Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng Phạm Thị Lan Anh, Cục trưởng Cục Y tế Bộ Công an nhấn mạnh, trong những năm qua, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Đảng, Quốc hội và Chính phủ nước ta luôn quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề tốt để tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân công tác bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi môi trường.
Là lực lượng đóng quân trên địa bàn cả nước thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, Bộ Công an được giao quản lý nhiều cơ sở tập trung đông người như trụ sở làm việc, đóng quân của Công an 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Các Trại giam, trại tạm giam, Trường học, Bệnh viện, Cơ sở giáo dưỡng, các cơ sở sản xuất, Khu công nghiệp an ninh,...nếu không quản lý, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, quá trình hoạt động của các cơ sở này sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là vấn đề chất thải phát sinh trong hoạt động sinh hoạt, làm việc của CBCS và quá trình sản xuất của các doanh nghiệp,...
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, thời gian qua, lãnh đạo Bộ Công an luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao các mặt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong CAND; chủ động triển khai nhiều nhiệm vụ như kiểm tra, đánh giá tác động môi trường; chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi, ứng dụng các mô hình trụ sở xanh, trại giam xanh, bệnh viện xanh; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, hội thảo chuyên đề... nhằm cập nhật, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn cho CBCS trong lực lượng CAND góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Công an.
"Những thông tin trao đổi, thảo luận rất hữu ích tại Hội thảo này, sẽ là những kiến thức quý báu giúp các đơn vị trong CAND tiếp thu, vận dụng để tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại đơn vị một cách hiệu quả nhất." - Thiếu tướng Phạm Thị Lan Anh nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia về môi trường của Bộ Công thương, Trường Đại học Tài nguyên và môi trường, Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam đã trao đổi thônng tin, tập trung thảo luận, làm rõ nhưng nội dung liên quan đến sản xuất xanh, sản xuất sạch và quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó có nhiều nội dung rất đáng chú ý như: TS. Lê Ngọc Thuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tài nguyên và biến đổi khí hậu, Đại học Tài nguyên và môi trường trao đổi về phương pháp triển khai và những lưu ý trong quá trình ứng dụng sản xuất xanh, sản xuất sạch tại cơ sở sản xuất; ThS. Trần Thu Hằng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững Bộ Công thương trao đổi về mục tiêu, định hướng phát triển sản xuất xanh, sản xuất sạch ở nước ta trong giai đoạn hiện nay; Cơ chế chính sách của nhà nước trong khuyến khích chuyển đổi sản xuất truyền thống sang sản xuất bền vững; Kết quả và những bài học kinh nghiệm trong ứng dụng sản xuất xanh, sản xuất sạch trên thế giới và Việt Nam.
Ths Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam giới thiệu một số mô hình sản xuất xanh, sản xuất sạch; mô hình sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch có thể ứng dụng trong các đơn vị Công an; TS Nguyễn Hồng Đăng, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường trao đổi về hiện trạng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam và giới thiệu một số công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt thân thiện với môi trường, tính ứng dụng đối với các đơn vị trong lực lượng CAND..
Nguồn: Báo CAND