1.Là một giảng viên giỏi, một nhà nghiên cứu chuyên sâu về điều tra hình sự, trong suốt 20 năm làm công tác giảng dạy, quản lý giáo dục ở học viện, Thượng tá Nguyễn Thị Lan Hồng, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo và bồi dưỡng nâng cao - Học viện ANND luôn cố gắng với mong muốn làm sao nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu để đóng góp vào sự phát triển lý luận chuyên ngành.
Với đồng chí, mọi điều đều bắt nguồn từ sự đam mê, tâm huyết. “Để trở thành một giảng viên giỏi, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Công an, chúng ta phải say mê, tâm huyết và yêu thích công việc đó”, Thượng tá Nguyễn Thị Lan Hồng cho biết.
Được phân công nghiên cứu giảng dạy ở lĩnh vực an ninh điều tra, lĩnh vực đặc thù, gắn sát với thực tiễn chiến đấu của lực lượng, yêu cầu về bảo mật rất cao, chị đã tự xác định trách nhiệm của mình. Không chỉ nghiên cứu các hồ sơ vụ án, đồng chí còn trực tiếp trải nghiệm thực tế tại các đơn vị điều tra, học hỏi các điều tra viên, từ đó cập nhật, bổ sung vào bài giảng của mình. Đồng thời, đổi mới phương pháp giảng dạy, mỗi bài giảng của đồng chí không chỉ truyền kiến thức mà còn truyền cảm hứng, rèn kỹ năng bồi dưỡng nhân cách nghề nghiệp cho các em sinh viên.
Bên cạnh công tác giảng dạy, chị đã tích cực nghiên cứu, đọc tài liệu, suy nghĩ trăn trở để phát hiện những vấn đề mới, những ý tưởng khoa học mới, từ đó hiện thực hoá thành các công trình như các bài báo khoa học, đề tài khoa học.
Có thể nói trong công tác nghiệp vụ khoa học, chính niềm đam mê cùng với phương pháp nghiên cứu khoa học cùng cách thức hợp tác, phối hợp làm việc nhóm, thu thập thông tin chính là chìa khoá để đồng chí hoàn thành các công trình khoa học có chất lượng, đúng tiến độ. Và hơn cả là sự định hướng chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự giúp đỡ của đồng nghiệp và sự quan tâm chia sẻ của gia đình.
|
Thượng tá Nguyễn Thị Lan Hồng, Trung tá Phạm Thị Thanh Hồng và Trung tá Nguyễn Quế Chinh chia sẻ tại buổi giao lưu.
|
2. Cục Cảnh sát kinh tế luôn là một trong những đơn vị tiên phong dẫn đầu trong điều tra phòng, chống tội phạm và cũng là lá cờ đầu trong phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc. Là nữ điều tra viên tham gia nhiều chuyên án, vụ án trọng điểm các loại tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - một lĩnh vực mà tội phạm hết sức tinh vi, phức tạp và nguy hiểm, Trung tá Phạm Thị Thanh Hồng, điều tra viên Phòng 9, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã chủ động bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình đối tượng, đề xuất các biện pháp công tác góp phần bóc gỡ, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nhiều đối tượng, đường dây tội phạm, bảo đảm ANTT trên địa bàn.
Thông qua công tác điều tra, Trung tá Phạm Thị Thanh Hồng nhận thấy đối tượng phạm tội về tham nhũng kinh tế, buôn lậu thường là những người có trình độ học vấn cao, hiểu biết pháp luật. Vì vậy, có rất nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi để che giấu hoạt động phạm tội cũng như cản trở hoạt động của cơ quan điều tra. Có những vụ án, các đối tượng lợi dụng sơ hở, chưa đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội, tiêu hủy chứng cứ phạm tội trước khi bị phát hiện, khiến việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của cơ quan điều tra rất khó khăn.
Do vậy, ngoài việc phối hợp với các lực lượng CAND, đồng chí cùng đồng đội còn phối hợp với các lực lượng ngoài Công an để thu thập được chứng cứ chứng minh tội phạm, truy nguyên nguồn gốc tội phạm, tìm ra dấu vết tội phạm để đảm bảo việc điều tra tội phạm khách quan, toàn diện nhất và đúng người, đúng tội. Những vụ án về tham nhũng kinh tế, buôn lậu xảy ra ở rất nhiều lĩnh vực kinh tế. Mỗi lĩnh vực lại có những văn bản quy phạm pháp luật riêng, có những vụ án có nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, có những vụ án đồng chí gần như phải tìm hiểu từ đầu về kiến thức mới trong lĩnh vực đó.
Đặc trưng của các vụ án kinh tế là được dư luận rất quan tâm, có những vụ dư luận theo sát từ khi bắt đầu điều tra cho đến khi được đưa ra truy tố xét xử. Thậm chí, từng ngày xét xử, từng tình huống xét xử đều được nhiều người quan tâm. Có những vụ việc dư luận xã hội đưa ra nhiều luồng thông tin trái chiều, không đúng với bản chất sự việc ảnh hưởng rất nhiều đến công tác điều tra, cũng như các luồng thông tin chính thống.
