Chủ động hoàn thành nhiều phần việc
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết: Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng về triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, trong tháng 4 và đầu tháng 5, Đảng ủy Công an Trung ương đã làm việc với Thành ủy Hải Phòng và Tỉnh ủy Hải Dương về công tác đảm bảo ANTT gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đồng thời thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Đề án 06.
Với vai trò là cơ quan thường trực, Bộ Công an đã làm việc với Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất phương án khai thác tối đa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các bộ, ngành (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về làm sạch dữ liệu thuê bao di động, dữ liệu tài khoản ngân hàng và thúc đẩy triển khai Chỉ thị 18 của Chính phủ.
Cùng với đó, các bộ, ngành cũng có sự chuyển động tích cực với những phần việc, nhiệm vụ thuộc trách nhiệm được giao. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành các nghị định có liên quan đến cơ sở dữ liệu, Luật Giao dịch điện tử, chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số… Văn phòng Chính phủ hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC và tái cấu trúc quy trình TTHC, cung cấp dịch vụ công liên thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực chuẩn bị các điều kiện phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024; chỉ đạo, hướng dẫn 63 Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương thực hiện thí điểm học bạ số.
Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với TP Hà Nội, Thừa Thiên Huế triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID từ 22/4/2024. Tính đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận 792 hồ sơ (trong đó có 534 hồ sơ trên VNeID, chiếm 67,42%); TP Hà Nội đã tiếp nhận 3.955 hồ sơ (trong đó có 1.802 hồ sơ trên VNeID, chiếm 45,56%). Việc cấp lý lịch tư pháp trên VNeID giúp người dân không phải đến trụ sở cơ quan công quyền để làm thủ tục, giảm thời gian, chi phí, công sức cho chính người dân và cơ quan chức năng. Thống kê sơ bộ, với nhu cầu 2,6 triệu phiếu lý lịch tư pháp hàng năm, việc cấp trên VNeID dự kiến tiết kiệm khoảng 637 tỷ đồng mỗi năm.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai 19 mô hình điểm, nổi bật là sổ sức khỏe điện tử. Hiện có 1,58 triệu người dân được tạo lập các trường thông tin. Trung bình có hơn 1.600 lượt người dân/ngày thực hiện đăng ký khám, chữa bệnh qua các Kiosk tại Bệnh viện Đống Đa và Xanh Pôn. Hiện tiếp tục triển khai tại Bệnh viện Hòe Nhai và Bệnh viện Ba Vì. TP Hà Nội cũng triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại 7 điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tĩnh trên địa bàn thành phố và đang tiếp tục thí điểm đối với 8 điểm đỗ xe khác. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng ứng dụng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thu thuế khoán hộ kinh doanh, truy thu thuế lũy kế từ tháng 1/2024 đến tháng 4/2024 là 1,1 nghìn tỷ tồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời rà soát, xác thực người hưởng tại nơi cư trú để quản lý chặt chẽ, tránh lạm dụng trục lợi quỹ bảo hiểm. Một số địa phương đã đạt được kết quả tích cực như tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện trên toàn tỉnh, trong đó, BHXH thị xã Hồng Lĩnh là BHXH cấp huyện đầu tiên phối hợp cùng lực lượng Công an hoàn thành chi trả 100% người hưởng lương hưu và trợ cấp qua ATM.
Giải quyết ngay những nhiệm vụ còn chậm, muộn
Cũng theo thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, qua theo dõi đến 13/5/2024, Đề án 06 còn 40 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình (19 nhiệm vụ của năm 2023 chuyển sang, 1 nhiệm vụ của tháng 1 chuyển sang, 1 nhiệm vụ của tháng 2 chuyển sang, 7 nhiệm vụ của tháng 3 chuyển sang, 12 nhiệm vụ chậm muộn từ tháng 4 chuyển sang). Tổ Công tác triển khai Đề án 06 cũng xác định còn 5 “điểm nghẽn” đang cản trở cho tiến trình phát triển của Đề án 06.
Cụ thể, về pháp lý, việc xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bị điều chỉnh thời hạn nhiều lần, đến nay đã chậm tiến độ 10 tháng so với hạn hoàn thành là tháng 7/2023 theo chỉ đạo tại Công văn số 452. Việc chậm trễ dẫn đến nguy cơ đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin, dự án, hạ tầng công nghệ thông tin chậm được tháo gỡ, triển khai khó đáp ứng yêu cầu của Đề án 06.
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an cho biết: Hiện vẫn còn một số địa phương chưa ban hành Nghị quyết của HĐND về miễn, giảm phí, lệ phí, hạn hoàn thành trong tháng 6/2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến nay đã chậm tiến độ 11 tháng khiến người dân không được hưởng lợi miễn, giảm phí khi thực hiện dịch vụ công, không khuyến khích tăng tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đại tá Vũ Văn Tấn cũng thông tin, còn 6 dịch vụ công chưa hoàn thành tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia (theo Đề án 06, Quyết định 422, Quyết định 206), thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với nhóm thủ tục đăng ký thành lập kinh doanh và đăng ký thuế, phải hoàn thành trong tháng 3/2024, chậm tiến độ 2 tháng. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với dịch vụ thăm viếng mộ liệt sĩ (cấp giấy giới thiệu và thực hiện chi hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ), phải hoàn thành trong quý III/2022, chậm tiến độ 17 tháng. Bộ Tư pháp với nhiệm vụ hoàn thiện thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí tòa án, phải hoàn thành trong quý III/2022, chậm tiến độ 17 tháng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường liên thông nhóm thủ tục xóa nợ nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ) trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi về nghĩa vụ tài chính (do xóa nợ nghĩa vụ tài chính), phải hoàn thành trong quý IV/2022, chậm tiến độ 14 tháng. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, phải hoàn thành trong quý II/2022, chậm tiến độ 20 tháng.
Tập đoàn điện lực Việt Nam với nhiệm vụ mở rộng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện các dịch vụ cung cấp điện còn lại (ngoài 2 dịch vụ đã hoàn thành: Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (220/380V); Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện) phải hoàn thành trong quý III/2022, chậm tiến độ 17 tháng.
Về 2 dịch vụ công liên thông, ngày 16/4/2024, Tổ công tác triển khai Đề án 06 có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Công an xây dựng API để tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử từ phần mềm dịch vụ công liên thông về hệ thống một cửa điện tử. Đến nay, mới có 6 địa phương (Đà Nẵng, Đồng Nai, Cần Thơ, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Tây Ninh) phối hợp triển khai thực hiện.
Còn 7 bộ, ngành gồm: Ngoại giao; Tài chính; Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Ủy ban Dân tộc; Thanh tra Chính phủ; BHXH Việt Nam chưa hoàn thành công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình để địa phương tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn quốc, chậm tiến độ 6 tháng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc tái sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần còn rất hạn chế.
Về hạ tầng công nghệ thông tin, hiện vẫn còn 11 bộ, ngành (Công Thương; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Văn hóa; Thể thao và Du lịch; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Dân tộc) chưa hoàn thành việc nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ và việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết TTHC, dịch vụ công.
Về dữ liệu, qua thống kê trên Cổng dịch vụ công quốc gia, mới có Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC. Các bộ, ngành còn lại chưa khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu được số hóa để cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC. Như vậy, đến năm 2025 sẽ không hoàn thành mục tiêu có 50% các TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm. Nguồn lực để triển khai Đề án 06 của các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa được Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư tháo gỡ kịp thời.
Nguồn: Báo CAND