“Không để nợ văn bản, đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sang Chính phủ khóa mới”, đây là yêu cầu được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đặt ra vào sáng 3/12, tại buổi làm việc với các bộ, cơ quan có nhiều văn bản, chương trình công tác nợ đọng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh đến nguy cơ nợ đọng văn bản cao, khi có đến 30 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nghĩa là phải ban hành trước ngày 15/11/2020, nhưng đến nay chưa được ban hành (đã trình 7 văn bản, chưa trình 23 văn bản), thuộc trách nhiệm của các bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường.
Về chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến cuối năm, các bộ, cơ quan phải hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 167 văn bản (7 văn bản chi tiết nợ đọng, 23 văn bản quy định chi tiết có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, 38 đề án nợ đọng, 99 đề án chương trình công tác tháng 12).
Lý giải về các văn bản còn nợ đọng của Bộ Công an, Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp cho biết, trong 3 nghị định quy định chi tiết, có 2 nghị định mang yếu tố nhạy cảm, Bộ đã trình và chờ ý kiến từ Chính phủ. Còn nghị định về Công an xã, thị trấn chính quy, sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Công an sẽ báo cáo, trình Thủ tướng ký. “Hiện 100% Công an xã chính quy nhưng vẫn đang vướng về quy định chế độ chính sách cho lực lượng này, cả về chức năng, nhiệm vụ, trong đó có chức năng điều tra. Công an xã trước đây là bán chuyên trách, hiện nay là Công an chính quy, cần sớm điều chỉnh theo hướng Công an chính quy phải có chức năng điều tra”, Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng cũng mong sớm có nghị định để thực hiện.
Đối với 6 đề án nợ đọng phải hoàn thành trong tháng 11/2020, Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng cho hay, Bộ trưởng Bộ Công an đã phê trực tiếp từng đề án, yêu cầu ngày hoàn thành. Tuy nhiên, ngoài nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng phải chờ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, còn 5 dự án, đề án, Bộ đang khẩn trương hoàn thành.
Đặt vấn đề đưa Công an chính quy về xã là chủ trương lớn, đã đưa lực lượng xuống, không làm rõ chức năng nhiệm vụ sẽ rất khó”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Nội vụ phải trả lời Bộ Công an. Liên quan đến gần 11.000 trưởng Công an xã là công chức xã ở các địa phương dôi dư, phải báo cáo Chính phủ hướng xử lý. Còn những nội dung khác như quy định chức năng, nhiệm vụ của Công an xã, Bộ Nội vụ phải làm ngay.
Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng cho biết, việc triển khai Công an xã chính quy không làm tăng biên chế. Việc này được triển khai khoa học, đúng quy định.
Nguồn: Báo CAND