Cùng dự hội nghị có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và Công an TP Hà Nội.
Giải quyết hiệu quả các vụ án dư luận xã hội quan tâm
Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác trong tháng 4 và nhiệm vụ công tác trọng tâm tháng 5/2023, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an nêu rõ, trong tháng, lực lượng CAND đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội; ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, điện chỉ đạo, mệnh lệnh công tác; bảo đảm an ninh chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.
Nổi bật, đã tập trung tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại hiệu quả. Các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án lớn được triển khai quyết liệt, đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra; đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động của các thế lực thù địch, phản động; chủ động đấu tranh nhiều chuyên đề phòng, chống tội phạm, triệt phá nhiều đường dây tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc và tổ chức đánh bạc quy mô lớn... Bên cạnh đó, đã giải quyết hiệu quả các vụ án dư luận xã hội quan tâm và các vụ án thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) theo dõi, chỉ đạo; tạo được sự đồng tình, ủng hộ tích cực trong nhân dân; được lãnh đạo các cấp ghi nhận, đánh giá cao.
Kết quả thực hiện Đề án 06 và xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia đạt nhiều kết quả quan trọng; tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an đạt gần 77% trên tổng số hồ sơ. Các mặt công tác tham mưu, xây dựng lực lượng, xây dựng pháp luật, đối ngoại, công tác quản lý nhà nước về ANTT; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH); giáo dục - đào tạo, công tác cán bộ; thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp; hậu cần, tài chính được đảm bảo. Xuất hiện nhiều tấm gương CBCS CAND làm việc tốt, được các cấp lãnh đạo và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp người chiến sĩ CAND...
Ngăn chặn tội phạm gia tăng theo quy luật chuyển mùa
Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, đã có 17 đơn vị, địa phương tham luận, đánh giá tình hình kết quả công tác tháng 4 và kiến nghị, đề xuất 45 vấn đề, giải pháp, chia làm 3 nhóm nội dung nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác thời gian tới.
Với tham luận "Đề xuất các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm gia tăng theo quy luật chuyển mùa", Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết, một số loại tội phạm về trật tự xã hội gia tăng hoạt động trong giai đoạn thời tiết chuyển sang mùa hè là các loại tội phạm xâm phạm sở hữu (trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản), tội phạm xâm phạm nhân thân (giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm).
Nguyên nhân là, do thời tiết chuyển mùa, nhất là các tỉnh phía Bắc, thời tiết nắng nóng, tác động đến thói quen sinh hoạt, sức khoẻ; người dân thường xuyên ra ngoài trời vui chơi, đi về đêm tối muộn; trời nóng các gia đình mở cửa, ban công quên đóng lại; phụ nữ mang trang sức quý trên người sơ hở, mất cảnh giác... tạo điều kiện cho các đối tượng nảy sinh các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, dịp này có nhiều ngày lễ, người dân có xu hướng đi du lịch, nghỉ dưỡng; tình trạng sử dụng rượu, bia vi phạm pháp luật gia tăng. Trong khi đó, kinh tế còn khó khăn, nhiều lao động phổ thông không có việc làm, diễn biến tình hình tội phạm phức tạp.
Để chủ động đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm trên, Trung tướng Trần Ngọc Hà đề xuất các giải pháp: chủ động nắm, phân tích, đánh giá tình hình, nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới, góp phần phòng ngừa chung; tiếp tục thực hiện các phương án, điện chỉ đạo của Bộ về phòng, chống tội phạm hình sự; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân phòng chống tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa của người dân; làm tốt công tác nắm địa bàn, tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp các giải pháp phòng ngừa xã hội; tăng cường tuần tra kiểm soát bảo đảm ANTT, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm...
Tham luận về việc hoàn thiện chính sách pháp luật về xuất nhập cảnh, Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
"Việc sửa đổi, bổ sung 2 dự án luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước sau hai năm dịch bệnh COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân Việt Nam trong xuất, nhập cảnh đi các nước học tập, thăm thân, tìm hiểu cơ hội đầu tư; đồng thời, tạo cơ chế, chính sách ưu đãi, thông thoáng nhất thu hút người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, đầu tư, thương mại", Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh nêu giải pháp tham mưu lãnh đạo Bộ sửa đổi một số văn bản hướng dân liên quan đến triển khai luật; thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về quản lý cư trú đối với người nước ngoài; tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành quy trình công tác quản lý người nước ngoài cư trú tại địa phương; tăng cường phối hợp Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo hệ lực lượng xuất nhập cảnh thực hiện tốt các cơ chế, chính sách mới, thống nhất thực hiện trên toàn quốc...
Phòng ngừa, đấu tranh tội phạm vận chuyển ma tuý qua đường hàng không
Với tham luận "Giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vận chuyển trái phép chất ma tuý qua đường hàng không", Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma tuý cho biết, sau đại dịch COVID-19, do chính sách mở cửa giao thương, tuyến hàng không nội địa và quốc tế hoạt động trở lại, tội phạm ma tuý gia tăng vận chuyển ma tuý thông qua các dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, ký gửi hàng hoá.
