Làn sóng phẫn nộ đổ bộ mạng xã hội Hàn Quốc, nơi người ta nhận ra, cặp vận động viên này không phải những người nổi tiếng duy nhất từng là kẻ đứng sau bạo lực học đường. Những gương mặt nổi tiếng khác lần lượt dính cáo buộc. Một số thừa nhận, một số im lặng, và một số tạm dừng hoạt động. Từ khi nào, vấn nạn bạo lực học đường đã phủ đen làng giải trí xứ sở kim chi?
Cặp chị em song sinh Lee Jae-yeong và Lee Da-yeong là hai trong số những vận động viên nổi tiếng nhất Hàn Quốc. Họ đã góp công giúp tuyển nữ quốc gia đủ điều kiện tham gia Thế vận hội Tokyo, và hiện đang chơi cho một trong những đội bóng chuyền gạo cội nhất cả nước - Heungkuk Life Pink Spiders.
|
Hai nữ vận động viên Lee Jae-yeong và Lee Da-yeong (ảnh trên) và diễn viên Ji Soo (ảnh dưới) đã thừa nhận hành vi bắt nạt bạn học của mình. Ảnh: Getty
|
Sự nổi tiếng của cặp đôi đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ đam mê thể thao, cho đến khi một tài khoản mạng xã hội hồi tháng 2 vừa qua lên tiếng cáo buộc hai vận động viên từng bắt nạt bạn cùng lớp ở trường tiểu học và trung học cơ sở, theo Korea Times. Người tố cáo, tự nhận mình là người học cùng trường với cặp song sinh, nói rằng chị em họ Lee thậm chí từng đe dọa cô và những người khác bằng dao vì "không vâng lời".
"Tôi viết thư này thay mặt cho bốn nạn nhân, dù thực tế còn nhiều hơn thế. Họ đã lăng mạ bố mẹ chúng tôi, tống tiền và bắt nạt chúng tôi. Tôi từng muốn tự tử vì bị bắt nạt, còn họ thì chỉ chuyển đến trường khác mà không một lời xin lỗi", người tố cáo lên tiếng.
Chỉ vài ngày sau, một loạt trang tin tức lớn của Hàn Quốc đưa tin: "Hai chị em họ Lee đã thừa nhận hành vi bắt nạt trong quá khứ". Một bức thư xin lỗi do chính cặp song sinh viết được đăng tải trên mạng xã hội, thừa nhận đã để lại những tổn thương lâu dài và những ký ức kinh hoàng cho các nạn nhân. Cái cúi đầu nhận lỗi muộn màng của cặp song sinh đã mở màn cho những lời tố cáo nhằm thẳng vào người nổi tiếng. Kim Ji Soo, nam diễn viên thủ vai chính trong bộ phim truyền hình ăn khách "Sông đón trăng lên" đang phát sóng, cũng đã cúi đầu thừa nhận và xin lỗi sau khi bị bạn học cũ tố cáo.
Theo đó, ngày 2/3, một nạn nhân tự nhận là bạn học cấp 2 với Ji Soo đã viết bài tố cáo nam diễn viên này bắt nạt, hành hạ mình và nhiều người khác. Không chỉ lăng mạ, hành hung bạn học, nhóm học sinh cá biệt do Ji Soo cầm đầu còn bắt các học sinh phải mua thuốc lá cho họ, và thậm chí ném thức ăn vào bất cứ ai họ thấy không ưa. Nam diễn viên còn bị tố thác loạn trong hộp đêm khi chưa đủ tuổi và quấy rối tình dục bạn học nữ.
Trong lúc các tình tiết mới tiếp tục hé lộ, Ji Soo bất ngờ đăng tải một tâm thư lên mạng xã hội tuyên bố sẽ nhập ngũ và thừa nhận các hành vi sai trái trong quá khứ, gửi lời xin lỗi tới những nạn nhân phải chịu đựng sự bắt nạt của mình. Cũng vào lúc này, một danh sách các thần tượng ca nhạc Hàn Quốc bị cáo buộc bắt nạt bạn bè khi còn là học sinh bất ngờ xuất hiện với hơn 10 cái tên đình đám. Trong số đó, Soojin - thành viên nhóm nhạc nữ (G)I-DLE - đã thông báo ngừng hoạt động để kiểm điểm bản thân, sau khi bị phanh phui hút thuốc, uống rượu, ăn cắp và bắt nạt bạn bè khi học cấp hai.