Vì vậy, nếu công tác điều tra không khách quan, toàn diện sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín của lực lượng điều tra cũng như đơn vị của mình. Ý thức được điều đó, với trách nhiệm của mình, chị đã cùng đồng đội phải rất thận trọng, chính xác, khách quan, toàn diện trong tất cả quá trình hoạt động để đảm bảo đúng người, đúng tội, tránh tình trạng oan sai; đồng thời, vượt qua rất nhiều cám dỗ, áp lực của dư luận xã hội, áp lực về thời hạn điều tra để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
3. Trại giam, trại tạm giam là môi trường công tác rất đặc thù, hàng ngày hàng giờ tiếp xúc với các đối tượng tội phạm. Trung tá Nguyễn Quế Chinh, cán bộ, Chủ tịch Hội Phụ nữ Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam đã chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng phạm nhân, tăng cường công tác quản lý, giáo dục, cảm hoá những con người lầm lỗi chấp hành cải tạo tốt để sớm hoàn lương, về với gia đình, cộng đồng xã hội.
Bên cạnh sự kiên trì, nhẫn nại, sẻ chia, hiểu tâm lý tội phạm, chị còn phải là người cương quyết, cứng rắn kết hợp mềm dẻo, khéo léo. “Lúc là người chị, người bạn sẻ chia tâm sự, lúc lại là người quản giáo nghiêm khắc. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là làm sao giáo dục, cảm hoá được các can phạm nhân khiến họ nhận thức được tội lỗi của mình, ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra; đặc biệt, tử tù thì chịu cải tạo tuân theo quy định của pháp luật” - Trung tá Nguyễn Quế Chinh chia sẻ.
Với truyền thống gia đình khi có mẹ cũng là cán bộ quản giáo cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của các đồng chí chỉ huy, những đồng chí thế hệ đi trước, đặc biệt là việc thực tế tiếp xúc với các can phạm nhân, bằng tình thương và trách nhiệm của mình, Trung tá Nguyễn Quế Chinh đã trực tiếp cảm hóa giáo dục, đưa được nhiều người trở về với nẻo thiện.
“Trọn đời gắn bó với công tác gieo mầm thiện trong mỗi con người phạm tội để trả cho đời những công dân lương thiện, có ích cho gia đình và xã hội”. Bên cạnh công tác chuyên môn, trong vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ của đơn vị, ngoài việc đầu tàu gương mẫu tích cực tham gia tất cả các phong trào, Trung tá Nguyễn Quế Chinh luôn suy nghĩ tìm tòi, tạo ra nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, lôi cuốn cán bộ nữ của đơn vị tham gia, làm sao gắn nhiệm vụ công tác hội với nhiệm vụ chính trị của Công an.
Với mong muốn không ai phạm tội chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, trong vai trò Chủ tịch hội, bằng kiến thức pháp luật đã được học, kinh nghiệm thực tế công tác, nghiên cứu thêm ở sách vở, đồng chí đã trực tiếp biên soạn các bài giảng về bạo lực gia đình, bình đẳng giới, xâm phạm tình dục trẻ em, bạo lực học đường và các tệ nạn xã hội để tuyên truyền cho quần chúng nhân dân trong địa bàn, giúp họ hiểu biết thêm về kiến thức pháp luật, chủ động trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật.
4. “I am proud to be a Vietnamese Policewoman” – “Tôi tự hào là nữ Công an Việt Nam”, học viên Nguyễn Nhật Linh, Học viện CSND khiến cả hội trường nóng lên bởi những tràng pháo tay rộn ràng khi biết được đó là câu nói em đã chia sẻ đầy tự hào khi giành giải Nhất tại cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cho sinh viên Cảnh sát các nước châu Á tại Hàn Quốc năm 2020 với đề tài “Dấu hiệu nạn nhân bị bắt nạt trực tuyến đối với thanh thiếu niên Việt Nam”.
Để có một thành tích học tập tốt, giành danh hiệu học viên xuất sắc 3 năm liền, theo Nhật Linh, ngay từ những ngày đầu bước chân đến giảng đường, chị đã xác định việc học tập và luyện của mình là nhiệm vụ chính, cho nên ngoài việc luôn luôn chăm chú nghe giảng, bản thân cũng phải dành nhiều thời gian để lên thư viện nghiên cứu và trao đổi với thầy cô, bạn bè.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu khoa học cũng là sở thích đối với Linh, ở đó, giúp chị hiểu chuyên sâu các cạnh gai góc của vấn đề. Ngoài giành giải Nhất, Nhì tại cuộc thi sinh viên viết Chuyên đề nghiên cứu khoa học năm học 2019 - 2020 do Học viện CSND phát động, Linh còn đoạt giải Nhì cuộc Olympic Tiếng Anh dành cho sinh viên không chuyên toàn quốc…
Nguồn: Báo CAND