Từ đầu năm đến nay, Cục CSĐT tội phạm về ma tuý, các lực lượng chức năng và Công an các địa phương đã bắt giữ 18 vụ, 21 đối tượng, thu giữ hơn 650kg ma tuý tổng hợp, hơn 13kg cocain; 1,4kg heroin; 4,5kg cần sa qua đường hàng không, thông qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, ký gửi hàng hoá... Thủ đoạn của các đối tượng là cất giấu ma tuý trong các kiện hàng, hành lý ký gửi như: dưới đáy va ly, trong quần áo, ép nhỏ dính vào bìa cuốn sách; giấu trong hàng hoá như bánh kẹo, mỹ phẩm, cà phê, thức ăn cho vật nuôi; trong đồ điện tử như máy lọc không khí, máy pha cà phê... sau đó, ngụy trang bằng các loại vật liệu phản quang nhằm tránh thiết bị soi chiếu phát hiện.
"Đặc biệt, đã xuất hiện tình trạng đối tượng phạm tội về ma tuý là người Việt Nam ở nước ngoài lợi dụng sự quen biết với nhân viên các hãng hàng không để gửi hàng về Việt Nam, trong đó có giấu ma túy như vụ 4 tiếp viên hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất. Có thể nói, đây là thủ đoạn rất mới của tội phạm ma tuý" - Đại tá Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh.
Từ đó, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma tuý đề xuất tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hai lực lượng: CSĐT tội phạm về ma tuý và Hải quan để kịp thời trao đổi thông tin liên quan, phát hiện bắt giữ các đối tượng. Ngành Hải quan tăng cường kiểm soát hàng hoá nhập khẩu qua đường hàng không; kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, bịt kín sơ hở không để tội phạm ma tuý lợi dụng. Lực lượng CSĐT tội phạm về ma tuý thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tuyến, địa bàn trọng điểm; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân chủ động phòng ngừa, không để bị lợi dụng vận chuyển ma tuý. Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp điều tra mở rộng các vụ án, truy rõ nguồn gốc, bắt giữ các đối tượng chủ mưu ở nước ngoài...
Đại tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH trình bày tham luận về đánh giá thực trạng và giải pháp khắc phục những bất cập về tiêu chuẩn PCCC để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thời gian tới, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC, đặc biệt rà soát, sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu trang bị phương tiện PCCC cho nhà và công trình để phù hợp với từng loại hình cơ sở. Đôn đốc, hướng dẫn Công an các địa phương trên cơ sở đặc thù từng địa bàn, đề nghị UBND tỉnh, thành phố ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về PCCC. Phối hợp các bộ, ngành liên quan thường xuyên rà soát các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành phù hợp yêu cầu thực tiễn...
Qua nghe các ý kiến phát biểu, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý các đại biểu cần tiếp thu, nghiên cứu, quán triệt thực hiện những ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Tô Lâm tại hội nghị. Nhấn mạnh thời gian tới tình hình tội phạm sẽ diễn biến phức tạp do xã hội quay trở lại bình thường sau đại dịch một cách đầy đủ hơn, đồng chí Thứ trưởng yêu cầu Cục trưởng các Cục nghiệp vụ phát huy vai trò "Tư lệnh" của hệ lực lượng để kiểm soát tốt tình hình, nhận diện những loại tội phạm mới và áp dụng pháp luật cho phù hợp, chủ động trấn áp tội phạm.
Bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp nghỉ lễ sắp tới
Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận, biểu dương những kết quả mà lực lượng CAND đạt được trong thời gian qua.
Chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương chủ động nắm, đánh giá, dự báo sát tình hình, kịp thời tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước. Trọng tâm là bảo đảm ANTT Lễ Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), các hoạt động kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5), 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV…; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Công an các đơn vị, địa phương có liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC theo dõi, chỉ đạo trên từng lĩnh vực. Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm hình sự, ma túy, các nhóm đối tượng sử dụng hung khí, vũ khí nóng giải quyết mâu thuẫn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng...
"Các đồng chí phải tăng cường các biện pháp giảm tội phạm, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác điều tra. Đối với tội phạm ma tuý, làm sao tìm các biện pháp giảm cầu, đến tận cơ sở" - Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý. Biểu dương lực lượng CSGT vừa qua làm rất hiệu quả, được Thủ tướng Chính phủ khen ngợi, từ Tết đến giờ nhiều anh em chưa được nghỉ, việc đổi mới phương thức công tác, xuất hiện nhiều hình ảnh đẹp được nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, Bộ trưởng cũng yêu cầu tiếp tục duy trì việc xử lý nồng độ cồn, tìm giải pháp giảm TNGT.
Cùng với đó, các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các nội dung lãnh đạo của Bộ chỉ đạo triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC; tham mưu Bộ triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới. Trước mắt là tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, không để xảy ra ùn tắc tại các cửa ngõ thành phố lớn, địa điểm du lịch, các bến xe, nhà ga, sân bay, nhất là trước và sau dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới...
Đối với việc thực hiện Đề án 06 và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngành Công an, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu các đơn vị chức năng có liên quan chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia và triển khai Đề án số 06 và tiến độ cấp Căn cước công dân, tài khoản định danh, xác thực điện tử...
Nguồn: Báo CAND