Theo một báo cáo của chính phủ Hàn Quốc năm 2020, tự tử là nguyên nhân gây tử vong số 1 ở thanh thiếu niên nước này trong 8 năm liên tiếp. Bắt nạt và bạo lực học đường là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tỷ lệ tự tử cao. Trong lúc giới chức trong nước đau đầu tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng trên, những cáo buộc được cho là nặc danh khiến vấn đề bạo lực học đường một lần nữa nóng lên, mà đối tượng bắt nạt không ai khác chính là những người nổi tiếng.
Korea Times cho rằng bê bối bắt nạt học đường đã phơi bày sự thật về nhân cách của những người nổi tiếng, như phong trào #Metoo trước đó. Còn công ty chủ quản của các nghệ sĩ, họ phản ứng ra sao? Với cặp song sinh của làng bóng chuyền Hàn Quốc, ngay lập tức, Heungkuk Life Pink Spiders đã đình chỉ vô thời hạn việc thi đấu của hai chị em họ Lee và Hiệp hội Bóng chuyền Hàn Quốc cho biết họ sẽ không tham gia Thế vận hội Tokyo. Với bê bối của Ji Soo, công ty quản lý của nam diễn viên là KeyEast Entertainment đã đưa ra thông báo rằng sẽ nghiêm túc xem xét và xác minh sự thật.
|
Một cảnh phim mô tả tình trạng bạo lực học đường trong bộ phim “Penthouse”. Ảnh: Weibo
|
Đoàn làm phim "Sông đón trăng lên" cũng xác nhận hủy vai diễn của Ji Soo, dù bộ phim đã gần như hoàn tất. Cube Entertainment, công ty chủ quản của ca sĩ Soojin, lại mạnh mẽ tuyên bố: "Các cáo buộc này là những câu chuyện một phía của những người tự nhận là nạn nhân và chúng không phải là sự thật". Nhà phê bình văn hóa Kim Heon-shik cho biết, người hâm mộ Hàn Quốc giờ đây yêu cầu nền tảng đạo đức cao hơn đối với những người nổi tiếng, vì sức ảnh hưởng toàn cầu của văn hóa đại chúng Hàn Quốc đang ngày càng tăng.
"Ngày nay, một ca sĩ hoặc diễn viên Hàn Quốc có thể xuất hiện trên nhiều nền tảng ở nước ngoài cùng một lúc. Vì thế, người hâm mộ muốn họ trong sạch về nhân cách và đạo đức". Đó được cho là lý do khiến các công ty đặc biệt đề cao việc xây dựng hình ảnh người nổi tiếng nói không với bê bối và tai tiếng, nhất là khi việc đào tạo một người nổi tiếng cho đến khi ra mắt tại Hàn Quốc có thể tiêu tốn tới gần 19 tỷ VND. Khi một bê bối xảy ra, công ty giải trí chỉ có thể hoặc phủ nhận cáo buộc, hoặc chấm dứt hợp đồng, hoặc im lặng.
Trong loạt bê bối lần này, một cách vô cùng tình cờ, vào đúng thời điểm lần lượt các bê bối bắt nạt học đường của người nổi tiếng Hàn Quốc bị phanh phui, truyền thông nước này lại tung ra tin tức hai nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu lộ ảnh hẹn hò, thu hút sự chú ý của cư dân mạng vào chủ đề mới, và các cáo buộc bạo lực học đường, một lần nữa, lại chìm vào lãng quên. Cũng từ đây, cư dân mạng bắt đầu đặt nghi vấn về việc chính các công ty đang che giấu, thậm chí là mượn truyền thông để "tẩy trắng" quá khứ bắt nạt của những người nổi tiếng dưới chướng của mình, nhằm mục đích đảm bảo doanh thu và uy tín. Nhưng nghi vấn vẫn mãi chỉ là nghi vấn.
Trong một diễn biến khác, Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố, khoảng 60.000 học sinh của các trường tiểu học, THCS, và THPT cho biết họ từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Một báo cáo do Statista thực hiện lại cho thấy, một trong 5 lý do tác động đến bạo lực học đường tại Hàn Quốc trong năm 2020 là cách truyền thông phác họa bạo lực học đường trên phim ảnh, Internet và trên các trò chơi.
Như một minh chứng, bộ phim “Penthouse” nổi đình nổi đám đang được phát sóng tại Hàn Quốc đã lột tả chân thực thực trạng bạo lực học đường đáng báo động này. Những đứa trẻ sinh ra vốn đã ngậm thìa vàng lại lựa chọn một hình thức cực đoan để giải trí: bắt nạt bạn học. Nạn nhân của các vụ bạo lực học đường thường là những học sinh ít bạn bè, thiếu sự chở che từ gia đình và không có khả năng chống trả. Không dừng lại ở những lời lăng mạ, Penthouse khắc họa bạo lực học đường một cách trần trụi với các cảnh bắt giam, đổ nước bẩn, đánh đập, thậm chí là hành hạ tâm lý.
Trước đó, những bộ phim như “Boys Over Flower”, “School 2015”, “True Beauty” cũng khai thác mạnh mẽ đề tài này. Trên thực tế, theo WIO News, việc thế giới phim truyện lên án vấn nạn bạo lực học đường tại Hàn Quốc sẽ là một bước đệm để các nạn nhân dũng cảm đứng lên tố cáo hành vi bạo lực học đường qua mạng xã hội, và cái kết cho những kẻ bắt nạt trên phim cũng là lời cảnh tỉnh cho những kẻ bắt nạt ngoài đời thực. Dẫu vậy, việc bóc trần có phần quá đà này liệu có đủ để cảnh tỉnh những kẻ đội lốt học sinh để bắt nạt người khác, hay lại vô tình trở thành hành vi cổ xúy bạo lực học đường?
Liệu trong số những người nổi tiếng đang xuất hiện trên sóng truyền hình mỗi ngày, ai là hình mẫu thực sự, và ai cũng là một kẻ từng bắt nạt bạn học được tẩy trắng để tiến thân? Theo NBC News, những nạn nhân của bạo lực học đường mất rất nhiều thời gian để quên đi tổn thương trong quá khứ, và việc nhìn thấy chính kẻ đã bắt nạt mình xuất hiện và nổi tiếng trên truyền hình khiến quá khứ không thể ngủ yên.
Đáng tiếc là, sự nổi tiếng của những kẻ bắt nạt trá hình càng khiến các nạn nhân không thể nào lên tiếng. Phải chăng, đã đến lúc làng giải trí Hàn Quốc cần có một chiến lược sàng lọc hiệu quả và kỹ càng hơn với diễn viên, nghệ sĩ và đề tài phim ảnh? Để những cái cúi đầu muộn màng của người nổi tiếng sẽ không còn tái diễn, và bạo lực học đường sẽ không còn là "miếng mồi ngon" cho các nhà làm phim.
Tuy nhiên, theo nhà phê bình văn hóa Kim Heon-shik, công chúng vẫn cần thận trọng trước những cáo buộc vô danh nhằm vào người nổi tiếng, bởi rất khó xác thực tính đúng sai của bài viết, trong khi mức độ lan tỏa của các cáo buộc lại rất nhanh.
Những cáo buộc vô căn cứ trên mạng xã hội đủ mạnh để bôi nhọ, hạ bệ, thậm chí là phá tan sự nghiệp của một nghệ sĩ trẻ. "Những cáo buộc đều dựa trên sự ẩn danh trên các cộng đồng trực tuyến và phương tiện truyền thông xã hội. Điều nguy hiểm là mọi người có thể bị lay động bởi những chia sẻ chủ quan và ký ức của người nhận là nạn nhân", ông Kim cho hay. Một bài toán mới mang tên "cáo buộc ẩn danh trên mạng xã hội" cũng vì thế ra đời.
Nguồn: Báo CAND