51 quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã ký Bản ghi nhớ nội bộ, trong đó bày tỏ không đồng tình với chính sách của Tổng thống Barack Obama ở Syria, và đề xuất Washington cần thực hiện không kích vào quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad. Một chuyên gia phân tích của Mỹ đã nhận xét rằng, đề xuất bất khả thi trên của Bộ Ngoại giao Mỹ là “hoàn toàn vô lý”.
Nhà phân tích chính sách đối ngoại Daniel Wagner của Mỹ tỏ ra bất ngờ trước thông tin trên và bày tỏ: “Thực lòng không hiểu vì sao những người trong Bộ Ngoại giao lại viết lá thư đó khi cuộc chiến ở Syria đã bước sang năm thứ 5”.
Ông Wagner còn không biết vì sao các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tin rằng, Tổng thống Obama sẽ thay đổi chính sách của mình khi chỉ còn vài tháng nữa là hết nhiệm kỳ Tổng thống. Thực tế cho thấy, từ trước tới nay, chủ trương của ông chủ Nhà Trắng là không can thiệp trực tiếp vào cuộc nội chiến ở Syria. Nếu Washington đồng ý với đề xuất trên thì đây sẽ là một sự thay đổi rất lớn trong chính sách của Mỹ ở Syria.
Một quan chức Mỹ, người không kí vào Bản ghi nhớ nội bộ trên nhưng đã đọc nó, nhấn mạnh rằng, Nhà Trắng vẫn phản đối việc can thiệp quân sự sâu hơn vào cuộc xung đột Syria, đồng thời khẳng định, bản ghi nhớ trên sẽ không thể thay đổi được điều đó. Theo vị quan chức này, “nhóm nhà ngoại giao trên muốn đưa ra một phương án dùng quân sự để gây áp lực cho chế độ ở Syria”. Trong khi đó, giới chức Nga đã gọi Bản ghi nhớ nội bộ trên là “bức điện nổi loạn”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ bức điện, nhấn mạnh mọi nỗ lực nhằm thay đổi chính quyền ở Syria sẽ “không góp gì cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố” và sẽ nhấn chìm toàn bộ khu vực Trung Đông vào “một sự hỗn loạn toàn diện”. Đồng thuận với quan điểm này, nhà phân tích Wagner cho rằng, bản ghi nhớ trên không phải là một phần trong chiến dịch nhằm buộc Nga thay đổi lập trường của mình đối với chính quyền Assad.
Ông kết luận: “Tôi nghĩ rằng điều đó là không thể. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chứng minh rằng, không ai có thể buộc ông thay đổi quyết định của mình. Ông ấy và nước Nga hiện đang có vị thế rất vững chắc và tôi tin Mỹ hiểu được điều đó”.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng lên tiếng cáo buộc Mỹ có ý định sử dụng các cuộc tấn công quân sự ở Syria để lật đổ chính quyền Tổng thống Assad. Còn Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov thì cảnh báo thêm, những cuộc tấn công nhằm vào chính quyền Syria sẽ “đi ngược lại với các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ)”.
Ông Bogdanov nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “đàm phán và đạt được một giải pháp chính trị trên cơ sở luật pháp” vì điều này đã được nhất trí tại Hội đồng Bảo an LHQ.
Về phía Chính phủ Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao John Kirby cho biết “đang xem xét về bản kiến nghị trên” và “chưa thể bình luận gì về nội dung của nó”.
Theo ông Kirby, bản kiến nghị được đưa ra trên “kênh bất đồng chính kiến” - một diễn đàn chính thức, cho phép các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan điểm bất đồng. Các nhà ngoại giao có quyền thể hiện những ý kiến trái chiều và chính quyền của Tổng thống Obama luôn sẵn sàng lắng nghe những điều đó. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Mỹ sẽ làm theo lời kêu gọi của nhóm các nhà ngoại giao này.
Trong khi đó, phát biểu từ thủ đô Copenhagen (Đan Mạch), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định “chưa có cơ hội xem qua bức điện này” nhưng đó là một tuyên bố quan trọng. Ông Kerry nêu rõ ông tôn trọng quy trình của nó và sẽ thảo luận về vấn đề này, cũng như gặp gỡ mọi người khi trở về Washington…
Trích nguồn: Báo CAND Online
Biên tập: Mai Loan, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện