Toàn quốc của đảng Cộng hòa. Xuất hiện đầy bất ngờ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Donald Trump khiến các chính khách Cộng hòa đi từ “ngạc nhiên” đến “choáng váng” khi ứng cử viên bị coi là “ngoại đạo” này đang vững vàng dẫn đầu cuộc đua trong nội bộ đảng. Những gì mà ông Trump gặt hái được trong ngày “Siêu thứ Ba” cho thấy những tuyên bố gây sốc hay chính sách xử lý người nhập cư gây tranh cãi của ông không những không phản tác dụng mà còn hấp dẫn cử tri. 

Nhận định về sự bứt phá ngoạn mục của ông Trump, chiến lược gia Ford OConnell cho rằng: “Ông Trump đã chiến thắng được 50% trong cuộc đua được đề cử làm ứng cử viên đảng Cộng hòa và ông có khả năng được bầu cao hơn”. Tuy vậy, hy vọng chưa hẳn đã tắt đối với các ứng cử viên còn lại của đảng Cộng hòa. Sau khi giành thắng lợi tại tiểu bang Alaska, Thượng nghị sĩ Ted Cruz đã nâng tổng số bang chiến thắng trong ngày “Siêu thứ ba” lên con số 3, đặc biệt trong đó có “chiến địa quan trọng” Texas. Ngoài ra, Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio cũng giành chiến thắng tại bang Minnesota với ít nhất 66 phiếu đại biểu và hiện có tổng cộng 87 phiếu đại biểu.

Hiện còn quá sớm để dự đoán ai sẽ trở thành người chèo lái nước Mỹ trong 5 năm tới khi cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ chỉ vừa mới bắt đầu. Tuy nhiên, chiến thắng của cựu Ngoại trưởng Clinton và tỷ phú Trump trong ngày “Siêu thứ Ba” đã định hình cuộc đua “song mã” giữa hai ứng cử viên này trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới. 

Trong một diễn biến liên quan đầy thú vị, cách đây không lâu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ ca ngợi ông Trump là người “thông minh, tài năng” và là “người dẫn đầu tuyệt đối trong cuộc đua tổng thống”. Đáp lại, nhà tỷ phủ bất động sản này đã nhận lời khen ngợi trên như một niềm “vinh dự lớn”, và không quên tán dương Tổng thống Putin là “một người dẫn dắt, một nhà lãnh đạo mà nước Mỹ hoàn toàn không hề có”. Ông Trump cũng từng tuyên bố sẽ làm tan băng trong quan hệ song phương Mỹ - Nga nếu ông đắc cử: “Tôi sẽ hợp tác với ông ấy (Tổng thống Putin – PV). Tôi sẽ hòa hợp với các lãnh đạo thế giới mà đất nước này đang không thể hòa hợp được”. Mặc dù ông chủ Điện Kremlin công khai sự thích thú với ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, nhưng theo chuyên gia Theodore Roosevelt Malloch, một quan chức từng giữ nhiều vị trí cấp cao trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ lại nhận định rằng, nhà lãnh đạo Nga vẫn muốn bà Clinton trở thành Tổng thống trong nhiệm kỳ mới vì ông tin rằng Moskva sẽ dễ làm việc với Washington hơn nếu cựu nữ Ngoại trưởng Mỹ làm chủ Nhà Trắng. Ông Malloch giải thích: “Chính vì sự phóng khoáng của một tài phiệt mà người Nga e ngại rằng ông Trump không phải là một người ngán phải đối đầu với bất kỳ ai, kể cả (Tổng thống) Putin”.

Super Tuesday (Siêu thứ Ba) là ngày gì?

“Siêu thứ Ba” được dùng để chỉ ngày thứ Ba đầu tiên của tháng Hai hoặc tháng Ba của năm bầu cử Tổng thống Mỹ, có nhiều bang cùng tổ chức bầu cử sơ bộ nhất. Ngày này được hình thành từ năm 1984 dựa trên hai lý do chính: hợp nhất các cử tri và tổ chức chiến dịch bầu cử. Các đại biểu Dân chủ ở phía Nam muốn làm nổi bật tầm quan trọng của khu vực bằng cách nhóm họp lại các bang cùng bỏ phiếu trong một ngày. Việc sắp xếp này cũng giúp cho cuộc bầu cử sơ bộ của hai đảng giảm bớt tính chất địa phương, loại bỏ các ứng viên yếu kém bằng cách ép họ tiến hành chiến dịch vận động trên toàn quốc. Nhiều bang bỏ phiếu sơ bộ cũng có nghĩa là không ngày bầu cử sơ bộ nào có thể chọn ra nhiều đại biểu như “Siêu thứ Ba”. Đồng thời đây cũng là cơ hội duy nhất để một đại biểu riêng lẻ có cơ hội tuyên bố về khả năng chắc chắn đối với vị trí của mình. Cuộc bầu cử càng ít tính chất địa phương, các đại biểu tham gia “cuộc đua” quốc gia sẽ càng được chọn lọc kỹ hơn. 7 bang khác sẽ tổ chức bầu cử vào tiếp tuần tiếp theo, nhưng kể từ thứ Hai đầu tuần (năm nay là ngày 7-3), thông tin về cuộc biểu quyết cũng như các đại biểu sẽ bắt đầu lộ diện.          

Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm TTKH&TLGK

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi